Đánh giá công tác Tình nguyện viên Chữ thập đỏ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Tình nguyện viên hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã sáng tạo ra các mô hình hoạt động mới, vô cùng thiết thực và hiệu quả, như mô hình Cửa hàng 0 đồng, mô hình Xe chuyển viện miễn phí, bếp ăn sáng miễn phí cho người nghèo và sinh viên học sinh.

Trong các ngày 01-2/11, Đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, do bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam dẫn đầu đã đến các tỉnh Đồng Tháp và An Giang để khảo sát về công tác phát triển Tình nguyện viên (TNV) nhằm có cơ sở để hoàn thiện đề án Phát triển mạng lưới tình nguyên viên của Trung ương Hội. Tham đoàn công tác còn có ông Nguyễn Hải Đường, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và Trần Thu Hằng - Trưởng Ban Truyền thông - Tình nguyện viên Hội CTĐ Việt Nam.

Đoàn công tác làm việc với Hội CTĐ tỉnh Đồng Tháp.

Tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch CTĐ tỉnh Đồng Tháp, báo cáo một số thuận lợi và khó khăn trong các mặt hoạt động của TNV của địa phương.

Theo đó, từ sau khi Trung ương Hội ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của TNV CTĐ phong trào TNV CTĐ có chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân hiểu được đây là hoạt động tự nguyện, không vụ lợi nhằm giúp các đối tượng và cộng đồng dễ bị tổn thương theo sự chỉ đạo của cấp Hội, số lượng người tham gia làm TNV ngày càng nhiều và ở khắp các lĩnh vực.

TNV được tập huấn nâng cao nghiệp vụ, được hỗ trợ vật chất và tinh thần. Đồng Tháp hiện có hơn 9.700 TNV với 496 chốt điểm sơ cấp cứu bố trí trên đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó có 36 điểm sơ cấp cứu thành lập theo thông tư số 17 của Bộ Y tế; 41 CLB Hiến máu, 217 nhóm từ thiện, 12 đội bắc cầu, cất nhà CTĐ, trong này nội bật là các hoạt động hiệu quả của 2 đội của xã An Hòa, huyện Tam Nông và xã Định Yên của huyện Lấp Vò; Tỉnh có 105 xe chuyển viện từ thiện với 60 xe chuyên dùng; Hoạt động của bếp ăn từ thiện được thành lập 14/14 bệnh viện với 217 nhóm luân phiên hoạt động phục vụ cơm, cháo, nước sôi, nước tinh khiết đóng chai cho hàng triệu lượt người.

Ngoài việc cấp phát cơm cháo, nước uống cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bằng nguồn vốn vận động còn hỗ trợ viện phí, chuyển viện, mai táng phí cho người nghèo. Mỗi năm trị giá trên 15 tỷ đồng.

Về khó khăn do đặc điểm của TNV là tự nguyện cộng với họ việc phải mưu sinh hàng ngày nên số lượng TNV luôn biến động. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay nay, Đồng Tháp đã giảm 2000 TNV. Nếu lấy chỉ tiêu phát triển TNV do Trung ương Hội giao thì Đồng Tháp chỉ mới đạt 86,2%.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các TNV cũng gặp nhiều khó khăn bất cập như việc cấp thẻ TNV, chưa được tiếp cận đầy đủ với công tác tryền thông từ Trung ương Hội…

Tại tỉnh An Giang, thay mặt Thường trực tỉnh Hội, ông Ngô Văn Sở, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh An Giang báo cáo với Đoàn công tác một số nét cơ bản hoạt động của các cấp Hội trong tỉnh. Tỉnh An Giang có nhiều xe chuyển viện miễn phí nhiều nhất toàn quốc với 200 xe, 13 có sở nhân đạo ở các bệnh viện trong tỉnh, 11 đội hiến máu, 1 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh.

Làm việc với lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh An Giang

Hằng năm tỉnh Hội mở 4 lớp tập huấn trang bị kiến thức, các kỹ năng cũng như nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của TNV, nâng cao các giá trị nhân đạo; mỗi huyện thị đều thành lập ít nhất 1 chốt sơ cấp cứu, các phường xã có 240 đội với 744 TNV thường trực 24/24h để kịp thời ứng cứu khi có tai nạn. Có 23 phòng khám Tây y, 103 phòng khám Đông y cấp thuốc miễn phí. Hàng năm tỉnh Hội phối hợp với các bệnh viện trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh cấp thuốc tặng quà cho bà con nghèo vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc, bà con kiều bào ở Campuchia.

Làm việc với TNV CTĐ xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Bên cạnh đó, hoạt động của TNV cũng có những hạn chế như trình độ TNV còn hạn chế, cấp cơ sở đa số là người lớn tuổi nên việc tiếp cận các thông tin điện tử có giới hạn. Đặc trưng cơ bản của TNV là chỉ biết làm hết sức mình vì việc thiện chứ không biết báo cáo, đánh giá…

TNV tham gia cùng Hội CTĐ trên tinh thần tự nguyện, tuy nhiên bị chi phối bởi công việc của họ, khi nhàn rỗi thì tham gia. TNV không chịu sự quản lý, gò bó bởi quy chế nên đôi khi cũng có tâm lý “thích thì tham gia, không thích thì thôi”. Từ đó, việc điều động, tập trung TNV cũng gặp khó khăn.

Tham quan bãi tập kết gỗ của Trại hòm từ thiện xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang,

Lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh An Giang cũng đề nghị Trung ương Hội cần kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phong trào TNV, bởi qua đó người làm công tác nhân đạo thấy việc làm của mình được bà con thừa nhân, xã hội công nhận từ đó có tác động trực quan khiến phong trào TNV ngày càng lan tỏa.

Bà Trần Thị Hồng An, Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đánh giá rất cao tinh thần của TNV hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, đặc biệt là đã sáng tạo ra các mô hình hoạt động mới, vô cùng thiết thực và hiệu quả như mô hình Cửa hàng 0 đồng, mô hình Xe chuyển viện miễn phí, bếp ăn sáng miễn phí cho người nghèo và sinh viên học sinh.

Tham quan xưởng sản xuất Trại hòm từ thiện xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên.

Phó Chủ tịch Hội đánh giá: “Đây mà mảnh đất truyền thống nhiều mô hình mới, điển hình mới với những cách làm sáng tạo và có thể xem đây là cái nôi của phong trào CTĐ Việt Nam”.

Bà Trần Thị Hồng An đánh giá, qua làm việc tại 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang cho thấy, các mô hình hoạt động tốt đều xuẩt phát từ thực tiễn cuộc sống, từ nhu cầu bức thiết của nhân dân và đã quay trở lại phục vụ nhân dân một cách rất hiệu quả. Chính sự hiệu quả đó đã quay lại đóng góp hỗ trợ, giúp đỡ về mặt vật chất lẫn tinh thần để cho các mô hình ấy ngày càng phát triển. Có những mô hình từ 15 đến 20 năm nhưng sức sống vẫn bền vững.

Phó Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam đánh giá rất cao những hoạt động bình dị của TNV Đồng Tháp và An Giang. Ở đây TNV chỉ biết lao vào công việc mà làm chứ không đòi hỏi quyền lợi với tinh thần vô tư trong sáng. Là nét đẹp trong công tác nhân đạo mà không phải ở đâu cũng có được.

Tại đây, Phó Chủ Trung ương Hội và các cán bộ tham gia Đoàn công tác đã rất xúc động khi được nghe các TNV kể về hoàn cảnh của mình, các hoạt động cụ thể khi giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội mà ở đó họ làm nhân đạo bằng cái tâm xem đó là việc tích đức cho con cháu.

Bà Trần Thị Hồng An khẳng định: “Qua chuyến công tác này, lãnh đạo Trung ương Hội CTĐ Việt Nam sẽ chỉ đạo Ban truyền thông sớm có nghiên cứu, tổng kết hoạt động TNV để hoàn thành về đề án Tình nguyện viên, qua đó nhân rộng những mô hình truyền thống, những cách làm mới, làm hay để phong trào TNV CTĐ Việt Nam ngày càng phát triển từ số lượng lẫn chất lượng hoạt động”.

Trong chuyến công tác này, Đoàn đã đến thăm và tìm hiểu hoạt động thực tế ở cơ sở như Bếp ăn từ thiện BVĐT Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; mô hình Trại hòm từ thiện, Xe cứu thương miễn phí ở xã Mỹ Khánh và Trung tâm giáo dục trẻ mồ côi và người già cô đơn TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các TNV CtĐ xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên

Thăm hỏi TNV chăm sóc cháu bé bị bỏ rơi tại TT TP. Long Xuyên

Bà Trần Thị Hồng An thăm hỏi các TNV Bếp ăn tình thương BVĐK Sa Đéc.

Tham quan xe cứu thương chuyên dụng trị giá hơn 700 triệu đồng của các TNV xã Mỹ Khánh, TP.Long Xuyên

Bà Trần Thị Hồng An tham gia phát cơm tại bếp ăn nhân đạo BVĐK Sa Đéc

Trần Lũy

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/hanh-trinh-chu-thap-do/danh-gia-cong-tac-tinh-nguyen-vien-chu-thap-do-o-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long-15506