Danh ca Phương Dung bức xúc khi nhiều ca sĩ nổi tiếng hát nhạc xưa sai lời

Là một ca sĩ tận tâm với nghề, khi đã bước vào ngưỡng lão làng, danh ca Phương Dung càng chứng tỏ sự kỹ tính và tôn trọng nghề nghiệp bằng những kinh nghiệm và sự nghiêm túc với nghề cũng như lớp đàn em theo sau.

Nếu kể đến những giọng ca được coi là huyền thoại đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam thì chắc chắn Phương Dung không thể nằm ngoài danh sách này. Chất giọng cao và lảnh lót của danh ca Phương Dung chính thức chinh phục người nghe từ cuối thập niên 50, khi cô còn là một thiếu nữ 14, 15 tuổi. Giọng ca của Phương Dung thời xưa gây sự chú ý với những nhạc phẩm mang nội dung gần gũi với tình yêu và những nét đẹp của quê hương. Những yếu tố đó mang đến cho nữ danh ca một sự thành công thật lớn để cô có thể hãnh diện về sự đóng góp của mình cho nền tân nhạc Việt Nam.

Khi ngồi ghế nóng những chương trình chuyên về dòng nhạc bolero, cô luôn chia sẻ vốn kiến thức sâu rộng về những nhạc sĩ, ca khúc. Nữ giám khảo tự tin hiểu rõ về tính cách người nhạc sĩ, sự nghiệp, hoàn cảnh ra đời ca khúc đến 70%.

Cùng với sự phát triển của dòng nhạc Bolero, nhạc xưa, danh ca Phương Dung đang trở thành những cái tên quen thuộc với khán giả truyền hình đặc biệt trong vai trò giám khảo. Bằng những kinh nghiệm quý báu hơn 50 năm đứng trên sân khấu, hai danh ca luôn khiến khán giả và các thí sinh ngả mũ sau mỗi nhận xét, góp ý. Mới đây, khi Người Kể Chuyện Tình mùa 2 sắp lên sóng, Phương Dung không ngại khán giả nhàm chán mình trong vai trò giám khảo mà luôn làm hết sức trong khả năng, cố gắng đổi mới hình ảnh, trang phục, cách dẫn chuyện để gây tò mò cho những tập quay trong mùa 2.

Đồng hành cùng đàn em Thái Châu trong vai trò giám khảo gần đây, Phương Dung thổ lộ cô chưa bao giờ muốn một gương mặt danh ca khác sẽ thay thế Thái Châu. “Những năm 1967, danh ca Giao Linh, Thanh Tuyền mới vào nghề, là đàn em của tôi, lúc cô Thanh Thúy, Hoàng Oanh nổi tiếng thì Giao Linh và Thanh Tuyền chỉ mới 12 – 13 tuổi. Thái Châu đi hát thời gian sau đó nhưng em ấy biết, hát khá nhiều những ca khúc của những nhạc sĩ trước. Ví như thay Thái Châu bằng một ca sĩ trẻ thì em ấy đâu biết gì về dòng nhạc này mà chấm điểm. Ngay cả cô ca sĩ nổi tiếng hát bài “Sương lạnh chiều đông” cũng trật lời, sai ý của tác giả với lời gốc “Ướp cánh hoa xưa phấn nhớ hương chờ” trở thành “Ướp cánh hoa xưa vẫn nhớ hương chờ” thì làm sao biết rõ lời hát mà nhận xét”, cô nói.

Phương Dung cho biết thêm có ca sĩ trẻ tự xưng là “tiếng hát để đời” nhưng hát Hoa nở về đêm sai cả nhịp điệu và lời. Cô khó chịu và nhiều lúc cô nói với các thí sinh trẻ nếu không chắc thì cứ hỏi cô, còn cách diễn đạt, sự truyền cảm là của các em. Các em tôn trọng người nhạc sĩ sáng tác thì đừng hát sai.

“Trong một cuộc thi tôi làm giám khảo, tôi hỏi thí sinh chủ đề ca khúc, em ấy bảo em không biết kể cả tên tác giả là ai thì làm sao có thể trình diễn tốt cho được?”.

Phương Dung tiết lộ nhiều ca sĩ, thí sinh bây giờ hát sai lời bài nhạc xưa. Khi nhận xét, các em cho rằng cô khó tính, “soi” rất kỹ. Cô thú thực: “Bản thân tôi khó tính trong âm nhạc nhưng không khó chịu. Một tiết mục các bạn hát có thể sai 4 lỗi nhưng tôi nói 2 lỗi rưỡi và để Thái Châu nói phần còn lại. Tôi với Thái Châu có sự ăn ý trong nhận xét ở các chương trình là vì vậy”.

Đưa ra những lời nhận xét đầy thẳng thắn, Phương Dung thường nhận về những phản hồi gay gắt của nhiều thí sinh nhưng cô không buồn hay cảm thấy áp lực khi phải nghe những lời đó. Ở vị trí giám khảo, Phương Dung xem các em là con cháu trong nhà, đúng thì khen, sai thì phê bình để các em biết mà sửa.

Gần hết cuộc đời dành cho sự nghiệp âm nhạc, Phương Dung thổ lộ bản thân có duyên và phước khi làm việc với nhiều nhạc sĩ tài hoa, được hát bài hát của họ trong nhiều chương trình lớn. Điều quan trọng không phải là nhan sắc, ngoại hình hay phục trang giúp ca sĩ đứng trên sân khấu lâu năm mà là những ca khúc. Bởi nhiều năm, nhiều khán giả vẫn thích cô hát Những đồi hoa sim, Hoa nở về đêm, Thiệp hồng anh viết tên em, Biển mặn, Tiếng hát ân tình… Đó là gia tài nghệ thuật trời ban cho cô.

Phương Dung nhìn nhận ca sĩ ngoài may mắn khi tìm được bài hit còn phải thông minh khi chọn bài: “Ngày xưa, nhạc Trịnh Công Sơn, những bài nổi tiếng mà Khánh Ly hát như Diễm xưa sẽ không ai dám thể hiện, hát chỉ làm gợi nhớ Khánh Ly. Ca sĩ phải tìm những bài hát của riêng mình, nếu bài hát nào cũng “hát ào ào”, một thời gian sau, tên tuổi sẽ mai một”, cô nói.

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/danh-ca-phuong-dung-buc-xuc-khi-nhieu-ca-si-noi-tieng-hat-nhac-xua-sai-loi-94871.html