Đánh giá cao đề tài nghiên cứu "Vai trò nữ trí thức TP.HCM"

Trong buổi xét duyệt đề tài sáng ngày 21.6 tại Sở KH&CN TP.HCM, Hội đồng xét duyệt đã đánh giá cao đề tài nghiên cứu “Vai trò của nữ trí thức TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế” do hội Nữ trí thức TP.HCM làm chủ trì

Những thành tựu to lớn TP.HCM đạt được sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới có phần đóng góp quan trọng của lao động nữ nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng.

Tuy nhiên, chưa có nhiều đề tài nghiên cứu tập trung về vai trò của phụ nữ TP.HCM, nhất là nữ trí thức trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập thế giới hiện nay.

Trong buổi xét duyệt đề tài sáng ngày 21.6 tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM, Hội đồng xét duyệt đã đánh giá cao đề tài nghiên cứu “Vai trò của nữ trí thức TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế” do hội Nữ trí thức TP.HCM làm chủ trì, PGS.TS Trương Thị Hiền làm chủ nhiệm đề tài.

PGS.TS Trương Thị Hiền trình bày đề cương đề tài.

Đề tài nghiên cứu, đánh giá đúng vai trò, vị trí của nữ giới trong thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa và bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ đó, đề tài sẽ góp phần củng cố cho những luận thuyết về bình đẳng giới cũng như khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng – Nhà nước ta trong tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc.

Đề tài đưa ra những con số đáng lưu ý: Đội ngũ lao động nữ của TP.HCM, nhất là trong giới trí thức hùng hậu về cả số lượng và chất lượng với hơn 500.000 người có trình độ đại học trở lên làm việc trong mọi lĩnh vực: khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục, lãnh đạo, quản lý...

Tuy nhiên, theo số liệu của Sở KH&CN TP.HCM trong giai đoạn 2011 – 2015, tuy số lượng đề tài do các nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm có tăng nhưng chỉ đạt tỷ lệ 25% trên tổng số chung.

Năm 2016, số lượng nhà khoa học nữ được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư chiếm 23 trong tổng số 93 nhà khoa học của thành phố được công nhận. Trong số 8 nhà khoa học TP.HCM được công nhận chức danh giáo sư năm 2016 tất cả đều là nam giới. Tỷ lệ này còn thấp hơn cả tỷ lệ trung bình của cả nước.

Do đó, theo PGS.TS Trương Thị Hiền cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu, để có những định hướng, giải pháp thích hợp phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức TP.HCM trong đẩy mạnh thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ngoài phân tích tài liệu, tham khảo ý kiến chuyên gia, nhóm tác giả thực hiện khảo sát bằng bảng hỏi với 1200 đối tượng và thực hiện 100 cuộc phỏng vấn sâu với các nữ trí thức trong những lĩnh vực: KH&CN, y tế, giáo dục, quản lý.

Kết quả cuộc khảo sát này phần nào đem lại cái nhìn cụ thể về lực lượng nữ trí thức TP.HCM.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho nghiên cứu đề tài, nhóm tác giả sẽ tổ chức 2 cuộc tọa đàm về vai trò của nữ trí thức với sự nghiệp đổi mới và trong hội nhập quốc tế ở TP.HCM.

Sau khi nghe phần trình bày đề cương đề tài và qua quá trình phản biện, hội đồng phản biện do GS.TS Đào Văn Lượng làm chủ tịch đánh giá tích cực về đề tài và nhất trí việc thực hiện đề tài.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/danh-gia-cao-de-tai-nghien-cuu-vai-tro-nu-tri-thuc-tphcm-c7a537363.html