Đánh giá kết quả triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu măng sặt tại Văn Bàn

Sáng 20/8, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn tổ chức đánh giá kết quả thực hiện năm thứ nhất và triển khai kế hoạch thực hiện năm thứ hai Dự án 'Xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt gắn với chuỗi giá trị của Công ty Cổ phần Nông - lâm sản Kim Bôi nhằm cải thiện vị thế kinh tế cho phụ nữ huyện Văn Bàn' (Dự án Great).

Dự hội nghị có 60 đại biểu đại diện các cơ quan có liên quan và hộ dân trong vùng dự án.

Quang cảnh hội nghị.

Dự án xây dựng vùng nguyên liệu trồng măng sặt gắn với chuỗi giá trị được triển khai với mục tiêu cải thiện kinh tế cho nông dân thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất măng sặt tại hai xã Nậm Xé và Nậm Xây (Văn Bàn), giảm sự tác động của người dân vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Sau 1 năm triển khai, vùng nguyên liệu măng sặt gắn với chuỗi cung ứng của Công ty Cổ phần Nông- lâm sản Kim Bôi được hình thành với 330 hộ đăng ký tham gia tổ hợp tác sản xuất măng sặt; thành lập 11 nhóm nông dân cùng sở thích (660 người, trong đó có 350 phụ nữ); điều tra hiện trạng, xây dựng cơ sở dữ liệu về măng sặt trên địa bàn hai xã theo dạng số; xây dựng và phát 100 cuốn tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất măng sặt cho người dân; đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống măng sặt cho 44 nông dân.

Đặc biệt, chủ dự án đã xây dựng phương án trình UBND huyện phê duyệt vùng nguyên liệu tại hai xã. Theo đó, UBND huyện Văn Bàn đã phê duyệt vùng nguyên liệu với quy mô 373 ha trồng cây sặt lấy măng, trong đó trồng mới 150 ha, cải tạo diện tích còn lại.

Phụ nữ Dao đỏ xã Nậm Xây cải tạo rừng nguyên liệu sặt.

Dự án đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất măng sặt giống của nông dân, chuyển hóa quy mô hộ gia đình, sản xuất gần 4.000 cây măng sặt giống. Dự án đã xây dựng mô hình thí điểm trồng, chăm sóc măng sặt và nhân rộng mô hình với 6,6 ha/40 người được hưởng lợi; măng sặt được thu hoạch, sơ chế, bảo quản và cung cấp cho doanh nghiệp. Tham gia dự án, người dân được nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, thu hái và sơ chế măng sặt theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Thông qua dự án, 350 phụ nữ và phụ nữ dân tộc thiểu số đã được tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua chuỗi liên kết sản xuất măng sặt.

Trong năm thứ hai (2020-2021), Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn tiếp tục triển khai các hoạt động của dự án với những mục tiêu chính: Phát triển chuỗi giá trị măng sặt gắn với chuỗi cung ứng của Công ty Cổ phần Nông - lâm sản Kim Bôi nhằm tạo thu nhập cho phụ nữ; hỗ trợ xây dựng và thực hiện quy định khai thác măng sặt bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm khi thực hiện dự án, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện dự án trong năm thứ 2.

Minh Hà

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/danh-gia-ket-qua-trien-khai-du-an-xay-dung-vung-nguyen-lieu-mang-sat-tai-van-ban-z3n20200820103544539.htm