ĐÁNH ÁN CÔNG NGHỆ CAO THỜI 4.0

Trong thời đại 4.0, hoạt động của các loại tội phạm cũng có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm như ma túy, mại dâm, đánh bạc,... đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, đánh án công nghệ cao đã trở thành một thách thức đối với lực lượng công an, cụ thể là Đội Cảnh sát PCTP công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh Nghệ An.

Trong thời đại 4.0, hoạt động của các loại tội phạm cũng có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều loại tội phạm như ma túy, mại dâm, đánh bạc,... đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, đánh án công nghệ cao đã trở thành một thách thức đối với lực lượng công an, cụ thể là Đội Cảnh sát PCTP công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh Nghệ An.

Thiếu tá Hà Huy Đức lấy lời khai một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.

Thiếu tá Hà Huy Đức lấy lời khai một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao.

Muôn kiểu lừa tiền qua mạng

Đội Cảnh sát PCTP công nghệ cao (Đội 6) thuộc Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An được thành lập từ ngày 3-9-2017. Sau 3 năm thành lập, Đội đã điều tra, khám phá gần 50 vụ án, khởi tố gần 170 bị can với số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân lên tới gần 10 tỷ đồng.

Thủ đoạn mà các đối tượng công nghệ cao sử dụng cũng hết sức đa dạng, phong phú như mạo danh cán bộ công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Giả danh người nước ngoài vì nhiều lý do như ốm đau, làm từ thiện... muốn gửi tiền và quà có giá trị lớn về Việt Nam để hack tài khoản facbook rồi sử dụng các tài khoản này để vay tiền, nhờ chuyển tiền, nộp thẻ điện thoại; Lừa đảo thông qua các giao dịch, bán hàng trực tuyến...

Điển hình, năm 2017, Đội 6 đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Hữu Thu (1991) và Phạm Đình Luận (1993, cùng trú xã Mỹ Hương, H. Lương Tài, Bắc Ninh). Đây là hai mắt xích trong đường dây giả danh cán bộ công an và nhân viên viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân mà nạn nhân hầu hết là ở Nghệ An. Với thủ đoạn thông báo người dân nợ cước điện thoại và liên quan đến hoạt động rửa tiền, buôn ma túy, nhóm tội phạm này yêu cầu "con mồi" phối hợp điều tra bằng cách… gửi tiền vào tài khoản chỉ định kèm lời hứa sẽ hoàn trả sau khi đường dây tội phạm kia bị triệt phá. Chỉ trong thời gian ngắn, Luận và Thu đã chiếm đoạt của 9 người dân Nghệ An hơn 2 tỷ đồng bằng cách này.

Mới đây nhất, vào đầu tháng 2-2020, đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc do Phạm Văn Ninh (1981, trú Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cầm đầu cũng bị triệt phá. Liên quan đến đường dây này 4 đối tượng ở Nghệ An cũng bị bắt. Thủ đoạn của nhóm tội phạm này là sử dụng trò chơi điện tử có trả thưởng Gamvip tổ chức cho con bạc đánh với nhà cái hoặc con bạc khác, thắng thua được tính bằng điểm Gam, sau đó quy đổi điểm Gam bằng tiền mặt hoặc thẻ cào điện thoại.

Thiếu tá Hà Huy Đức- Đội trưởng Đội 6, Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An cho biết: Chưa kể các đơn trình báo tố giác tội phạm được gửi trực tiếp đến đơn vị, trung bình mỗi năm Đội nhận được khoảng 300 tin nhắn thông tin về các hành vi phạm tội thông qua trang Fanpage Phòng cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An mà đội đang quản lý.

Mặc dù tội phạm công nghệ cao “có mặt” ở khắp lĩnh vực như ma túy, đánh bạc, cố ý gây thương tích, mại dâm, đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản... nhưng để đấu tranh hay chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng hoàn toàn không đơn giản. Chưa kể trường hợp các bị hại cũng có lỗi như mua bán pháo, mua tiền giả hay e ngại vì sập bẫy lừa đảo của các đối tượng. Thông tin tiếp nhận qua facebook và fanpage vừa đảm bảo các yếu tố cần thiết vừa giữ được sự bí mật cho người cung cấp, tố giác tội phạm.

Sim rác, thẻ ngân hàng “ảo” vô tình tiếp tay cho tội phạm

Hoạt động tội phạm công nghệ cao có nhiều diễn biến phức tạp một phần do công tác quản lý sim rác, thẻ ngân hàng “ảo” khá lỏng lẻo. Hầu hết các vụ án liên quan đến công nghệ cao được lực lượng CA khám phá đều có sử dụng sim rác để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng chỉ cần mất một khoản tiền nhỏ mua sim, hoạt động trong thời gian ngắn, khi đạt được mục đích thì bẻ, vứt sim nên không thể truy tìm được chủ nhân sử dụng.

Bên cạnh sim rác, tài khoản ngân hàng “ảo” cũng là một trong những công cụ tiếp tay cho tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng thường mua lại tài khoản ngân hàng của người khác, sau khi thực hiện hành vi lừa tiền, các đối tượng thường yêu cầu “con mồi” chuyển tiền vào những tài khoản này để chiếm đoạt.

“Một người có thể mở nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, trong khi khâu quản lý lại không chặt chẽ. Những người bán tài khoản ngân hàng cho các đối tượng cũng không biết được mục đích các đối tượng sử dụng vào việc gì. Bán tài khoản ngân hàng được xem là hành vi tiếp tay cho hoạt động tội phạm. Khi truy lùng người sử dụng tài khoản ngân hàng này cũng mất khá nhiều thời gian và công sức. Hiện Nhà nước mới có chế tài xử phạt hành chính người bán tài khoản ngân hàng cho người khác, số tiền phạt tối đa lên tới 100 triệu đồng”, Thiếu tá Hà Huy Đức chia sẻ.

Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao cảnh giác cho người dân trước các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm công nghệ cao, các cơ quan nhà nước cần siết chặt hơn nữa về quản lý sim rác, thẻ ATM để chặn đứng các hoạt động phạm tội liên quan đến lĩnh vực này. Bởi dù đã có quy định siết chặt quản lý của Bộ TT&TT nhưng người dân vẫn dễ dàng mua được sim rác mà không cần phải kê khai thông tin cá nhân. Sau khi kích hoạt một thời gian ngắn nếu không đăng ký thông tin sẽ bị khóa sim nhưng khoảng thời gian ấy đủ để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_221240_danh-an-cong-nghe-cao-thoi-40.aspx