'Đánh cược niềm tin khách hàng, doanh nghiệp sẽ sụp đổ!'

TS Nguyễn Danh Ngà, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có bài nêu lên trách nhiệm của người kinh doanh trong thời đại 4.0. PLVN xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Doanh nghiệp cần khơi dậy niềm tin từ khách hàng (Hình minh họa)

Doanh nghiệp cần khơi dậy niềm tin từ khách hàng (Hình minh họa)

Thế giới đang bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, một cuộc cách mạng sản xuất mới gắn liền với những đột phá chưa từng có về mọi mặt. Nó đang và hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam.

Đối với lĩnh vực thương mại, cuộc CMCN 4.0 này giúp giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển. Đối với các DN, chi phí cho giao thông và thông tin sẽ giảm xuống, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, sẽ làm mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó giúp các DN tiếp cận với công nghệ hiện đại, cải thiện phẩm chất, tốc độ, giá cả mà khi được chuyển giao nó có giá trị hơn.

Khi công nghệ và tự động hóa lên ngôi các DN trong nước phải đối mặt với áp lực cần nâng cao chất lượng, cải tiến và đổi mới dây chuyền công nghệ, tuyển nhân lực có năng lực về công nghệ, đồng thời đối mặt với sự cạnh tranh của DN nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều bài học thực tế trong quá trình xây và phát triển thương hiệu của các DN đã được khẳng định: Nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các DN. Đã không ít DN vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin từ phía khách hàng. Nhiều DN từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể…

Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa DN và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi DN. Ngược lại, văn hóa đạo đức DN luôn được các DN, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình.

Tôi xin lấy ví dụ, bán hàng truyền thống phải mất nhiều thời gian để khách hàng được mục sở thị món hàng. Trong khi đó, bán hàng online không cần chi phí thuê địa điểm, thuê nhân viên bán hàng, chi phí quảng cáo... Mọi giao dịch giữa người mua và bán được thực hiện qua mạng internet: Zalo, Viber, Facebook... với giá cả rất cạnh tranh. Tuy nhiên, với kiểu bán hàng online, khách hàng chỉ nhìn qua hình ảnh, người bán nếu không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, hàng hóa thì khách hàng khó có thể biết được chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Điều này dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười, mất tiền mua không sử dụng được hàng hoặc miễn cưỡng phải sử dụng do tiếc tiền mua.

Để khắc phục tình trạng gian lận thương mại, một mặt chúng ta phải có những giải pháp về mặt quản lý, đồng thời, phía các DN phải xây dựng văn hóa DN, đặc biệt là đạo đức kinh doanh, giữ chữ “Tín” với khách hàng. Cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giá cả hợp lý, chế độ hậu mãi…

Mặt khác, DN cũng phải nhận thức đầy đủ cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 để có lộ trình thích ứng hợp lý, tránh tình trạng thay đổi đột ngột đẩy người lao động vào tình trạng thất nghiệp, gây bất ổn xã hội… Đó cũng là văn hóa DN và đạo đức kinh doanh.

Cuối cùng, xin nhắc lại, Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước cũng đã nêu rõ: “Xây dựng văn hóa DN, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các DN, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. .

TS Nguyễn Danh Ngà

""

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/danh-cuoc-niem-tin-khach-hang-doanh-nghiep-se-sup-do-435437.html