Đánh giá chất lượng dạy học trong đại dịch: Chú trọng thực chất, tránh hình thức!

Theo các nhà giáo, việc đánh giá chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cần phải khách quan tránh hình thức.

Nỗ lực duy trì chất lượng dạy học

Vấn đề giáo dục hiện nay mà nhiều phụ huynh quan tâm chính là việc đánh giá đúng chất lượng dạy và học đặc biệt là dạy học online. Tránh việc đánh giá hình thức dẫn đến không phản ánh đúng chất lượng dạy và học.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tô Hiến Thành, quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, với tình hình dịch bệnh nên các nhà trường phải có các ứng biến phù hợp. Nguyện vọng của thầy và trò là học trực tiếp vẫn tốt hơn.

Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học thời COVID-19 không nên chạy theo hình thức.

Nhưng bây giờ để đảm bảo an toàn sức khỏe cho thầy và trò thì phải học trực tuyến. Việc học trực tuyến đã thành nếp từ năm học trước vì thế trong năm nay không còn xáo trộn nhiều.

“Dạy online đang ổn định, chất lượng dạy học đã thể hiện qua các kỳ thi, đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, nhà trường cũng đã khắc phục được khó khăn, rút kinh nghiệm năm ngoái nên những thử thách trong dạy học trực tuyến đã đỡ hơn năm học trước” – cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

Về phía phụ huynh học sinh từ năm ngoái lúc đầu ai cũng lo lắng về chất lượng dạy học trực tuyến nhưng bây giờ việc học online đã ổn định nên không còn ý kiến nhiều.

Cũng theo Hiệu trưởng của Trường Trung học Phổ thông Tô Hiến Thành, quận Đống Đa, Hà Nội thì thi cử, đánh giá để khách quan cần nỗ lực lớn của thầy và trò.

“Trước đây, ở lớp làm kiểm tra thầy cô kiểm soát được việc dùng tài liệu, quay cóp nhưng bây giờ ở nhà thì khó kiểm soát. Do đó, việc ra đề kiểm tra của thầy phải rất công phu, có được sự khác biệt để phù hợp với hình thức kiểm tra online.

Trước đây, kiểm tra nghiêm, giám thị quan sát kỹ nhưng bây giờ kiểm tra online không thể làm được. Muốn để điểm thật không phải là chuyện đơn giản, cần có sự sáng tạo của người thầy” – cô Ánh Tuyết nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, hiện cả 21 huyện thị của Nghệ An đều tổ chức đi học trực tiếp.

Chỉ có một số địa phương cục bộ như tại thành phố Vinh bậc mầm non, tiểu học, lớp 6, 7, 8 chưa đi học.

Ở các huyện thị khác cá biệt như lớp nào có học sinh, người nhà tiếp xúc với F0 thì lớp đó nghỉ, hoặc trường đó nghỉ còn lại đi học bình thường.

Nghệ An tận dụng điều kiện thuận lợi để cho học sinh đến trường. Vì chỉ đến trường học sinh mới được học ở mức độ 3 và 4 đó là vận dụng và vận dụng cao.

Vì thế ở Nghệ An việc kiểm tra đánh giá cơ bản vẫn được giữ ổn định, không bị xáo trộn. Dạy học online vẫn được duy trì thường xuyên bên cạnh dạy học trực tiếp để học sinh quen với hình thức này khi cần chuyển trạng thái không bị bỡ ngỡ” - ông Thái Văn Thành chia sẻ.

Liên quan đến công tác kiểm tra đánh giá, mới đây ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hướng dẫn tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với tình huống dạy học thích ứng với dịch COVID-19.

Trong đó học sinh lớp 1, lớp 2 sẽ phải làm bài kiểm tra định kỳ tại trường, còn các lớp khác có thể linh hoạt giữa nhiều hình thức.

Xung quan vấn đề này, nhiều phụ huynh lo lắng nếu dịch bệnh phức tạp tập trung học sinh lớp 1 và lớp 2 đến trường thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất khó kiểm soát.

Lớp 1, Lớp 2: Việc đánh giá cần phải khách quan, trung thực

Xung quanh vấn đề này, nói rõ hơn về tinh thần của Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, bối cảnh ra văn bản này có 2 lý do, trong đó văn bản này hướng dẫn cho nhà trường, địa phương tổ chức dạy học theo tinh thần Nghị quyết 128.

Ngoài ra, phạm vi quy mô của văn bản này là hướng dẫn cho toàn quốc chứ không phải dành riêng cho địa phương nào và có những yêu cầu trong điều kiện đặc biệt.

Cũng theo ông Thái Văn Tài, đối với học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 1, lớp 2 nói riêng thì việc tổ chức dạy học là cả một quá trình.

Việc đánh giá thường xuyên nhằm khuyến khích, khích lệ sự tiến bộ hàng ngày của học sinh chứ không phải học sinh tiểu học chỉ có bài kiểm tra đánh giá định kỳ.

“Chính vì vậy, hướng dẫn ngày 13/12 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn đầy đủ kỹ năng, kỹ thuật để giáo viên có thêm nhiều phương án lựa chọn khi đánh giá thường xuyên dù học sinh học trực tiếp, học trực tuyến hay học qua truyền hình.

Đồng thời giáo viên- gia đình – nhà trường có sự phối hợp nhiều hơn trong đánh giá thường xuyên học sinh. Đó là phần nội dung rất quan trọng của văn bản này”, Vụ trưởng Tài nói.

Khi đánh giá thường xuyên như thế mới đặt ra đánh giá định kỳ và đánh giá định kỳ chỉ thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học/hoạt động giáo dục tương ứng và đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định.

Lúc này mới đặt ra chuyện tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ, những nơi đảm bảo an toàn dịch theo Nghị quyết 128 thì thực hiện nhiều giải pháp để đưa học sinh đến trực tiếp tại trường để làm nhiều nhiệm vụ như ôn tập, làm quen với trường lớp để xác định bài kiểm tra đánh giá định kỳ đó.

Đối với học sinh lớp 1, lớp 2 chỉ thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học.

Khi đó Hiệu trưởng nhà trường là người đánh giá công bằng, khách quá về kết quả của quá trình tổ chức dạy học thời gian qua của học sinh và giáo viên để xác nhận kết quả này cho các em.

Tuy nhiên trong trường hợp bất khả kháng nếu trong lớp có học sinh nào đang bị cách ly thì Nhà trường trao đổi với phụ huynh để phối hợp các kiểm tra đánh giá và xác nhận hình thức tổ chức là trực tuyến (nhà trường gửi đề bài, với thời gian làm bài trong bao nhiêu phút thì phụ huynh cho con làm đúng thời gian như vậy, khách quan).

Đồng thời phụ huynh phải xác nhận với giáo viên kết quả mà con đạt được là thực chất, chính xác.

Còn nếu trong trường hợp một địa bàn nào đó bị phong tỏa thì gia đình, nhà trường phải thống nhất cách thức kiểm tra trực tuyến và nhà trường, gia đình phải xác nhận việc kiểm tra đó đảm bảo đánh giá kết quả thực. Khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm kiểm tra kết quả đó một cách công bằng.

Nói như vậy để thấy, kết quả của bài kiểm tra định kỳ sẽ đảm bảo quyền lợi học tập, giá trị chất lượng thực về năng lực của học sinh, tránh chất lượng ảo, học sinh ngồi nhầm lớp. Còn nếu em nào chưa đạt thì có kế hoạch bổ sung kiến thức cho em đó, nếu phải học lại phần nào của lớp 1 thì học lại đã.

Cuối cùng, Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học nhấn mạnh, trước khi tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp thì Nhà trường phải tiến hành ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em trước khi kiểm tra, chứ không phải đùng cái là gọi các em đến để làm bài kiểm tra.

Cụ thể, nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.

Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/danh-gia-chat-luong-day-hoc-trong-dai-dich-chu-trong-thuc-chat-tranh-hinh-thuc-post172535.html