ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG AN NINH VÀ SỰ CẠNH TRANH LÀNH MẠNH TRONG HOẠT ĐỘNG VIỄN THÔNG

Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Quan tâm đến nội dung dự thảo, ông Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên BCH Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cho rằng, cần đánh giá thêm khả năng đảm bảo quốc phòng an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông nếu áp dụng các điều khoản sửa đổi, bổ sung…

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Theo cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan. Trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với những nội dung chủ yếu sau: (1) Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; (2) Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; (3) Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; (4) Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; (5) Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan;…

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Quan tâm, nghiên cứu dự thảo Luật, ông Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên BCH Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam đánh giá cao sự cần thiết phải ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Nhất trí với 3 phương thức cấp phép tần số, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đối với băng tần, kênh tần số “có giá trị cao”, áp dụng phương thức đấu giá. Phương thức thi tuyển có thể áp dụng trong một số trường hợp nhất định nhằm đạt được những yếu tố có lợi cho quốc gia, thị trường và người sử dụng dịch vụ như: Cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định; hoặc khi cần có tổ chức mới tham gia thị trường để thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.

Về điều kiện cấp lại giấy phép, ông Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ tán thành với các điều kiện cơ bản để cấp lại giấy phép với băng tần “có giá trị cao”, ví dụ như không vi phạm cam kết trước đó về triển khai mạng viễn thông; không nợ phí và các nghĩa vụ tài chính khác; chấp nhận yêu cầu mới về cam kết triển khai mạng viễn thông cho giai đoạn 15 năm tiếp theo; chấp nhận nộp các nghĩa vụ tài chính mới. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn đây là các điều kiện thiết yếu để bảo đảm băng tần “có giá trị cao” được trao cho Doanh nghiệp có uy tín để tiếp tục triển khai mạng viễn thông đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Sơn cũng nhất trí với quy định lấy mốc thời gian xem xét cấp lại là trước khi giấy phép hết hạn 3 năm. Với mốc thời gian này sẽ giúp cho việc dự báo, quy hoạch sát hơn với nhu cầu sử dụng. “Tuy nhiên, với việc áp dụng mốc thời gian 3 năm này thì cơ quan quản lý làm công tác quy hoạch, cấp phép phải sớm đưa ra các quy hoạch, xử lý nhanh việc cấp phép lại để đảm bảo không gây thiệt hại đến kế hoạch triển khai của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Sơn lưu ý.

Về quy định không hoàn trả phí, lệ phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện khi bị thu hồi giấy phép, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc xin giấy phép và nộp các khoản phí để được cấp phép và sử dụng tần số vô tuyến điện là các điều kiện phải tuân thủ của người sử dụng. Đây cũng là điều kiện đảm bảo công bằng trong việc xin cấp quyền sử dụng tần số ở những băng tần có giá trị thương mại cao. Do đó, khi vi phạm hoặc không triển khai sử dụng tần số và bị thu hồi giấy phép thì không được lấy lại các khoản phí đã nộp. Nguyên tắc này cũng được áp dụng ở các lĩnh vực khác như đất đai, khoáng sản.

Về bổ sung lĩnh vực “tần số vô tuyến điện” được sử dụng phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính: Để kiểm soát việc sử dụng tần số vô tuyến điện, phải sử dụng các thiết bị chuyên dụng để thu, đo các sóng điện từ trong không gian mà không thể quan sát bằng mắt thường được. Trong nhiều năm qua, cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện (thuộc Bộ Thông tin truyền thông) đã được đầu tư rất lớn về thiết bị và nhân lực, phân bố trên phạm vi toàn quốc (theo các trung tâm vùng) để thực hiện nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng tần số VTĐ trong cả nước và đang đảm bảo được việc giám sát sử dụng tần số vô tuyến điện, xử lý can nhiễu, bảo vệ các tần số được cấp phép.

Nếu cơ quan quản lý ở địa phương cũng trang bị những hệ thống như vậy thì sẽ dẫn đến yêu cầu đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước. Việc trang bị thiết bị đo cho các địa phương mà không có đủ nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành, bảo dưỡng, hiệu chỉnh các thiết bị công nghệ có độ chính xác cao thì còn có khả năng rủi ro là đo sai và đánh giá sai vi phạm.

Về điều khoản chuyển tiếp, giấy phép sử dụng băng tần hiện nay đang cấp cho thông tin di động mặt đất công cộng, là loại phải thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của Luật mới.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, các giấy phép này hết hạn không cùng một thời điểm, cần được gia hạn kéo dài thời hạn để cùng hết hạn với giấy phép còn hạn dài nhất, tạo thuận lợi cho việc quy hoạch lại băng tần và áp dụng chính sách mới của Luật về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số VTĐ, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung điều 9, sửa đổi bổ sung khoản 4 điều 45 và sửa đổi bổ sung điểm c, khoản 1 điều 46 về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt, ông Nguyễn Hồng Sơn nêu quan điểm: Việc sửa đổi này có thể được hình dung là giảm nhẹ hay nới lỏng việc ưu tiên sử dụng tần số cho mục đích quốc phòng an ninh so với Luật hiện hành nhưng chưa được cơ quan soạn thảo giải thích rõ ràng; Chưa có sự thống kê đánh giá hiện nay tần số được phân bổ cho mục đích quốc phòng an ninh có dư thừa để có thể sử dụng cho mục đích phát triển kính tế hay không?...

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hồng Sơn cần đánh giá thêm khả năng đảm bảo quốc phòng an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông nếu áp dụng các điều khoản sửa đổi bổ sung./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=67051