Đáng sợ bệnh dễ nhầm lẫn với tiểu đường, khiến người bệnh phải cắt cụt chi

Khi mắc bệnh viêm mao mạch hoại tử, nếu không chữa kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắt cụt chi, tháo khớp chi do hoại tử.

 Bàn chân bị hoại tử do mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng. Ảnh: BSCC

Bàn chân bị hoại tử do mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng. Ảnh: BSCC

Anh Nguyễn Đình Mạnh (Thanh Hóa) đã khổ sở chịu đựng căn bệnh viêm mao mạch dị ứng 14 năm nay. Căn bệnh khiến anh đau đớn hàng đêm, trằn trọc không thể ngủ.

Khi thời tiết thay đổi, bắp chân căng cứng, anh không thể đi lại, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Chạy chữa nhiều nơi, nhưng không đỡ, anh Mạnh tưởng chừng không thể thoát khỏi.

Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị M. (42 tuổi, ở Bắc Kạn) thấy các nốt ban đỏ xuất hiện ở chân và ngày càng lan rộng. Khi kể bệnh, hiệu thuốc bán cho bà M thuốc dị ứng để điều trị. Thế nhưng, càng điều trị, các vết ban đỏ càng nhiều, lan kín chân, đến đầu gối và đùi.

Chỉ khi đến bệnh viện, bà M mới biết mình bị viêm mao mạch dị ứng. Lúc này, bàn chân của bệnh nhân đã bị hoại tử vì không được phát hiện và điều trị kịp thời, có nguy cơ phải cắt chi.

Bàn chân lở loét, hoại tử của bệnh nhân khi mắc bệnh này. Ảnh: BSCC

Chia sẻ tại hội thảo "Vai trò của thảo dược trong hỗ trợ điều trị bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch", PGS.TS Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam - cho biết: Đây là bệnh thuộc hệ miễn dịch, có 2 dạng chính là viêm mao mạch dị ứng và viêm mao mạch hoại tử. Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh này là viêm đường hô hấp và lạm dụng thuốc.

"Căn bệnh này thường xuất hiện ở người trẻ, dưới 20 tuổi. Đây là bệnh lý có biểu hiện đa dạng khó xác định nguyên nhân chính xác và dễ nhầm lẫn với nhiều loại khác như đau khớp, đau bụng, tiểu đường"- BS Hưng nói.

Theo PGS Hưng, người bệnh được dùng thuốc giảm đau, chống viêm để giảm nhẹ các triệu chứng đau khớp, đau cơ, sốt. Bác sĩ có thể kê corticoid cho bệnh nhân trong trường hợp bị tổn thương thận nặng, dùng theo liều giảm dần. Ngoài ra, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Người bệnh cần nghỉ ngơi từ 1-2 tháng, ăn uống nhẹ nhàng để hạn chế tác động đến đường tiêu hóa.

"Viêm mao mạch dị ứng khiến người bệnh rất khó chịu, mất tự ti vì các vết mẩn ngứa khắp cẳng chân. Còn với viêm mao mạch hoại tử, nếu không chữa kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắt cụt chi, tháo khớp chi do hoại tử"- ông nói.

Bên cạnh liệu pháp điều trị bằng Tây y, nhiều người tìm đến Đông y để chữa viêm mao mạch dị ứng. Tuy nhiên, khi dùng bất cứ phương pháp nào, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Ông Nguyễn Hồng Siêm- Chủ tịch Hội Đông Y Hà Nội chia sẻ cách chữa bệnh kết hợp đông tây y. Ảnh: PV

Trong Đông y có những phương pháp giúp kiểm soát căn bệnh viêm mao mạch, viêm tắc tĩnh mạch an toàn và hiệu quả, tập trung vào việc nâng cao chính khí của cơ thể cho bệnh nhân, lập lại sự cân bằng âm dương, chú trọng đến nâng cao chức năng của các tạng Tỳ, Can, Thận.

Các chuyên gia nhấn mạnh viêm mao mạch dị ứng là bệnh khá nguy hiểm, cần được điều trị sớm và nhanh chóng để ngăn chặn biến chứng.

Hương Giang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/dang-so-benh-de-nham-lan-voi-tieu-duong-khien-nguoi-benh-phai-cat-cut-chi-740559.ldo