Đánh giá 19 năm Chính phủ hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer

Chiều 11-5, Hội nghị 'Đánh giá 19 năm Chính phủ hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer' do Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp tổ chức đã diễn ra tại chùa Sà-lôn (H.Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Ban chứng minh, chủ tọa đoàn hội nghị

Ban chứng minh, chủ tọa đoàn hội nghị

Chứng minh và tham dự hội nghị có Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự TƯ; các vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thạch Sok Xane (kiêm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Trà Vinh), Hòa thượng Đào Như (Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer), Hòa thượng Thích Thiện Thống (kiêm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh An Giang); chư tôn đức thành viên Văn phòng II TƯGH; chư Tăng thuộc Hệ phái Nam tông Khmer ở các tỉnh, thành;…

Về phía chính quyền có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Phú, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh An Giang cùng lãnh đạo chính quyền các cấp địa phương sở tại.

Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh, hội nghị này là dịp để Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự đánh giá phần việc nào đã hoàn thành, phần việc nào đã thực hiện nhưng chưa trọn vẹn, phần việc nào còn khó khăn và vướng mắc để từ đó sẽ có những chỉ đạo tiếp theo nhằm hỗ trợ và đề xuất phương hướng giải quyết.

“Hội đồng Trị sự tin tưởng rằng Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer luôn phát triển, ổn định; nhất định các hoạt động Phật sự của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer trong thời gian sắp tới sẽ thành tựu viên mãn”, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự bày tỏ sự kỳ vọng.

Hòa thượng Danh Lung trình bày báo cáo

Hội nghị đã được lắng nghe Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Nam tông Khmer trình bày báo cáo đánh giá 19 năm kết quả thực hiện kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ Phật sự Phật giáo Nam tông Khmer.

Theo báo cáo, trên cả nước, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer hiện có 453 tự viện, hơn 7.000 chư Tăng và 8 tu nữ.

Về giáo dục, sau 2 năm xây dựng, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn I vào ngày 26-4-2023. Tính đến nay, đã tổ chức được 7 khóa học, có 150 vị đã tốt nghiệp. Đặc biệt, học viện đã liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, đào tạo chuyên ngành Tôn giáo học, hệ vừa làm vừa học cho Tăng sinh.

Phật giáo Nam tông Khmer cũng mở được nhiều lớp Sơ cấp về Pali và Vini (Luật học) tại nhiều tỉnh như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang,… Ngoài ra, hiện có hơn 100 chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer đang du học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Độ.

Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành liên hệ đã tổ chức lễ trao 452 con dấu cho các chùa theo từng địa phương. Đến nay đã hoàn tất công tác khắc và trao con dấu cho các chùa thuộc Phật giáo Nam tông Khmer.

Bên cạnh đó, tổ chức thành công chuyến viếng thăm hữu nghị Phật giáo Vương Quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Nhìn chung, thời gian qua nhờ sự hỗ trợ của GHPGVN và Chính phủ, Phật giáo Nam tông Khmer đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bên cạnh đó cũng có những công tác Phật sự còn tồn đọng, cần nghiên cứu và tìm ra phương thức giải quyết kịp thời.

Ông Vũ Hoài Bắc phát biểu

Ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu ghi nhận và tán thán những đóng góp tích cực, hiệu quả của GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo, Ban Tôn giáo các tỉnh, thành có Phật giáo Nam tông Khmer và đặc biệt là sự nỗ lực, cố gắng của các Sư sãi, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer đã góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển ở khu vực Tây Nam bộ, góp phần phát triển đất nước.

Đạo từ tại hội nghị, Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty nhận định, trong thời gian qua, GHPGVN đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ như thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; in Tam Tạng kinh điển, nhiều loại sách khác làm tài liệu cho chư Tăng và đồng bào dân tộc Khmer. "Hy vọng trong thời gian tới, GHPGVN và Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ Phật giáo Nam tông Khmer phát triển trong giai đoạn mới. Và cũng mong nhận được những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị về những giải pháp cũng như kiến nghị nhằm giúp cho Phật giáo Nam tông Khmer ngày càng tiến bộ trên mọi lĩnh vực", Hòa thượng Phó Pháp chủ kỳ vọng.

Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty ban đạo từ

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, Hòa thượng Thạch Sok Xane mong rằng TƯGH và Chính phủ tạo thêm điều kiện và hỗ trợ về vấn đề chiêu sinh cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đào tạo thế hệ kế thừa trong tương lai để phụng sự cho hệ phái, vì hiện tại số lượng người theo học tại Học viện còn rất ít.

Với góc nhìn của thế hệ trẻ, Đại đức Châu Hoài Thái, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thông tin - Truyền thông TƯ đề nghị sự hỗ trợ của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc tạo điều kiện xây dựng nhiều ngôi tự viện hơn tại nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, từ đó làm điểm tựa tinh thần cho bà con, cũng là để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Hòa thượng Thích Thiện Thống phát biểu

Đúc kết tại hội nghị, Hòa thượng Thích Thiện Thống ghi nhận những ý kiến đánh giá về các hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer và tán thán những thành tựu mà hệ phái đã đạt được. Bên cạnh đó, Hòa thượng Trưởng ban Trị sự tỉnh kiến nghị mở thêm khoa đào tạo kỹ thuật viết kinh lá buông tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, để đào tạo người viết kinh trên lá góp phần làm “sống lại” di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer nói chung và Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng.

Hội nghị kết thúc sau lời cảm tạ của Hòa thượng Thạch Sok Xane.

Một số hình ảnh ghi nhận được:

Hội nghị diễn ra tại chùa Sà-lôn vào chiều 11-5

Đại biểu tham dự

Ông Nguyễn Phú phát biểu chào mừng

Hòa thượng Đào Như

Hòa thượng Thạch Sok Xane

Đại đức Châu Hoài Thái đóng góp ý kiến

Quang cảnh hội nghị

Du Nhiên - Quảng Đạo/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/danh-gia-19-nam-chinh-phu-ho-tro-phat-giao-nam-tong-khmer-post66831.html