Dâng trào cảm xúc khi thăm Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Du khách tham quan, tìm hiểu những bức tranh ký họa về các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại Nhà bảo tàng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN VĂN TOÀN

Có dịp thăm Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam, chúng tôi vô cùng xúc động khi được biết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước có những đóng góp từ sự hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã hiến dâng những người con của mình cho Tổ quốc.

Đó là Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Qua hướng dẫn viên, chúng tôi được biết tượng đài lấy nguyên mẫu từ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) - người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Mẹ Thứ sinh sống tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mẹ có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Con gái cả của Mẹ Thứ là Mẹ Lê Thị Trị cũng được vinh dự trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì có chồng và 2 con gái là liệt sĩ. Bởi thế, có thể nhận định, Mẹ Thứ là đại diện cho 11.659 Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Quảng Nam và 138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước.

Một ấn tượng nữa đối với chúng tôi là bên trong Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng là Nhà bảo tàng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nơi đây ghi danh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước và lưu giữ ảnh tư liệu về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Tôi ấn tượng nhất với thông tin 10 mẹ vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là Mẹ Văn Thị Thừa (SN 1915), Mẹ Nguyễn Thị Rành (SN 1900), Mẹ Phạm Thị Ngư (SN 1912), Mẹ Võ Thị Nhã (SN 1921), Mẹ Đỗ Thị Phúc (SN 1906), Mẹ Bùi Thị Thêm (SN 1924), Mẹ Huỳnh Thị Tân (SN 1906), Mẹ Đoàn Thị Nghiệp (SN 1925), Mẹ Mai Thị Út (SN 1913) và Mẹ Nguyễn Thị Điểm (SN 1941).

Tác giả (bên phải) tại Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV

Tôi cũng ấn tượng với thông tin có 3 chị em ruột đều là Mẹ Việt Nam anh hùng, đó là Mẹ Bùi Thị Hải (SN 1908), Mẹ Bùi Thị Tư (SN 1916) và Mẹ Bùi Thị Nhỏ (SN 1922) đều ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Tôi vẫn nhớ về nhạc phẩm “Hát về Mẹ Việt Nam anh hùng” của cố thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên. Những giai điệu của bài hát về cuộc đời của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng thật cảm động: “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”. Bên cạnh đó, tri ân những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, GS Vũ Khiêu (Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam) đã viết câu đối ca ngợi hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng: “Tổ quốc ghi công con liệt sĩ/ Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”.

138.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước thật xứng đáng với tám chữ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng dành cho người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không chứng kiến những đau thương mất mát trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ đi trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam anh hùng.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250210/dang-trao-cam-xuc-khi-tham-tuong-dai-ba-me-viet-nam-anh-hung.html