Đang thiếu những bài thơ đỉnh cao

Chưa bao giờ ở nước ta thơ được xuất bản nhiều và nhanh như bây giờ. Hàng loạt các Hội thơ được thành lập từ các tổ chức riêng đến mạng xã hội, hàng loạt sách thơ được xuất bản nhưng chủ yếu mang cho, mang biếu. Điều đó cho thấy, thơ ngày nay chỉ chạy theo số lượng còn chất lượng lại là vấn đề đáng bàn.

Thiếu những vần thơ “chất”

Ngày thơ Việt Nam được tổ chức thường niên vào dịp Rằm tháng Giêng luôn thu hút đông đảo các nhà thơ tham dự. Đây là năm thứ 16 “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức với nhiều hoạt động thơ thiết thực theo chủ đề hàng năm. Có thể nói, Ngày thơ Việt Nam đã làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành ngày hội của người làm thơ, yêu thơ, xuất bản thơ Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay thơ được xuất bản quá nhanh và quá nhiều, nhưng còn mờ nhạt, thiếu những vần thơ làm lay động trái tim người đọc, cho nên đa số những tác phẩm tham gia Lễ hội thơ vẫn chưa thực sự chất lượng.

Năm nay, "cánh buồm thơ” là biểu tượng của Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Bảo Thoa

Trong Hội thảo “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” diễn ra trước thềm “Ngày thơ Việt Nam”, nhà thơ Y Phương cho biết, thơ hiện nay thiếu đỉnh cao, thậm chí có ý kiến cho rằng nhiều tác phẩm thơ đương đại mới ở mức trung bình hoặc dưới trung bình. Thơ ca trước đây đã làm góp phần động viên người chiến sĩ với “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, động viên tầng lớp công nông “tay búa tay súng”, “tay cầy, tay súng”.. hay những bài thơ được phổ nhạc tạo nên những tác phẩm đi cùng năm tháng như “Hành khúc ngày và đêm”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Vàm cỏ Đông”.. Ngày nay, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng cao, trình độ dân trí phát triển, cuộc sống muôn màu trong xã hội đã đi vào thơ. Tuy nhiên, vẫn thiếu những vần thơ hay, lay động trái tim người đọc.

Đã thành thông lệ hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội; các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng trên khắp cả nước. Những năm trước, Ngày Thơ Việt Nam thường diễn ra trong ngày Rằm tháng Giêng, trước đó, đêm 14 tháng Giêng diễn ra các chương trình văn nghệ tôn vinh thi ca. Xuân Mậu Tuất 2018, Ngày Thơ Việt Nam vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có song các hoạt động của Ngày thơ được mở rộng với nhiều nét đổi mới, đa dạng, hấp dẫn hơn.

Một số năm trước, biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam từng được chọn là con hạc, chiếc nón… Năm nay, “cánh buồm thơ” là phương án trưng bày và cũng là biểu tượng của Ngày thơ. Việc chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ vẫn được giữ nguyên. Đây đều là những câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, khuynh hướng, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước, nhất là những vấn đề xã hội đang quan tâm. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 được tổ chức từ ngày 27/2 đến 2/3 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Các nhà thơ thời chiến từng hào sảng ca ngợi đất nước, nhân dân chiến đấu với cảm hứng “sử thi” thì nay họ đã chuyển sang cảm hứng thế sự với rất nhiều ưu tư, để phân tích, nhận diện, giãi bày tâm trạng cá nhân. Trước kia trong thơ là “đạo” thì ngày nay trong thơ là “đời”. Trước kia thơ thường mang ý nghĩa tình cảm và ý thức cộng đồng thì ngày nay thơ dường như mang tâm trạng của cá nhân là chủ yếu.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ hay không cần phải giải thích, lĩnh hội nhiều, cứ đọc lên là thấm ngay được cái phần tâm linh của câu chữ. Nay có rất nhiều những bài thơ tình nhạt nhẽo, đọc lên là thấy nhang nhác giống nhau về nỗi niềm, tình ý với những hình ảnh xưa cũ hoặc những loại thơ tình u uất, thơ tình phá phách đề cao dục vọng…Thứ thơ dễ dãi “đong đưa” này dường như không có sức sống cùng thời gian.

Phẩm chất thi sĩ không theo kịp phẩm chất đổi mới

Ngày nay đã xuất hiện không ít nhà thơ cố gắng tìm tòi cái mới, cố gắng vượt qua sự đơn điệu, nhàm chán của những cung bậc thơ cũ và cũng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên nhiều tác giả vẫn không đủ phẩm chất thi sỹ để theo kịp sự đổi mới, cho nên có thể có những bài thơ mới chỉ dừng lại ở mức có dấu hiệu tìm tòi chứ chưa tạo nên được một sự khác biệt, chưa khẳng định được một tài năng đích thực.

Nói như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Phẩm chất thi sĩ không theo kịp phẩm chất đổi mới. “Tôi nghĩ, chúng ta không thể viết cũ như những năm trước đây, thế hệ thơ mới phải tìm cho mình con đường đi vượt lên mọi thiên kiến và sự trì trệ ngăn cản con đường phát triển của văn học hiện đại, để thiết lập những giá trị mới về nghệ thuật thi ca hiện đại”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói.

Còn theo nhà thơ Lê Thành Nghị, thơ Việt đương đại là một bức tranh nhiều màu sắc, là một dòng sông có có nhiều dòng suối nhỏ cùng chảy, phản ánh những cố gắng tìm tòi không ngừng của các nhà thơ. Những thay đổi đó làm nên đời sống thơ khá phong phú hôm nay.

Đổi mới thơ, quan trọng nhất vẫn là đổi mới cảm hứng sáng tạo, đổi mới nhận thức tư tưởng và từ đó đổi mới nội dung, ngôn ngữ của thơ. Trên cái nền chung là chủ nghĩa yêu nước, là trách nhiệm công dân của người cầm bút, nhà thơ đi tìm những vấn đề mới mà cuộc sống đang đặt ra, lý giải nó bằng nhận thức của cá nhân mang ý nghĩa xã hội tích cực.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dang-thieu-nhung-bai-tho-dinh-cao-69678.html