Đánh giá học sinh tiểu học đã đi vào nề nếp

Đó là nhận định của ngành GD&ĐT TP Cần Thơ sau thời gian một học kỳ đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22. Với những thay đổi tích cực từ Thông tư này, thầy trò trường tiểu học đã được dạy - học một cách thoải mái.

Việc học sinh tự đánh giá và giáo viên đánh giá học sinh không còn lúng túng, áp lực như trước.

Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng được chú trọng

Theo bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Nhờ công tác tuyên truyền các chủ trương của ngành Giáo dục trong thời gian qua được chú trọng nên xã hội, đặc biệt là phụ huynh hiểu rõ việc học tập của con em và đồng cảm hơn với ngành Giáo dục. Còn theo ông Trần Thanh Tài - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Thực tế cho thấy Thông tư 22 về đánh giá HS tiểu học đến nay đã đi vào nề nếp, được giáo viên, học sinh và phụ huynh đón nhận tích cực. Để làm nên thành công này, công tác tuyên truyền đã phát huy tác dụng, làm cho xã hội nhận thức sâu sắc hơn việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo...

Để tạo nền tảng triển khai có hiệu quả Thông tư 22, ngành Giáo dục TP Cần Thơ còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý; Chú trọng công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giáo dục và các phương pháp, kỹ thuật thiết kế các đề thi, kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực cho học sinh phổ thông; Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh… Giáo dục tiểu học đã thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương; củng cố, bồi dưỡng, phát huy vai trò của tổ mạng lưới chuyên môn các cấp, tập trung tăng cường công tác dự giờ, thăm lớp, kiểm tra, uốn nắn hoạt động dạy và học.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ còn phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ và Trường CĐ Cần Thơ tổ chức tốt các lớp tập huấn Thông tư 22 cho tất cả cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền Thông tư 22, đảm bảo việc phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc đánh giá học sinh.

Tổ chức kiểm tra cuối kỳ I theo hướng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của các em. Từ đó giúp học sinh phát huy tối đa khả năng, đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan, qua đó phản ánh trung thực chất lượng học tập; tránh hình thức hoặc chạy theo thành tích; không gây áp lực, tạo không khí căng thẳng cho cha mẹ học sinh, giáo viên và học sinh… Ngành phối hợp Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chi nhánh Cần Thơ, tổ chức tập huấn đến từng giáo viên và chỉ đạo thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 22 trên phần mềm của chương trình SMAS.

Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh

Sau khi kết thúc một học kỳ đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ ghi nhận những kết quả khả quan. Theo đó, kết quả đánh giá chất lượng học tập môn Toán - Tiếng Việt thực hiện theo quy định Thông tư 22 như sau: Tổng số học sinh 96.131, ở môn Toán hoàn thành tốt 54.391 (tỷ lệ 56,58%); hoàn thành 40.113 (tỷ lệ 41,73%). Môn Tiếng Việt hoàn thành tốt 55.564 (tỷ lệ 57,80%); hoàn thành 38.988 (tỷ lệ 40,56%).

Kết quả đánh giá năng lực thực hiện theo quy định Thông tư 22, Năng lực 1 (tự phục vụ, tự quản đạt mức tốt) đạt 62,36%; Năng lực 2 (hợp tác đạt mức tốt) 61,28%; Năng lực 3 (tự học, giải quyết vấn đề đạt mức tốt) 54,78%. Kết quả đánh giá phẩm chất thực hiện theo quy định, Phẩm chất 1 (chăm học, chăm làm, đạt mức tốt) 64,43%; Phẩm chất 2 (tự tin, trách nhiệm, đạt mức tốt) 64,21%; Phẩm chất 3 (trung thực, kỷ luật, đạt mức tốt) 67,91%; Phẩm chất 4 (đoàn kết, yêu thương, đạt mức tốt) 70,70%.

Ông Trần Thanh Tài - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Thông qua triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22, công tác đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy, học được cải thiện đáng kể. Mối quan hệ giữa Ban giám hiệu - giáo viên, giáo viên - giáo viên, giáo viên - học sinh - phụ huynh, học sinh - học sinh… không còn khoảng cách như trước. Nhờ đó mà công tác nâng cao chất lượng giáo dục, xã hội hóa giáo dục cũng thuận lợi. Tất cả đều hướng đến mục tiêu vì sự tiến bộ, phát triển toàn diện của học sinh; mọi áp lực về điểm số, thành tích không còn gây khó khăn, trở ngại cho cả thầy và trò.

Hiện nay, ngành Giáo dục thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh, mở rộng trường lớp 2 buổi/ngày, xem đây là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Năm học 2016 - 2017, toàn thành phố có 154 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 62.565/96.266 học sinh (tỷ lệ 64,99%). So với năm học qua tăng 14 trường, 6.436 học sinh. Ngành cũng tăng cường chỉ đạo vận dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo Mô hình Trường học mới (VNEN). Năm học 2016 - 2017, thành phố đã mở rộng thêm được 45 trường tiểu học nâng tổng số lên 121 trường thực hiện việc dạy học theo Mô hình Trường học mới (VNEN) trên tinh thần tự nguyện, với 1.172 lớp, 38.311 học sinh. So với năm học qua tăng 666 lớp, 20.403 học sinh…

Trong học kỳ I, năm học 2016 - 2017, Sở đã hỗ trợ các Phòng GD&ĐT tổ chức 9 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy - học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ kỹ thuật, nghiệp vụ và đánh giá học sinh qua các tiết dạy của 108 giáo viên. Đẩy mạnh công tác đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động. Đến nay, đã có 100% trường tiểu học tổ chức hình thức dạy học “theo nhóm” trong suốt buổi học, tạo điều kiện để mọi học sinh đều “được học” và “học được”.

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-da-di-vao-ne-nep-2827827-l.html