Dành 35 năm cống hiến cho nghề gõ đầu trẻ, cô giáo khóc nghẹn với mức lương hưu 0 đồng

Đánh đổi cả tuổi xuân, hi sinh hạnh phúc gia đình vì sự nghiệp giáo dục, khi về hưu cô Cầm không hề nhận được một đồng lương hưu nào.

Mức lương hưu 0 đồng cho 35 năm dạy trẻ

Năm nay cô Phạm Thị Cầm 61 tuổi. Sau 35 năm làm việc trên bục giảng cô đã về hưu được 6 năm nay. Ngoài khoản tiền hơn 7 triệu đồng trợ cấp bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ công tác vào tháng 10/2011, 6 năm ròng cô không nhận được một đồng lương hưu nào.

Cô Cầm sống tại xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam). Người dân địa phương thường trêu cô là “Cô Cầm không đồng”.

Sau 35 năm giảng dạy, cô Cầm chỉ nhận được hơn 7 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội - Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Khi nhắc đến gia đình cô Cầm, người dân xã Hợp Lý đều nhanh miệng nói: “Cái nhà nhỏ nhất, nghèo nhất xóm nằm cạnh cổng chùa Chỉ Trụ. Đấy là nhà cô Cầm”.

Trò chuyện cùng PV Phụ Nữ Việt Nam, cô Cầm đưa ra tập hồ sơ gồm giấy khen, huy chương… nhận được vì sự nghiệp giáo dục. Cô nói, mình đã hi sinh cả tuổi xuân, thậm chí là hạnh phúc gia đình để đạt được chúng.

Huy chương vì sự nghiệp giáo dục cô Cầm nhận được - Ảnh: Internet

“Nếu chọn lại, cô Cầm vẫn đi dạy mầm non”

Năm 1976, thời điểm giáo dục mầm non mới manh nha đến các vùng quê thì cô Cầm được địa phương cử đi học ở Trường sư phạm Mầm non tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Hoàn thành khóa học, cô quay về quê giảng dạy đám trẻ. Thời điểm đó, đồng lương của giáo viên mầm non được quy thành 7 kg thóc mỗi tháng, cứ ba tháng thì nhận một lần.

Miệt mài với công việc giảng dạy, mãi đến năm 35 tuổi cô Cầm mới kết hôn với một thương binh loại nặng, mù cả hai mắt. Hai năm sau, cô sinh được cậu con trai đầu lòng.

Thấy vợ vất vả mà chỉ nhận được mấy cân thóc mỗi tháng, chồng khuyên cô nên bỏ việc. “Thấy anh bảo vậy, cô mới nói, thôi anh ạ, em vào từ năm 76 đến giờ, mỗi người một ngành một nghề, anh cho em được tiếp tục theo nghề” – cô Cầm kể lại.

Thuyết phục chồng không thành, cô Cầm nghỉ dạy được 1 năm. Nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ, cô quyết định quay lại với trường mầm non. “Khi cô quay trở lại, hai vợ chồng căng thẳng, cô mới bảo ‘Em có thể bỏ chồng nhưng không bỏ nghề’, vậy là anh ấy bỏ cô” – cô chua xót kể.

Năm 1995 chồng cô Cầm đưa đơn ly hôn, để lại con trai một mình cô nuôi dưỡng.

Để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, cô Cầm cống hiến tuổi xuân, hi sinh hạnh phúc gia đình, chịu đựng sự khinh miệt của người thân - Ảnh: Phụ Nữ Việt Nam

Kể từ đó, người thân, anh em cũng trở mặt. Cô nghẹn ngào: “Có lần túng quá, tôi có hỏi vay tiền một người em thì bị nói thẳng như tát nước vào mặt ‘Tôi chịu, chị cứ đánh đu với mầm non thì đi mầm non mà ăn”.

Hạnh phúc gia đình tan vỡ, hai mẹ con dọn về sống trong túp lều nhỏ được bố cô dựng tạm. “Nói là nhà nhưng thực chất là lều, cô có 50 nghìn đồng góp vào, còn bố thì đi xin tre nứa của bà con trong làng, vay thêm của Hội Nông dân được một ít rồi dựng tạm cái lều. Suốt 3 năm trời, tôi không dám để cho đồng nghiệp đến vì ngại. Tôi không muốn ai đến rồi lại nghĩ, sao giáo viên mà nghèo như vậy” – cô Cầm bùi ngùi.

Năm 2004, sau gần 30 năm đi dạy cô Cầm mới được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến thời điểm nghỉ hưu (10/2011), cô Cầm có 7 năm 8 tháng tham gia bảo hiểm xã hội.

“Khi cầm quyết định nghỉ hưu và nhận tiền hơn 7 triệu đồng, cô sắp ngất trước Phòng Giáo dục huyện. Cô đã trả lại số tiền đó và không nhận, sau đó thì họ gửi hơn 7 triệu đó về xã cho cô. Hơn 7 triệu cho 35 năm cống hiến, hi sinh, có đáng không?" – cô Cầm uất nghẹn.

Cô Cầm tâm sự, bản thân chỉ có một ước muốn nhỏ nhoi: “Cô chỉ muốn mỗi tháng có dăm bảy trăm tiền trợ cấp, hỗ trợ gì đó để mình – một giáo viên về hưu không phải là gánh nặng cho gia đình, cho làng xóm, cho người thân. Còn sống được mấy nữa đâu…”.

Dành cả tuổi xuân, hi sinh hạnh phúc gia đình, chịu đựng sự khinh miệt của người thân cống hiến cho nghiệp giảng dạy để rồi lúc xế chiều, cô Cầm phải sống trong đơn độc, vất vả.

Ấy thế mà khi được hỏi, nếu được chọn lại, cô có muốn trở thành một giáo viên mầm non không?, cô Cầm vô tư đáp: “Nếu chọn lại, cô Cầm vẫn đi dạy mầm non”.

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/danh-35-nam-cong-hien-cho-nghe-go-dau-tre-co-giao-khoc-nghen-voi-muc-luong-huu-0-dong-133293.html