Đánh giá công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

Trong hai ngày 25 và 26-6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ và triển khai các can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2020.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu thông qua những kết quả triển khai trong 2 năm vừa qua, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm từ Trung ương và địa phương, đồng thời xây dựng kế hoạch khả thi trong 2 năm sắp tới.

Đuối nước đã âm thầm cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Mỗi năm tại Việt Nam, hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam hiện là quốc gia có số trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thị Hà chia sẻ, tai nạn thương tích trong đó có đuối nước trong cả các trường hợp thảm họa, thiên tai và trong đời sống hằng ngày không những cướp đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em, mà còn để lại những nỗi đau không nguôi trong nhiều gia đình và là những vấn đề cho xã hội sau này. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc bảo đảm các quyền trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đảm bảo quyền sống còn của trẻ em.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Dương Phương.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Dương Phương.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát đánh giá tình hình, tăng cường kiểm tra, tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Đồng thời mong muốn sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được chặt chẽ hơn nhằm phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước thông qua công tác xây dựng thể chế để mang lại lợi ích cho các đối tượng thụ hưởng được tốt hơn.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổ chức WHO cho biết, đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Theo chương trình, các bên đã cùng cam kết xây dựng và triển khai đuối nước trẻ em bằng 2 biện pháp: Giám sát trẻ em an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi và trang bị kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi.

Tháng 6-2018, Chương trình Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn từ năm 2018 đến 2022 do Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ thông qua Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó, Bộ LĐTBXH là đơn vị chủ quản, phối hợp với các bộ, ban, ngành địa phương thực hiện. Chương trình đã triển khai 3 cấu phần chính: Nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Trong giai đoạn 2018-2019, chương trình đã triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh. Đây là những địa phương có tình hình tử vong do đuối nước trẻ em cao nhất cả nước.

Một số kết quả sau 2 năm triển khai ban đầu của dự án:

- Các tài liệu hướng dẫn của chương trình đã được chuẩn hóa trước khi triển khai can thiệp, bao gồm hướng dẫn bơi an toàn và an toàn trong môi trường nước, hướng dẫn giám sát trẻ an toàn dưới 5 tuổi.

- Hơn 550 giảng viên nòng cốt và tuyến tỉnh được đào tạo chuẩn về bơi an toàn, phòng, chống đuối nước và cấp chứng nhận bởi Tổng cục Thể thao.

- Hơn 4.700 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và hơn 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn.

- Tính riêng năm 2019, gần 9.000 trẻ được dạy bơi an toàn và gần 18.000 trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Tiếp nối các thành quả của dự án, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới đầu tư các can thiệp hiệu quả và mở rộng địa bàn chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam đến năm 2022.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/danh-gia-cong-tac-phong-chong-duoi-nuoc-tre-em-624378