Đánh giá Dell OptiPlex 5050 MT – Thiết kế đẹp, tối ưu cho văn phòng nhỏ gọn, giá 13,49 triệu đồng

OptiPlex 5050 MT hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ theo tiêu chí hài hòa giữa hiệu năng, nhu cầu sử dụng và yếu tố tiết kiệm năng lượng. Sản phẩm thiết kế nhỏ gọn theo chuẩn micro-tower, phù hợp với không gian mở của những văn phòng hiện đại nhưng vẫn giữ được khả năng nâng cấp phần cứng linh hoạt.

Về cấu hình phần cứng, mẫu OptiPlex 5050 MT Tinhte thử nghiệm trang bị chip Core i5-7500, đồ họa tích hợp HD Graphics 630, 4GB DDR4 bus 2.400 MHz, ổ cứng SATA 3.0 1TB và đi kèm cả bộ bàn phím, chuột. Sản phẩm có giá tham khảo 13,49 triệu đồng, không bao gồm màn hình.

Ưu điểm

Thiết kế gọn đẹp cho văn phòng hiện đại.
Tản nhiệt êm, hoạt động hiệu quả.
Đi kèm bộ bàn phím và chuột.
Khả năng nâng cấp linh hoạt.

Khuyết điểm

Cấu hình mặc định chỉ trang bị 4GB RAM.
Không cài sẵn Windows bản quyền.

Kiểu dáng, thiết kế

Như đề cập trên, thiết kế sản phẩm hướng đến người dùng văn phòng với kích cỡ nhỏ gọn, phù hợp sử dụng trong những không gian mở hoặc giới hạn diện tích. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng cho phép tùy biến theo dạng thùng đứng (tower) hoặc đặt nằm (desktop) sao cho phù hợp với cách bố trí bàn làm việc của mỗi người.

Về kiểu dáng, OptiPlex 5050 MT vẫn trung thành với phong cách hiện đại, sử dụng các họa tiết đơn giản và thể hiện sự mạnh mẽ qua những đường nét vuông vắn. Điểm đáng chú ý khác của sản phẩm là khả năng nâng cấp, bảo dưỡng linh hoạt nhờ thiết kế tool-less giúp việc tháo lắp dễ dàng hơn khi cần.

Nói thêm về cấu hình mẫu desktop Tinhte thử nghiệm chỉ trang bị ổ cứng truyền thống và nó không được tối ưu về mặt hiệu suất. Vì vậy tùy tính chất công việc và điều kiện tài chính, bạn nên cân nhắc gắn thêm SSD làm phân vùng hệ thống (phân vùng cài đặt hệ điều hành và phần mềm) trong khi vẫn sử dụng HDD lưu dữ liệu.

Về cấu trúc bên trong thùng máy chia làm hai phần, trong đó phần trước dành gắn ổ cứng chuẩn 3,5 inch và ổ đĩa quang với độ dày chỉ hơn hộp đựng đĩa DVD thông thường một chút. Phía sau là bo mạch chủ, các linh kiện phần cứng khác và nhất là bộ nguồn công suất đến 240W, sẵn sàng cho việc nâng cấp linh kiện phần cứng mà vẫn đảm bảo công suất đáp ứng theo yêu cầu.

Đi kèm là bộ bàn phím và chuột theo tiêu chuẩn doanh nghiệp; kích thước phím nhấn lớn và có cả nhóm phím số bên phải tiện dụng hơn cho dân thống kê, tài chính trong việc nhập số liệu hoặc chơi game giải trí. Thử nghiệm thực tế cho thấy cảm giác phím khá tốt, thao tác thoải mái với phím nhấn êm, khoảng cách giữa các phím hợp lý nên phù hợp cả người dùng có cỡ tay lớn. Xét về độ nhạy phím dù chưa thật tốt nhưng vẫn đủ để lướt nhanh trên bàn phím khi gõ văn bản.

Đánh giá hiệu năng

Do trang bị đồ họa tích hợp nên hiệu năng không phải là điểm mạnh của sản phẩm. Tuy nhiên xét tổng thể, sức mạnh cấu hình phần cứng mẫu OptiPlex 5050 vẫn đủ đáp ứng yêu cầu công việc của dân “cổ cồn trắng”, chạy các ứng dụng phổ biến như MS. Word, Excel hoặc thậm chí chơi game giải trí nhẹ nhàng khi giờ nghỉ ngơi.

Cụ thể với PCMark 10, công cụ benchmark dành riêng cho Windows 10, hệ thống đạt 2.206 điểm hiệu năng tổng thể. Tương tự cấu hình cũng đạt 4.661 điểm trong phép thử PCMark 8 Work và 4.157 điểm phép thử Creative.

Trong phần đánh giá năng lực xử lý đồ họa với 3DMark, mẫu Dell OptiPlex đạt 6.553 điểm Cloud Gate, trong đó đồ họa đạt 7.079 điểm và CPU là 5.201 điểm. Với phép thử TimeSpy được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, cấu hình thử nghiệm đạt 354 điểm, trong đó đồ họa HD Graphics 630 đạt 308 điểm và chip i5-7500 là 2.446 điểm.

Với Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình của bộ xử lý và đồ họa tích hợp, kết quả đạt 161 điểm trong phép thử CPU đơn nhân, 570 điểm đa nhân và và điểm đồ họa đạt 42,7 fps (khung hình/giây) khi dựng hình bằng thư viện OpenGL.

Về tốc độ truy xuất dữ liệu qua phép đo Anvil's Storage Utilities cho thấy, tốc độ đọc dữ liệu tuần tự cao nhất đạt 175 MB/s trong khi tác vụ ghi là 115,8 MB/s. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì cấu hình dùng trong bài viết chỉ trang bị ổ cứng truyền thống nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu năng tổng thể. Tuy nhiên với dung lượng 1TB vẫn đủ đáp ứng nhu cầu lưu trữ dữ liệu và sử dụng hàng ngày.

Đáng chú ý là mức tiêu thụ năng lượng của hệ thống (không kể màn hình) rất thấp so với máy tính để bàn truyền thống. Cụ thể trong phép thử PCMark 8 Work giả lập các tác vụ văn phòng thường sử dụng hàng ngày, công suất cao nhất đo được là 45,9 watt và tính giá trị trung bình vào khoảng 23,5 watt.

Thử đặt phép tính đơn giản nếu mỗi ngày làm việc 8 giờ theo quy định thì phải từ 2,7 đến 5,3 ngày thì mẫu OptiPlex 5050 mới tiêu thụ hết 1kW điện năng. Với người dùng gia đình thì điều này không có nhiều ý nghĩa nhưng ở khía cạnh doanh nghiệp, nó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng sử dụng cho hệ thống mạng máy tính tùy tính chất và quy mô phát triển.

Tổng quan sản phẩm

Kiểu dáng hiện đại, thiết kế nhỏ gọn cùng cấu hình phần cứng được xây dựng theo chuẩn doanh nghiệp, giúp sản phẩm có thể hoạt động liên tục trong quãng thời gian dài. Đặc biệt yếu tố năng lượng cũng được nhà sản xuất chú trọng hơn, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí đầu tư cũng như bảo vệ môi trường tốt hơn.

Đáng tiếc cấu hình mặc định OptiPlex 5050 chỉ trang bị 4GB RAM và không cài sẵn hệ điều hành Windows bản quyền khi xuất xưởng. Và điều này cũng phần nào làm giảm bớt sự hấp dẫn của sản phẩm nếu xét trên tổng chi phí sở hữu (TCO).

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/danh-gia-dell-optiplex-5050-mt-thiet-ke-dep-toi-uu-cho-van-phong-nho-gon-gia-13-49-trieu-dong.2790218/