Đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật Tuồng

Cùng chung 'số phận' với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật Tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong bối cảnh đó, Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 được tổ chức những ngày vừa qua là một 'cơ hội' để nghệ thuật Tuồng trở lại với người xem, giúp họ hiểu kĩ hơn về bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Thông qua Hội diễn lần này, Ban tổ chức khẳng định, từ nay trở đi sẽ tổ chức Hội diễn Tuồng định kỳ 3 năm/lần, hứa hẹn mở ra cơ hội bảo tồn và phát huy tốt hơn loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Trích đoạn “Lời thề trinh nữ” do Đoàn tuồng huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa biểu diễn - một trong 10 trích đoạn đoạt Huy chương Vàng. Ảnh: Sao Ly

Một kỳ hội diễn đầy dấu ấn

Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 được tổ chức tại tỉnh Bình Định - nơi được xem là “chiếc nôi” của nghệ thuật Tuồng. Hội diễn thu hút sự tham gia của 15 đoàn tuồng không chuyên trong cả nước, với khoảng 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công tham gia. Mặc dù là sân chơi của các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên, nhưng với sự góp mặt của 15 đoàn tuồng đã tạo nên “ngày hội” của những người yêu tuồng.

Theo Ban tổ chức, hội diễn đã tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống; hội tụ, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống của Việt Nam. Đồng thời, là dịp để các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật đánh giá chính xác hơn về chất lượng sân khấu Tuồng hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy xây dựng những tác phẩm hay, hình tượng nhân vật độc đáo, sáng tạo trong tương lai.

Bên cạnh đó, thông qua hội diễn nhằm khuyến khích, tôn vinh, phát hiện những tài năng sân khấu Tuồng có những đóng góp cho sự nghiệp giữ gìn, phát triển sân khấu Tuồng truyền thống trong những năm qua. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, về việc bảo tồn phát triển nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.

Thông qua hội diễn, những tiến bộ chuyên môn biểu hiện toàn diện trên các mặt. Đó là các đoàn đã chọn mang đến hội diễn hầu hết trích đoạn hay, được cấu trúc chặt chẽ trên cơ sở vừa kịch tính, vừa trữ tình, tạo được nhiều đất diễn, trò diễn để diễn viên thể hiện tài năng và chuyển tải tốt các hình tượng, mô hình nhân vật tiêu biểu trong tuồng. Về nghệ thuật biểu diễn, đa số diễn viên đều hát hay (nhất là các vai đào thương, đào võ), múa đẹp (các vai kép văn pha võ, kép võ, kép xéo), diễn xuất tốt, một số đã vươn tới tính điêu luyện, hội tụ đầy đủ 6 yếu tố của nghệ thuật biểu diễn tuồng truyền thống như: Thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần. Các yếu tố hình thức như phục trang, cảnh trí đều được các đoàn chú trọng đầu tư...

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo hội diễn, nhấn mạnh: “Qua các trích đoạn, đề tài từ truyền thống đến lịch sử, hiện đại, một số nghệ nhân đã có những tìm tòi, sáng tạo, đưa nghệ thuật sân khấu biểu diễn Tuồng không chuyên lên một bước tiến mới và dài. Nhiều trích đoạn, nhiều nghệ nhân đã đạt đến tính chuyên nghiệp, khiến cho hội diễn lần này sinh động, đa sắc màu”.

Nhen lên hy vọng

Hiện nay, do sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật cũng như nhiều trào lưu văn hóa mới, sự lấn át của các phương tiện truyền thông đa phương tiện đã khiến cho nghệ thuật Tuồng ít được chú ý. Người xem đang dần thưa thớt, nếu không nói là “ghẻ lạnh” với loại hình nghệ thuật này.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, một số nhà hát nghệ thuật truyền thống đã tiến hành phục hồi và dàn dựng một số trích đoạn tuồng cổ, đồng thời, một số hội thảo mang tầm quốc gia cũng được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Tuồng. Thế nhưng, những cố gắng ấy vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Trước nhu cầu của cuộc sống, nhiều nghệ sĩ, diễn viên tuồng dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo mưu sinh khiến cho đội ngũ những người làm nghề ngày càng ít đi. Thêm vào đó, đội ngũ nghệ sĩ trẻ lại chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe khi diễn những vở tuồng khó...

Trong bối cảnh đó, Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 vừa được tổ chức tại Bình Ðịnh là một minh chứng cho việc nghệ thuật Tuồng không hẳn đang bị “ghẻ lạnh”. Trong thời gian diễn ra hội diễn, có khá đông người xem đến thưởng thức, cổ vũ, trong đó có cả những nghệ sĩ trẻ và người xem trẻ. Đó chính là nguồn động lực để những nghệ sĩ tuồng cháy hết mình trên sân khấu... Cũng qua hội diễn lần này, bên cạnh những nghệ nhân lớn tuổi đam mê nghệ thuật Tuồng đã xuất hiện nhiều diễn viên trẻ tài năng. Họ đã tham gia "tiếp lửa", cùng chung tay giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Điều đặc biệt và có ý nghĩa nhất với đội ngũ những nghệ sĩ, diễn viên tuồng được công bố trong đêm bế mạc hội diễn là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý việc tổ chức định kỳ hội diễn Tuồng không chuyên toàn quốc 3 năm/lần, luân phiên tại những địa phương có truyền thống về nghệ thuật Tuồng cũng như có các đoàn Tuồng không chuyên đang hoạt động. Đó là tín hiệu đáng mừng nhất tại hội diễn lần này.

Theo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, việc đưa Hội diễn sân khấu Tuồng không chuyên vào tổ chức định kỳ 3 năm/lần đánh dấu sự quan tâm, đầu tư của ngành chức năng đối với nghệ thuật Tuồng không chuyên, chắc chắn sẽ thúc đẩy lĩnh vực sân khấu này phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Để cho nghệ thuật Tuồng có sức sống bền vững, không có cách nào khác là phải đưa việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật Tuồng thành mục tiêu quốc gia. Song song với đó, cần tiếp tục đưa nghệ thuật Tuồng vào dạy ở các trường phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả trẻ cho Tuồng, phát triển và mở rộng quy mô hoạt động của nghệ thuật Tuồng không chuyên, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên; đưa nghệ thuật Tuồng cùng các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác thành sản phẩm du lịch để Tuồng lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân và bạn bè quốc tế.n

Sao Ly

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/danh-dau-buoc-phat-trien-moi-cua-nghe-thuat-tuong/