Đảng viên trên những con tàu vươn khơi (bài 3)

Trong số hàng triệu lao động của nước ta thường xuyên vươn khơi, bám biển, khai thác nguồn lợi thủy hải sản, có một bộ phận không nhỏ là đảng viên. Dù ở cương vị của chủ tàu, thuyền trưởng hay thuyền viên thì đảng viên ngư dân luôn khẳng định tính tiên phong, gương mẫu, trung tâm đoàn kết giữa trùng khơi. Họ thực sự là điểm tựa tinh thần để bạn nghề vượt qua khó khăn, thử thách của thiên tai, địch họa, vươn khơi làm giàu cho gia đình, xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên trẻ là ngư dân đang gặp nhiều khó khăn, cần có chính sách, sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương.

Bài 1: Tiên phong, gương mẫu giữa trùng khơi

Bài 2: Nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên là ngư dân

Bài 3: Tạo nguồn, phát triển đảng viên trong ngư dân

Công tác phát triển đảng viên ở các địa phương có thế mạnh về kinh tế biển của nước ta nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ đảng viên hành nghề trên biển mỏng khiến cho công tác nắm tình hình, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với ngư dân còn nhiều hạn chế. Trong khó khăn chung, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đang có những biện pháp rất cụ thể để phát triển đội ngũ đảng viên trẻ trong ngư dân một cách hiệu quả. Có thể xem đây là những kinh nghiệm hay cho nhiều địa phương khác nghiên cứu, học tập.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhật Lệ tuyên truyền pháp luật cho ngư dân địa phương qua đội ngũ đảng viên trên biển. Ảnh: CTV

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhật Lệ tuyên truyền pháp luật cho ngư dân địa phương qua đội ngũ đảng viên trên biển. Ảnh: CTV

Xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới có 3 mặt tiếp giáp với biển và sông Nhật Lệ, người dân bao đời sinh sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Hiện nay, toàn xã Bảo Ninh có trên 400 tàu thuyền với tổng công suất gần 94.000CV thường xuyên bám biển. Hoạt động khai thác hải sản trên biển của ngư dân xã Bảo Ninh đạt hiệu quả cao, với sản lượng bình quân 12.000 tấn/năm. Cùng với đó, Bảo Ninh chú trọng phát triển dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Phát huy truyền thống của vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ngư dân Bảo Ninh luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sẻ chia trong quá trình lao động, sản xuất trên biển. Ngư dân địa phương cũng thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên biển triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn tài nguyên, môi trường biển, đảo của Tổ quốc, trong đó, đảng viên là ngư dân đóng vai trò hạt nhân tiên phong, gương mẫu trong hoạt động này. Hiện, toàn xã Bảo Ninh có 320 đảng viên, trong đó có 70 đảng viên thường xuyên ra khơi hành nghề. Trung bình, mỗi năm xã Bảo Ninh bồi dưỡng, kết nạp được 2-3 đảng viên trẻ là ngư dân.

Trong những năm qua, con tàu có công suất máy 480CV của đảng viên Nguyễn Văn Phong, ở thôn Sa Động, xã Bảo Ninh hành nghề câu trên biển rất hiệu quả. Tàu hoạt động ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa với 7-9 lao động thường xuyên làm việc trên tàu. Trong số này có 2 đảng viên là thuyền viên Bùi Ngải, sinh năm 1962, với 30 năm tuổi Đảng và thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Bảo, sinh năm 1994, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng 2 năm qua.

Nguyễn Ngọc Bảo là một trong những đảng viên trẻ được đào tạo rất cơ bản. Nếu nhìn vào ngoại hình rắn rỏi, làn da ngăm đen rám vị mặn mòi của biển cả sẽ không ai biết được Nguyễn Ngọc Bảo đã tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển tàu biển - Trường Đại học Hàng hải. Tôi đã đến nhiều làng biển, nhưng đây là lần đầu tiên thấy ngư dân có bằng đại học nên không khỏi bất ngờ. Nguyễn Ngọc Bảo chia sẻ: “Gia đình em bao đời làm nghề biển, em có điều kiện nên cố gắng học tập và tốt nghiệp đại học từ năm 2016. Thực lòng mà nói, ai tốt nghiệp đại học cũng mong có công việc ổn định, đỡ vất vả. Sau khi học xong, em tìm kiếm cơ hội việc làm, đồng thời xuống tàu cùng bố và các thuyền viên bám biển khai thác hải sản. Em được đào tạo cơ bản nên đi biển thuận lợi trong việc phòng tránh rủi ro có thể gặp phải cho tàu và ngư dân”.

Tôi hỏi Bảo về chuyện có đi biển lâu dài không?

“Em học nghề lái tàu biển, cũng muốn xin được vào lực lượng thực thi pháp luật để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Nếu giấc mơ đó không thành thì em vẫn theo nghề đi biển truyền thống của gia đình là chuyện rất bình thường” - Bảo đáp rất ngắn gọn.

Ngoài Ngọc Bảo, xã biển Bảo Ninh còn khá nhiều đảng viên trẻ bám biển. Tuy không được đào tạo bài bản, nhưng tất cả họ đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu giữa trùng khơi, tổ chức khai thác hải sản hiệu quả. Qua đó, góp sức mình xây dựng quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Như vậy, trong khi nhiều địa phương có thế mạnh về kinh tế biển của nước ta gặp khó khăn về phát triển đảng viên trong ngư dân thì Bảo Ninh có thể được xem là điểm sáng trong công tác này. Chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh để tìm hiểu về những biện pháp mà địa phương đã triển khai.

Đảng viên trẻ Nguyễn Ngọc Bảo tự tin trên con tàu ra khơi. Ảnh: Viết Lam

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết: “Bảo Ninh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và thế mạnh về nghề biển. Chúng tôi xác định rất rõ ràng, phải thường xuyên đưa ra các giải pháp để giữ vững, phát triển các ngành nghề liên quan về biển để nâng cao đời sống cho nhân dân. Muốn làm được điều đó thì ở mỗi lĩnh vực cần có những đảng viên đi tiên phong, gương mẫu. Trong khi nghề biển đang gặp khó khăn thì chúng tôi cố gắng để ngư dân giữ được nghề, giữ được lao động bám biển, như vậy mới có nguồn để bồi dưỡng đảng viên trẻ”.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy xã Bảo Ninh đã triển khai những biện pháp để tạo nguồn phát triển đảng viên trong ngư dân. Cụ thể, chính quyền địa phương đã thành lập hiệp hội nghề cá của xã, các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết. Hiện, toàn xã có 43 tổ tàu thuyền đoàn kết và tổ hợp tác khai thác thủy sản được thành lập, hoạt động có nề nếp, trong đó có 17 tổ/95 tàu công suất lớn với 1.051 lao động thường xuyên đánh bắt vùng biển xa bờ. Tổ trưởng của các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển phần lớn đều do đảng viên đảm nhiệm. Họ thực sự là hạt nhân, điểm tựa gắn kết tinh thần đoàn kết của các thuyền viên, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Không chỉ vậy, tổ trưởng các tổ tàu thuyền đoàn kết còn có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú để giới thiệu cho các chi bộ cơ sở kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Với những cách làm đó, Bảo Ninh luôn có số lượng đảng viên bám biển rất hùng hậu, thuận lợi trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với lao động ngư nghiệp, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Công tác phát triển đảng viên trong ngư dân ở Bảo Ninh có thể là kinh nghiệm tốt giúp các địa phương khác nghiên cứu, học tập.

Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các chi bộ cơ sở phải thường xuyên giữ liên hệ với các đảng viên hành nghề dài ngày trên biển để nắm tình hình. Trên cơ sở đó, phải quan tâm thiết thực, động viên các ngư dân trẻ, bồi dưỡng họ tích cực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Công tác sinh hoạt Đảng cũng được thực hiện đúng nguyên tắc trên cơ sở vận dụng linh hoạt về thời gian như tuần trăng, dịp biển động khi ngư dân về bờ đông đảo”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dang-vien-tren-nhung-con-tau-vuon-khoi-bai-3/