Đánh giá biến động dòng chảy tại công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế và ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sớm đầu tư xây dựng kiên cố đoạn kè sông bị sạt lở phía hạ lưu công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế, chiều dài khoảng 500m, nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân nơi đây, đồng thời khôi phục, cải tạo hơn 3 héc ta đất nông nghiệp bị sạt lở.

Nước sông liên tục khoét sâu vào thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Nước sông liên tục khoét sâu vào thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Để thực hiện công trình này, tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình Chỉnh trị sông Quảng Huế và các ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực một cách tổng thể, từ đó đề xuất các giải pháp công trình phù hợp.

Người dân ven sông Quảng Huế đứng ngồi không yên khi mỗi ngày nghe tiếng đất lở ầm ầm xuống lòng sông.

Trước đó, liên tiếp các đợt mưa lũ trong tháng 10 vừa qua, tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế diễn biến phức tạp, cuốn trôi khoảng 3 héc ta đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện triển khai khắc phục tạm thời, tuy nhiên về lâu dài cần triển khai giải pháp công trình hạn chế sạt lở.

Tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia diễn biến phức tạp 3 năm trở lại đây, kể từ khi có công trình đập tạm ngăn dòng đưa nước về thành phố Đà Nẵng.

Tuyến kè hai bên bờ sông Vu Gia đã gần như hư hỏng hoàn toàn.

“Đề xuất phương án đầu tư một đoạn kè ở đây để phục hồi lại diện tích đất khu vực này mới có cơ sở bảo vệ khu dân cư. Thứ hai là sẽ kiến nghị tỉnh nghiên cứu kỹ về đập ngăn nước, phải có giải pháp căn cơ để làm sao đó để vừa đảm bảo ngăn nước, dẫn nước về Nhà máy nước Đà Nẵng trong mùa khô, nhưng trong mùa mưa vẫn phải hạn chế không gây sạt lở”, ông Lê Văn Quang cho hay./.

Long Phi/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/danh-gia-bien-dong-dong-chay-tai-cong-trinh-chinh-tri-song-quang-hue-post985902.vov