Đánh giá cán bộ: Đột phá trong công tác cán bộ

Đảng ta xác định, công tác cán bộ là khâu 'then chốt' của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, đánh giá cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được thực hiện xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Huyện ủy Thọ Xuân tổ chức hội nghị triển khai công tác quy hoạch cán bộ. Ảnh: Khôi Nguyên

Từ quan điểm chỉ đạo trên, Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”, ngày 12-3-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII (gọi tắt là Nghị quyết số 04-NQ/TU), đã xác định đánh giá cán bộ là đột phá trong công tác cán bộ. Trong đó nhấn mạnh, “xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có đức, có tài, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và uy tín làm thước đo để đánh giá, bố trí cán bộ”. Đây cũng chính là cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU nói chung, công tác đánh giá cán bộ nói riêng.

Huyện Mường Lát triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Song, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn chú trọng và thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ. Theo đó, đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều ban hành quy chế đánh giá, xếp loại cán bộ, các văn bản hướng dẫn thực hiện, từng bước đưa việc đánh giá cán bộ đi vào nền nếp, quy trình đánh giá cán bộ ngày càng chặt chẽ. Cùng với việc đánh giá cán bộ theo định kỳ và thường xuyên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục, nguyên tắc và dân chủ, công khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, phát huy sức mạnh của nhiều kênh thông tin và nhiều chủ thể tham gia trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành nhận xét, đánh giá cán bộ kỹ lưỡng, toàn diện và chính xác hơn; đồng thời, khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém trong khâu đánh giá cán bộ.

Ngoài việc hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức và công dân thực hiện các thủ tục hành chính, cán bộ bộ phận một cửa UBND huyện Mường Lát còn thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Ảnh: Khôi Nguyên

Đồng chí Lương Thị Tuân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ nói riêng của địa phương ngày càng đi vào “guồng”, trên cơ sở các quy định và theo quy trình chặt chẽ. Kết quả đánh giá cán bộ các cấp, nhất là diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý ngày càng khách quan, đi vào thực chất, sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Việc đánh giá cán bộ hằng năm đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, đó là tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ ngày càng chuyển biến tích cực; chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng lên. Kết quả đánh giá cán bộ hàng năm là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đúng người, đúng việc.

Công tác cán bộ là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm, động chạm đến con người, liên quan đến tâm tư, tình cảm, lợi ích của con người và đến tổ chức bộ máy. Do đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ. Trọng tâm là công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ; nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, nói đi đôi với làm.

Theo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm (giai đoạn 2012-2021), thì cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có từ 10 - 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trên 80% hoàn thành tốt nhiệm vụ; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát quản lý có khoảng 10% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ 80% trở lên hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ chiếm từ 1 đến 10%. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, thời gian tới, Huyện ủy Mường Lát chú trọng hoàn thiện quy chế, quy định, quy trình đánh giá cán bộ, nhất là các trường hợp bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu bầu cử. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ. Đồng thời, công khai hóa, dân chủ hóa trong đánh giá cán bô, trong đó, thực hiện nghiêm việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; gắn việc lấy phiếu tín nhiệm với đánh giá cán bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá nơi công tác và kết quả thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Đánh giá cán bộ một cách toàn diện, dân chủ, bảo đảm khách quan, công tâm, vì sự tiến bộ của cá nhân, tổ chức và lấy hiệu quả công tác cùng sự tín nhiệm của Nhân dân làm thước đo chủ yếu...

Đoàn ĐBQH tỉnh, huyện Quan Sơn giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật tại Công ty Cổ phần Tập đoàn rừng phát triển bền vững. Ảnh: Khôi Nguyên

Đoàn ĐBQH tỉnh, huyện Quan Sơn giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật tại Công ty Cổ phần Tập đoàn rừng phát triển bền vững. Ảnh: Khôi Nguyên

Đánh giá cán bộ được xác định là đột phá trong công tác cán bộ, do đó, quá trình triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 488-QĐ/TU ngày 5-6-2012 về đánh giá tập thể lãnh đạo, quản lý; Quyết định số 489-QĐ/TU ngày 5-6-2012 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, từ năm 2012 đến nay, thực hiện các quy định của Trung ương và Nghị quyết số 04-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã 2 lần sửa đổi, bổ sung quy chế đánh giá tập thể lãnh đạo, quản lý và quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Theo đó, các nội dung đánh giá trong quy chế được xây dựng thành các bảng tiêu chí để chấm điểm. Cụ thể, đối với tập thể theo 5 bảng, tương ứng với 5 nhóm, mỗi nhóm tính 100 điểm. Riêng nhóm tập thể ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, tính 200 điểm (trong đó, 100 điểm do UBND tỉnh đánh giá đối với UBND cấp huyện). Đối với cá nhân theo 14 bảng, tương ứng với 14 nhóm chức danh, mỗi nhóm tính 100 điểm. Đối với tập thể và ủy viên ban thường vụ huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của cán bộ chủ chốt, của ban chấp hành đảng bộ, trên cơ sở đó tập thể ban thường vụ tự kiểm điểm đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Đối với các ban, sở, ngành, các đoàn thể cấp tỉnh lấy ý kiến đánh giá, nhận xét của cán bộ chủ chốt, của đảng ủy cơ quan, đơn vị, trên cơ sở đó tập thể lãnh đạo tự kiểm điểm, đánh giá, chấm điểm, xếp loại. Kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm của các đơn vị được công bố công khai làm cơ sở để xét thi đua - khen thưởng, quy hoạch, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí cán bộ.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm quan mô hình thanh niên phát triển kinh tế ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Ảnh: Khôi Nguyên

Báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã nhấn mạnh: Công tác đánh giá, nhận xét, xếp loại tập thể và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có sự đổi mới. Nội dung, quy trình và phương pháp đánh giá, được mở rộng dân chủ, đa chiều hơn thông qua việc lấy ý kiến của các chủ thể từ dưới lên, từ trên xuống và lấy ý kiến ngang; quy trình, thẩm định chặt chẽ, khách quan; đã lượng hóa được các tiêu chí theo nhóm tập thể, nhóm các chức danh cán bộ, giúp cho việc đánh giá, nhận xét chính xác hơn. Chất lượng đánh giá, xếp loại đã có chuyển biến tích cực so với trước đây. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp loại 82.289 lượt cán bộ; trong đó, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 6.366 lượt, cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quản lý là 75.923 lượt. Kết quả, có trên 75% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, thực hiện nghiêm quy định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20%, mức xếp loại của người đứng đầu không cao hơn mức xếp loại của tập thể.

Kết quả đánh giá cán bộ hàng năm là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đúng người, đúng việc.

Có thể nói, công tác đánh giá cán bộ những năm qua đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc theo quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ từng bước được đổi mới về nội dung và phương pháp, chất lượng ngày càng được nâng lên, thực chất hơn theo mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ... Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, không phải ở đâu và lúc nào, công tác đánh giá cán bộ cũng được đặt đúng vị trí và vai trò đột phá của nó. Cũng theo báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thì việc đánh giá cán bộ ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa khách quan, đúng thực chất, có nơi còn hình thức; có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao; tỷ lệ cán bộ các cơ quan, đơn vị đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn cao, chưa tương xứng với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác đánh giá, nhận xét cán bộ trước khi bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định.

Với tinh thần trách nhiệm cao, không né tránh khuyết điểm, tại Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX (diễn ra ngày 30-8-2022), đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác đánh giá cán bộ. Đồng thời nhấn mạnh, công tác cán bộ là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm, động chạm đến con người, liên quan đến tâm tư, tình cảm, lợi ích của con người và đến tổ chức bộ máy. Do đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ. Trọng tâm là công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ; nâng cao chất lượng cơ sở đảng và đảng viên; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, nói đi đôi với làm. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần đặc biệt quan tâm và phải có trách nhiệm đánh giá, bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Bởi, như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, thì đây chính là những người đóng vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp loại 82.289 lượt cán bộ; trong đó, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 6.366 lượt, cán bộ diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quản lý là 75.923 lượt. Kết quả, có trên 75% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, thực hiện nghiêm quy định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20%, mức xếp loại của người đứng đầu không cao hơn mức xếp loại của tập thể.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/danh-gia-can-bo-dot-pha-trong-cong-tac-can-bo/172140.htm