Đánh chặn tên lửa siêu thanh: Nhiệm vụ không dễ với S-400

Chuyên gia Nga cho rằng, hệ thống phòng không S-400 Triumf có khả năng đánh chặn mục tiêu siêu thanh nhưng nó cần được hiện đại hóa thêm.

Kênh truyền hình RT đã hỏi ý kiến của các chuyên gia quân sự về khả năng của các hệ thống phòng không (SAM) hiện đại đánh chặn mục tiêu siêu thanh. Một số chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể thực hiện nhiệm vụ này nếu được hiện đại hóa.

Hãng thông tấn Nga Sputnik đã đề nghị chuyên gia Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí “Kho vũ khí của Tổ quốc”, bình luận về quan điểm này.

Không dễ chế tạo vũ khí siêu thanh

Mặc dù đã có nhiều tuyên bố hùng hồn nhưng thực sự rất ít quốc gia có khả năng sở hữu vũ khí tấn công siêu thanh. Hiện nay, chỉ có hai quốc gia trên thế giới là Nga và Hoa Kỳ có thể chế tạo thành công. Chưa rõ trong tương lai gần liệu Trung Quốc có thể tạo ra những tên lửa như vậy hay không.

Khác với Nga (từ thời Liên Xô) và Hoa Kỳ, Trung Quốc không có nền tảng khoa học và kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực này, họ cũng không có đủ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan (phương tiện vũ trụ hạ cánh dẫn đường xuống mặt đất và đầu đạn ICBM).

Nói về những quốc gia khác thỉnh thoảng tuyên bố về khả năng sớm tạo ra vũ khí siêu thanh, thì tình hình thực sự của họ là hoàn toàn không khả quan. Vũ khí siêu thanh là một lĩnh vực công nghệ cực kỳ phức tạp và rất tốn kém, không dễ để bất cứ ai hiện thực hóa những tuyên bố hùng hồn trong lĩnh vực này.

Chế tạo vũ khí siêu thanh đã khó, đánh chặn chúng lại càng khó hơn

Chế tạo vũ khí siêu thanh đã khó, đánh chặn chúng lại càng khó hơn

Không dễ đánh chặn vũ khí siêu thanh

Một số chuyên gia cho rằng, để đánh chặn mục tiêu siêu thanh đang di chuyển, chỉ riêng một tên lửa là không đủ, mà cần phải có nhiều phương tiện hủy diệt hoạt động trên các nguyên tắc vật lý khác. Tuy nhiên, chuyên gia Murakhovsky hoài nghi về điều này.

Theo ông, các loại vũ khí khác tên lửa phòng không như pháo laser và súng điện từ đều có những hạn chế đáng kể trong việc sử dụng, chúng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí quyển và địa lý.

Đến nay vẫn chưa có loại vũ khí với các thông số cho phép nó hoạt động hiệu quả trong điều kiện chiến đấu thực sự, các dự án tương tự đang ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng cũng không thể chờ đợi bước đột phá nào trong tương lai gần, bởi chúng đều có những hạn chế.

Hệ thống phòng không Nga: Có thể, nhưng khó đấy

Các hệ thống tên lửa phòng không của Nga, bao gồm hệ thống phòng không S-500, S-400, S-300V4 đều có khả năng đánh chặn mục tiêu siêu thanh. Ngoài ra, các hệ thống phòng thủ tên lửa như A-135, A-235 cũng có thể được sử dụng cho nhiệm vụ này, nhưng trên các nguyên tắc vật lý khác nhau.

Các hệ thống này đều có khả năng chống lại cuộc tấn công hàng không vũ trụ bằng các phương tiện siêu thanh, nhưng với điều kiện chúng phải là các mục tiêu siêu thanh bay theo quỹ đạo đạn đạo, tức là đầu đạn của các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa tầm trung.

Mỹ có khả năng đánh chặn các đầu đạn siêu thanh bay theo quỹ đạo đạn đạo

Trong lĩnh vực chống vũ khí siêu thanh, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumf đang được cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Nga và xuất khẩu ra nước ngoài, vẫn vượt trội hơn bất kỳ hệ thống tương tự nào khác về tính năng chiến đấu.

Với toàn bộ kho tên lửa phòng không, S-400 có thể tiêu diệt các loại mục tiêu khí động học và đánh chặn tên lửa đạn đạo khác nhau ở khoảng cách xa và trung bình, kể cả các mục tiêu bay ở tốc độ siêu thanh. Tuy nhiên, ở đây cũng có những hạn chế nhất định, bởi đánh chặn các mục tiêu siêu thanh là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Ba yêu cầu nâng cấp để đánh chặn mục tiêu siêu thanh

Tổng biên tập tạp chí “Kho vũ khí của Tổ quốc” Viktor Murakhovsky nhấn mạnh, các hệ thống phòng không hiện có cần phải được hoàn thiện hơn nữa. Ở đây, cần tập trung vào 3 vấn đề sau:

Trước hết, cần phải tạo ra tên lửa đánh chặn siêu thanh.

Để đánh chặn các đầu đạn siêu thanh cần phải có tên lửa có khả năng cơ động cao với quá tải rất lớn khi bám mục tiêu đang di chuyển với tốc độ cao, mà hiện nay, tên lửa phòng không thông thường không thể chịu đựng được quá tải lớn như vậy.

Nhiệm vụ thứ hai là cải thiện hệ thống định hướng.

Xung quanh đầu đạn siêu âm bay trên ranh giới giữa vùng trời và không gian vũ trụ ở độ cao 30-50 km xuất hiện đám mây plasma. Hệ thống giám sát theo dõi mục tiêu của các tên lửa đánh chặn hiện có (ví dụ, đạn tên lửa có radar tự dẫn) không thể bảo đảm 100% việc đánh chặn đầu đạn của tên lửa siêu thanh đang bay trong đám mây plasma.

Hệ thống S-400 Nga cần phải nâng cấp mới có khả năng đánh chặn mục tiêu siêu thanh

Nhiệm vụ thứ ba là phần mềm cho hệ thống tên lửa.

Hiện nay, phầm mềm chỉ xử lý thông tin radar, tính toán quỹ đạo đạn đạo của các mục tiêu siêu âm và ra lệnh cho vũ khí dựa trên các thông số này. Do đó, cần phải dạy "phầm mềm" tính đến các thao tác chủ động của mục tiêu. Tất cả các nhiệm vụ này đều phức tạp, nhưng chúng có thể được giải quyết bằng cách hiện đại hóa tổ hợp S-400.

Khả năng xuất khẩu vũ khí đánh chặn siêu thanh

Hiện nay, không chỉ Nga, mà còn một số cường quốc quân sự mạnh khác đang phát triển các loại phương tiện mang vũ khí siêu thanh, hoặc đang manh nha ý định bắt đầu phát triển những dự án như vậy và sẽ đến lúc một số quốc gia phát sinh nhu cầu về các phương tiện phòng thủ chống lại vũ khí siêu thanh.

Về phương diện xuất khẩu vũ khí đánh chặn mục tiêu siêu thanh, liệu các sản phẩm do Nga sản xuất chống vũ khí siêu thanh có thể được bán trên thị trường thế giới? Hay là các hệ thống này chỉ dành cho người tiêu dùng trong nước, tức là cho lực lượng vũ trang Nga?

Chuyên gia Murakhovsky cho rằng, theo thời gian, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga phòng chống vũ khí siêu thanh sẽ nhận giấy phép xuất khẩu và sẽ được cung cấp cho khách hàng nước ngoài có quan hệ thân thiết với Nga và dĩ nhiên, việc bán các hệ thống này cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/danh-chan-ten-lua-sieu-thanh-nhiem-vu-khong-de-voi-s-400-3407964/