Góc nhìn ĐBQH về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Hôm nay (24/11), trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trong ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khó XIV, các ĐBQH đánh giá cao nội dung kỳ họp. Tuy nhiên, có ĐB cho rằng thời gian họp kéo dài cả tháng là quá dài.

Đại biểu Chu Lê Chinh (Chu Lé Chừ): Lãnh đạo tỉnh đi họp một tháng khi rất nhiều việc phải giải quyết

ĐBQH Chu Lê Chinh (Chu Lé Chừ), đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, cho rằng Kỳ họp này đạt kết quả rất tốt, kể cả về lĩnh vực xây dựng pháp luật đến những quyết định quan trọng của đất nước, đây đều là những vấn đề được cử tri mong đợi.

Là Đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tiếp, ĐB Chu Lê Chinh cho biết mỗi kỳ họp để lại cho ông một ấn tượng khác nhau và lại cần có những cải tiến nhất định. Theo đó, việc cần cải tiến trước tiên là thời gian của kỳ họp cuối năm.

ĐBQH Chu Lê Chinh (Chu Lé Chừ).

ĐBQH Chu Lê Chinh (Chu Lé Chừ).

“Thời gian họp của chúng ta vẫn còn dài, cần có cách nào đó để rút ngắn thời gian của kỳ họp xuống khoảng 3 tuần. Vì kỳ họp này là kỳ họp cuối năm mà để một số đồng chí lãnh đạo tỉnh ngồi đây hơn một tháng thì rất nhiều việc phải giải quyết. Có thể tăng thời gian kỳ họp giữa năm lên để đảm bảo chương trình”, ông Chu Lê Chinh nói.

Bên cạnh đó, Đại biểu Chinh cho rằng cần tăng thời gian họp Tổ để có nhiều ý kiến tham gia thảo luận được đưa ra. Bởi hiện có đến 1/3 đại biểu đăng ký phát biểu ở Hội trường nhưng không được phát biểu do thời gian.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): Nếu nói đã hoàn thành nhiệm vụ thì hơi chủ quan

Đánh giá về kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhìn nhận theo xu hướng Quốc hội ngày càng hoàn thiện nội dung, chương trình hành động, cũng như phương thức làm việc. Qua đá đưa đến sự đồng thuận cao, từng bước nâng cao chất lượng dự án luật, phù hợp với mong muốn của cử tri. Đó là thành công lớn nhất trong chương trình làm việc của Quốc hội kỳ này.

Cũng theo ông Sơn, việc kéo dài thời gian chất vấn các thành viên Chính phủ lên thành 3 ngày đã đáp ứng mong mỏi của cử tri, đây cũng là nỗ lực rất lớn của Quốc hội trong việc bảo đảm nội dung các chương trình khác. Nội dung chất vấn cũng tốt lên, qua đó hiệu quả của quản lý nhà nước cũng tốt lên thông qua các kỳ chất vấn.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn đánh giá về các phiên tranh luận: “So với kỳ họp trước, kỳ họp này việc tranh luận diễn ra sôi nổi hơn, tuy nhiên cũng có những tranh luận của một vài Đại biểu chưa thỏa mãn được tư duy và tình cảm của người nghe, người tiếp nhận, đặc biệt đó lại là những vấn đề rất cụ thể, nhưng mang lại nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau trong cùng một vấn đề. Nếu chúng ta làm luật hoặc giải quyết một vấn đề gì đó thì cũng nên có một cái nhìn đa chiều như vậy để giải quyết rốt ráo các mặt của vấn đề”.

Đại biểu Sơn cho rằng việc các đại biểu không ngại ý kiến của mình ngược với ban soạn thảo hoặc trái với yêu cầu nào đó là trách nhiệm của đại biểu, giúp cho ban soạn thảo các dự án luật và UBTVQH xem xét, đánh giá một cách đầy đủ.

Sau kỳ họp, cử tri và nhân dân luôn đòi hỏi rất cao về trách nhiệm của các Đại biểu. Ông Nguyễn Bá Sơn nói: “Trách nhiệm đó không chỉ dừng lại ở bất cứ giới hạn nào, nên nếu ở đâu đó có đại biểu phát biểu rằng “tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân” thì phát biểu đó hơi chủ quan”.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng): Nghị trường mà chỉ có một tiếng nói thì không còn là nghị trường

Đánh giá về kỳ họp này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng với những vấn đề quyết sách được đưa ra bàn thảo, bên cạnh phương diện là cách thức điều hành của Quốc hội, đây là kỳ họp khá thành công.

“Kỳ họp này đã có 11 phiên truyền hình trực tiếp, trong đó có những nội dung trước đây chưa bao giờ truyền hình trực tiếp, đó là những vẫn đề như ngân sách, cải cách tư pháp,… Quốc hội luôn dành tối đa thời gian cho các đại biểu tham gia chất vấn. Chất lượng chất vấn cũng rất tốt, có những đại biểu rất tích cực tham gia tranh luận”.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển.

Theo ông Hiển, những vấn đề được lặp đi lặp lại sâu sấc hơn, giúp cho cơ quan soạn thảo cũng như Quốc hội có được quyết định phù hợp với thực tế hơn.

Về ý kiến có thể có cài cắm lợi ích nhóm trong các phát biểu của đại biểu, Đại biểu Hiển cho rằng chưa thể khẳng định có hay không, nhưng chắc chắn mỗi một đại biểu có một góc nhìn khác nhau nên tiếng nói của họ cũng từ góc nhìn của họ, đó là sự đa dạng.

“Nghị trường mà chỉ có một tiếng nói thì không còn là nghị trường. Nghị trường phải là nơi phản ánh tính dân chủ cao nhất, ý kiến đa chiều nhất”, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Quốc hội công khai, đáp ứng nguyện vọng của cử tri

Đại biểu Phạm Tất Thắng chỉ ra 4 thành công lớn nhất của kỳ họp này. Thứ nhất, trong một thời gian không dài nhưng việc sắp xếp chương trình, cách thức tiến hành nội dung rất hợp lý. Quốc hội đã giải quyết được khối lượng công việc lớn, thể hiện trên cả 3 phương diện chức năng của Quốc hội, từ công tác lập pháp, công tác giám sát tối cao, và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Thành công thứ hai là nội dung, phương thức hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đổi mới và cải tiến. Đây là kỳ họp đầu tiên có số buổi, số ngày phát thanh truyền hình trực tiếp nhiều như thế (11/23 ngày), thể hiện việc Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, gần dân, đáp ứng mong muốn kỳ vọng của cử tri đối với Quốc hội. Những hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, gắn bó với nhân dân và ngày càng được nhân dân giám sát chặt chẽ hơn.

ĐBQH Phạm Tất Thắng.

Thứ ba là việc cải tiến phương thức hoạt động của kỳ họp, đây là lần đầu tiên hoạt động của các cơ quan thuộc khối tư pháp được phát thanh và truyền hình trực tiếp. “Theo quan niệm thông thường, đây là những nội dung liên quan đến nội bộ của Quốc hội nhiều hơn, nhiều tài liệu phát cho đại biểu thuộc khối này được đóng dấu Mật. Tuy nhiên tại kỳ họp này lần đầu tiên phiên thảo luận thuộc các cơ quan tư pháp đã được truyền hình trực tiếp. Việc này vừa thể hiện tính công khai, vừa đáp ứng nguyện vọng của cử tri, và thực hiện đúng chức năng của Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, của cử tri cả nước”, Đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết.

Thành công thứ tư, theo ĐB Thắng, tại tất cả các buổi thảo luận tại hội trường, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu đều vượt số lượng những đại biểu được phát biểu. Trách nhiệm của các đại biểu trong thảo luận ở tổ và ở hội trường là rất tích cực. Đặc biệt là không khí tranh luận tại nghị trường đã được nâng lên một bước. Số đại biểu phát biểu và số đại biểu tranh luận là ngang nhau, không khí cởi mở, thẳng thắn rất cao. Không chỉ tranh luận với nhau, các đại biểu còn tranh luận với cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra.

Đại biểu Dương Ngọc Hải (Tp.HCM): Không khí trả lời chất vấn thẳng thắn

Theo Đại biểu Dương Ngọc Hải, kết quả kỳ họp này được đánh giá rất tốt. Ngoài việc xây dựng luật, Quốc hội đã giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó phải kể đến việc cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Quốc hội cũng đã cho ý kiến và biểu quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh; thảo luận về Luật Đơn vị hành chính đặc biệt;…

ĐBQH Dương Ngọc Hải.

Đặc biệt là trong những phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt ra những câu hỏi thẳng thắn mang tính bức xúc của cử tri, của xã hội, các Bộ trưởng và Thủ tướng đã trả lời đi sát vào những câu hỏi của các Đại biểu. “Không khí trả lời chất vấn như vậy theo tôi là thẳng thắn, đạt yêu cầu, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của ĐBQH và cử tri”, Đại biểu Dương Ngọc Hải nhận xét.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/danh-gia-da-chieu-cua-dbqh-ve-ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xiv-post245621.info