Đánh giá kỹ lưỡng tác động đến môi trường đầu tư và doanh nghiệp

Chiều 17-9, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Trình bày Tờ trình về dự án luật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật này sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Nội dung sửa đổi, bổ sung gồm các các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện; các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; các quy định về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư; các quy định về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài...

Dự án luật cũng sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương và 8 Điều của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Nội dung sửa đổi, bổ sung về: Đăng ký doanh nghiệp; quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; doanh nghiệp nhà nước; hộ kinh doanh; tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp...

Toàn cảnh phiên họp chiều 17-9. Ảnh: Quốc hội.

Thẩm tra dự án luật, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, vì theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi số lượng lớn điều, khoản của hai Luật: Đầu tư Doanh nghiệp, trong khi cả 2 Luật này mới được sửa đổi toàn diện năm 2014, có hiệu lực từ 1-7-2015, thời gian thực thi luật chưa dài. Trường hợp cần thiết sửa đổi như dự kiến nêu trên, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét cho phép tách dự án Luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai.

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, số điều mà Chính phủ đề nghị sửa rất nhiều, liên quan đến cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Ví dụ, đối với Luật Đầu tư, sẽ liên quan đến hàng triệu doanh nghiệp và hộ kinh doanh... Trong khi đó, Luật mới có hiệu lực 4 năm, nếu thay đổi quá nhiều nội dung sẽ khiến các doanh nghiệp không thấy được sự ổn định. Do đó, chỉ nên sửa một số điều vướng mắc trong thời gian qua; cần đánh giá kỹ xem, nếu sửa luật này sẽ “chạm” đến bao nhiêu luật, nếu không cẩn thận sẽ “càng sửa càng rối thêm”, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, dự thảo luật sửa đổi rất nhiều điều, có nhiều nội dung, chính sách lớn và mới. “Trong quá trình sửa hai luật này, ban soạn thảo đã rà soát, tổng kết, đánh giá tác động của những chính sách mới so với luật hiện hành hay chưa. Ngoài ra, đã lường hết được những tác động của các chính sách này đối với hàng triệu doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh - là những đối tượng của dự luật hay chưa”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn.

Cùng với đó, trong dự thảo luật có những quy định mới, như phân cấp, phân quyền, giao lại cho Chính phủ và các Bộ. Điều này cần đánh giá tác động, nhất là điều kiện kinh doanh có điều kiện, thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, những ngành nghề được tiếp cận và cấm kinh doanh. Với phạm vi như thế này, tôi đồng ý với quan điểm sửa toàn diện hai luật để bảo đảm tính chặt chẽ, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm.

Kết luận nội dung này, thay mặt UBTVQH, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh đến việc bảo đảm chất lượng, thận trọng trong việc sửa đổi. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Tờ trình của Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lần này đã vượt quá xa so với mục tiêu ban đầu là chỉ sửa một số điều cần thiết và giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay đang gây ra những khó khăn, vướng mắc, ách tắc cho môi trường đầu tư và môi trường hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ trình chỉnh sửa đến 50% số điều của Luật Đầu tư và 25% số điều của Luật Doanh nghiệp.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần khẳng định rõ: Nếu sửa đổi một số điều của hai luật như mục tiêu ban đầu thì cần rút gọn lại số điều cần sửa cho hợp lý, bảo đảm tính kịp thời, cần thiết của việc sửa luật; nếu sửa toàn diện hai luật thì Chính phủ phải tiến hành đầy đủ các thủ tục, trình tự theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị sau khi Chính phủ khẳng định chính thức sửa theo hướng nào thì UBTVQH sẽ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, và cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38.

Đồng thời, nhấn mạnh “cấp bách nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thêm về phạm vi điều chỉnh, tính cấp bách, khả thi, thống nhất của dự án luật. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của dự án luật sau khi ra đời đến môi trường đầu tư, môi trường doanh nghiệp và việc bảo đảm các điều khoản chuyển tiếp mà chúng ta đã cam kết. Nếu bảo đảm về điều kiện hồ sơ sẽ trình ra tại Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội xem xét, thảo luận.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/danh-gia-ky-luong-tac-dong-den-moi-truong-dau-tu-va-doanh-nghiep-591322