Đánh dấu tuổi thanh xuân bằng chuyến đi 2 ngày 1 đêm đầy trải nghiệm tới 'hòn ngọc lạ' Pangkor ở Malaysia

Hành trình 2 ngày 1 đêm tới đảo Pangkor ở Malaysia vừa bất ngờ vừa lý thú sẽ là một điểm nhấn trong những tháng ngày thanh xuân của chúng tôi.

Đang loay hoay với một loạt nơi định ghé thăm mà dường như không khả thi vì khoảng cách địa lý như Perhentian hay Nepal với mục đích chia tay đồng đội về nước, Pangkor bỗng xuất hiện như một điểm đến cứu cánh khi tôi tình cờ tìm kiếm trên Google với cụm từ "những hòn đảo đẹp ở Malaysia". Nghiên cứu sơ qua thì Pangkor là nơi khá lý tưởng so với những tiêu chí chúng tôi đề ra, chỉ mất khoảng 5 tiếng xe bus từ Kuala Lumpur, mà trông cũng đẹp. Đọc thông tin thì cũng thấy còn khá ít khách nước ngoài biết về hòn đảo này, đa số là người bản địa hay đến đây, tôi càng thấy phấn khích. Để tránh bị "bùng kèo", chúng tôi "chốt" đi Pangkor một cách nhanh chóng. Vậy là hành trình 2 ngày 1 đêm của chúng tôi tại đảo Pangkor bắt đầu.

Chúng tôi đi xe bus từ trạm TBS ở Kuala Lumpur tới bến phà Lumut với giá khoảng 55RM/người/khứ hồi (330.000 tiền Việt Nam). Từ bến phà Lumut, các bạn sẽ phải mua vé phà khứ hồi với giá là 14RM/người và không bị cố định giờ đi/giờ về. Từ Lumut, chúng tôi phải ngồi thêm 45 phút lênh đênh trên phà để đến được với đảo Pangkor. Ngồi trên phà, Pangkor dần hiện lên bằng cái màu xanh ngắt của biển, của trời.

Xuống phà, chúng tôi toan định thuê taxi về khách sạn, nhưng sau một hồi suy nghĩ, chúng tôi quyết định thuê luôn xe máy từ bến phà, về căn hộ đã thuê để đồ rồi đi chơi luôn. Ngay tại bến phà có rất nhiều xe máy cho thuê. Giá cho thuê xe máy ở đây chúng tôi mặc cả xuống còn 30RM/xe/2 ngày (khoảng 180.000). Ở đây xe khi cho thuê không bị rút cạn xăng như ở những nơi du lịch khác, nhưng lúc đầu vì không biết chúng tôi đi đổ thêm. Cả 2 xe đổ đầy bình mà hết có 4RM (khoảng 23.000). Lúc nghe giá xong ai cũng giật mình vì ở đây xăng rẻ quá.

Vừa đi vừa hỏi đường, cuối cùng chúng tôi đã đến được căn hộ Monster LOT 10 Pangkor mà chúng tôi đặt qua Agoda. Đây là một căn chung cư mini nhưng trông cũng khá rộng rãi và sạch sẽ với giá khoảng 800.000/đêm. Chưa kể ở đây chủ nhà còn có khá đầy đủ trang thiết bị như máy sấy, bàn là, đệm dự phòng, chăn ga gối dự phòng. Chúng tôi cả 4 người ở chung phòng mà vẫn thấy rộng và thoải mái.

Sau khi nhận phòng xong, chúng tôi lên xe máy, bắt đầu hành trình khám phá đảo Pangkor. Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà thờ nổi Terapong Pulau Pangkor. Nhà thờ này hiện lên nổi bật giữa một vùng biển lớn. Với lối kiến trúc đậm chất Hồi giáo với tông màu chủ đạo trắng xanh, nhà thờ này gợi cho tôi nghĩ đến nhà thờ Xanh ở Kuala Lumpur.

Tuy nhìn qua có vẻ giống nhau, nhưng khi quan sát chi tiết thì lại nhận thấy rằng, mỗi nhà thờ có một lối bài trí khác nhau. Trên tường là những dòng chữ Ả Rập liên quan đến Kinh Thánh. Nhà thờ mang một vẻ tôn nghiêm và tĩnh lặng. Khi vào đây, những tình nguyện viên lớn tuổi trông coi nhà thờ sẽ hướng dẫn con gái như chúng tôi mặc áo và trùm khăn y hệt như những người phụ nữ Đạo Hồi. Vì đã ghé thăm khá nhiều nhà thờ Hồi giáo trước đây nên tôi không lạ lẫm lắm.

Rời nhà thờ nổi, chúng tôi tiếp tục dừng chân tại pháo đài Hà Lan cổ xưa. Khu vực này thực tế chỉ là một khoảng đất nhỏ, quây lại bức tưởng cổ cùng với ụ pháo. Nơi này được người Hà Lan xây dựng năm 1670 để bảo vệ kho thiếc khỏi cướp biển do người dân Pangkor thời xưa chủ yếu làm nghề thiếc. Năm 1690, pháo đài này bị phá hủy bởi một lượng người Malaysia bất mãn với người Hà Lan. Kể từ năm 1748, pháo đài chính thức bị bỏ hoang. Ở gần pháo đài có hòn đá thiêng cũng liên quan đến câu chuyện người Hà Lan, nhưng vì không có gì đặc sắc nên chúng tôi quyết định bỏ qua.

Điểm tiếp theo là nhà thờ Kampung. Nhà thờ này chúng tôi ghé thăm do tình cờ bắt gặp trên đường đi. Kiến trúc nhà thờ không đẹp bằng nhà thờ nổi nhưng khoảng sân phía sau nhà thờ trông thoáng đãng, điểm thêm màu của cỏ, của hoa nên cũng khá hấp dẫn khi chiều tà.

Đang chuẩn bị lấy xe đi tiếp thì chúng tôi bắt gặp một lối nhỏ hướng ra biển đối diện nhà thờ Kampung. Vì tò mò nên chúng tôi đi vào xem có gì hay không. Càng đi sâu vào trong, cây cầu gỗ lại hiện ra với dáng vẻ đơn sơ nhưng cũng đầy thú vị, đặc biệt là khi mặt trời lặn. Chúng tôi đã có kha khá kiểu ảnh tại cây cầu này. Đây không phải là điểm ghé thăm cho khách du lịch, càng chẳng phải nơi mang vẻ đẹp xa hoa gì, cây cầu gỗ được dựng lên chỉ để cho những người thợ đi lại, nhưng không ngờ chính vẻ đẹp đơn sơ của nó lại hấp dẫn chúng tôi. Những ngôi nhà nổi được dựng trên biển ở hai phía bên cầu làm chúng tôi tưởng mình đang đi lạc vào làng chài nào đó.

Chúng tôi đi tiếp đến đền thờ Sri Pathira Kaliamman dành cho đạo Hindu. Ngôi đền này hết sức màu mè với đủ thứ ánh sáng lung linh. Ở đây, chúng tôi được xem đập dừa để cầu nguyện của những người theo đạo này. Đúng như những gì tôi được biết, đạo Hindu gắn liền với màu sắc. Ngay cả cách trang điểm của những thầy tu ở đây cũng rất đa dạng màu với đủ thứ vòng đeo trên người.

Sau khi ghé thăm đền thờ Sri Pathira Kaliamman, trời đã nhá nhem tối, chúng tôi quyết định vòng về một nhà hàng gần khu căn hộ chúng tôi ở để ăn tối. Cứ nghĩ sẽ có bữa tối hải sản thịnh soạn ở đây, nhưng hóa ra nó chỉ là một nhà hàng ăn uống bình dân. Cũng có tôm, mực nhưng là đi kèm với cơm chứ không phải nấu theo kiểu nhậu mà chúng tôi đang hy vọng. Dù sao bữa tối này cũng quá rẻ so với những gì chúng tôi nghĩ. Trung bình mỗi suất chỉ khoảng 5-6RM (tầm 28-35.000).

Ăn tối xong, chúng tôi quay lại căn hộ để nghỉ ngơi cho hành trình đi chơi ngày hôm sau. Tôi liên hệ với chủ nhà và được cho số liên lạc của chú Sheng chủ tàu. Giá thuê nguyên một cano không giới hạn thời gian đi trong vòng 1 ngày là 250RM (khoảng 1 triệu 4). Điều hạn chế ở đây là chú không nói được tiếng Anh, may thay trong đoàn tôi có một bạn có biết sơ qua tiếng Trung nên đã giúp tôi liên lạc với chú. Vây là chúng tôi thuê cano riêng để ra đảo chơi.

Đúng 7h sáng hôm sau,chúng tôi đi bộ ra ven biển nơi chú Sheng đã hẹn. Chú đưa chúng tôi đi tham quan các hòn đảo khi trời vẫn còn chưa sáng hẳn. Ngồi ở phía mũi cano, ngắm mặt trời mọc và từng đợt gió biển thổi qua tóc, cảm giác siêu đã. Chú Sheng rất nhiệt tình đưa chúng tôi đi xem cá, thậm chí chú còn không ngại lặn xuống bắt sao biển và con gì đó rất giống đỉa biển cho chúng tôi xem.

Nước biển Pangkor rất trong, nhiều cá. Chú Sheng đã chuẩn bị sẵn bánh mỳ, chỉ cần ném một miếng nhỏ xuống nước là cả một đàn cá vây lại đớp miếng mồi. Sau khi xem cá xong, chú đưa chúng tôi đến bãi tắm cát trắng. Khu ấy chẳng có ai ngoài chúng tôi cùng lũ khỉ đang kéo đến khi đánh hơi thấy mùi đồ ăn mà chúng tôi mang theo. Chúng tôi tha hồ nghịch nước trong khi chú Sheng lụi hụi lau tầu. Chơi một lúc thấm mệt, chúng tôi nói chú cho quay về căn hộ để tắm rửa và trả phòng. Chú Sheng cũng không quên gợi ý quán hải sản ngon bổ rẻ ở đảo Pangkor cho chúng tôi.

Người dân ở đảo Pangkor khá hiền lành, và khi đến đây, bạn sẽ cảm thấy rất an toàn nữa. Có lẽ vì hòn đảo này quá bé nên hầu như người dân quanh đảo đều biết nhau hết. Chúng tôi tha hồ để xe máy ở ngoài đường mà không lo sợ mất cắp.

Ăn xong bữa trưa, chúng tôi đi thăm quan tiếp chùa Fu Lin Kong. Không quá khó để tìm được đường đến với chùa bởi từ đầu ngõ, cả một con đường được lát gạch đỏ, nên các bạn chỉ cần đi theo là sẽ đến. Kiến trúc chùa Fu Lin Kong khá rộng và đẹp, được xây thành 3 địa điểm chính nằm dọc theo ngọn núi. Đứng từ trên chỗ cao nhất của chùa, có thể nhìn thấy cảnh nhà dân ở Pangkor phía dưới. Kiến trúc chùa đậm chất Trung Quốc với những đèn lồng được treo ở khắp mọi nơi, và cả những căn nhà nghỉ xây dựng theo phong cách Trung Quốc thời xưa.

Sau khi ghé thăm chùa Fu Lin Kong cũng là lúc chúng tôi phải chở lại bến phà để đi về Kuala Lumpur. Có thể nói hai ngày 1 đêm không quá dài nhưng chúng tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại đảo Pangkor. Đây thực sự là một điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ vào hai ngày nghỉ cuối tuần, không quá đắt đỏ mà lại rất bình yên. Nếu có dịp, hãy ghé thăm Pangkor và có thật nhiều trải nghiệm từ hòn đảo này nhé!

Ngô Hoàng Anh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/di/danh-dau-tuoi-thanh-xuan-bang-chuyen-di-2-ngay-1-dem-day-trai-nghiem-toi-hon-ngoc-la-pangkor-o-malaysia-20190130084651009.htm