Đánh giá kỹ tác động, bởi Covid-19 khiến nhiều hộ tái nghèo

Chiều 23/7, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nông thôn mới. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu hơn vì dịch Covid-19 có thể khiến số hộ cận nghèo tái nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Trình độ học vấn chính là mấu chốt của thoát nghèo. Ảnh: quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Trình độ học vấn chính là mấu chốt của thoát nghèo. Ảnh: quochoi.vn.

Tránh tình trạng chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng

Khi thảo luận về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đại biểu (ĐB) Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc thêm hiện trạng, vì dịch bệnh Covid-19 đã làm cho số người lao động mất việc, thiếu việc tăng cao, khiến cho một số hộ cận nghèo tái nghèo, trong khi những người nghèo đã khó khăn càng khó khăn hơn.

“Không chỉ mất việc làm, mà họ cũng đã sử dụng hết dự trữ. Về phía doanh nghiệp, cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp không còn khả năng bố trí công ăn việc làm cho người lao động như cũ nữa.”- ĐB Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ thêm. Theo ĐB, trong bối cảnh đó, những chỉ tiêu đề ra trong các báo cáo là kém tính khả thi.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy kiến nghị, cần phân rõ thành nhiều nhóm đối tượng với mức độ nghèo và tình trạng lao động khác nhau (mất sức lao động, có sức lao động, nhưng không làm việc, mất việc...), từ đó có giải pháp thích hợp với từng nhóm đối tượng.

Đặc biệt, nữ ĐB đề nghị những giải pháp giảm nghèo cần mang tính bền vững. Đào tạo lao động là một trong những giải pháp quan trọng theo hướng này, nhưng cần đào tạo những kỹ năng chuyên sâu mà người lao động có thể ứng dụng để tìm kiếm những công việc cho thu nhập ổn định tránh tình trạng đào tạo lấy được, chi rất nhiều tiền nhưng kết quả không tương xứng.

Tham luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy bày tỏ thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần rà soát lại một số chỉ tiêu. “Giảm nghèo nên chỉ đặt chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025. Báo cáo đặt ra một số chỉ tiêu đến năm 2030 trong khi nguồn lực tiền chỉ đến 2025.”- ĐB Đỗ Đức Duy nói.

Tham gia một số nội dung cụ thể, có ý kiến cho rằng, chương trình còn trùng lặp về nội dung, địa bàn. Chính phủ nên xây dựng cơ chế lồng phép và giao cho địa phương thực hiện 1 dự án dùng nguồn vốn của 2-3 chương trình.

Trình độ học vấn là mấu chốt của thoát nghèo

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Loan: “CTMTQG giảm nghèo bền vững đã đạt một số kết quả nhưng chưa như mong muốn, chủ yếu mới dừng ở hỗ trợ, còn làm thế nào để thoát nghèo và thoát nghèo bền vững thì theo quan điểm cá nhân tôi thấy cái khó là trình độ, tay nghề, nhận thức. Về nhận thức thì chúng ta có thể làm được để người nghèo quyết tâm vươn lên. Còn muốn có tay nghề, trình độ thì phải có học. Cho nên để giải quyết được nhân lực thì Chính phủ phải có chiến lược và chương trình riêng về giáo dục vì không học thì không thể có tay nghề. Còn nếu chỉ hỗ trợ thì hết tiền hết sức lực, hết sức lực thì hết tiền, như thế thì không bền vững được”.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), trên thực tế, vốn đối ứng nhiều địa phương khó khăn, dẫn đến kết quả, tiến độ, hiệu quả CTMTQG nông thôn mới chậm.

“Tôi cũng có điểm băn khoăn, chúng ta nói, đó là chương trình không có điểm kết thúc. Nhưng theo luật Đầu tư công thì có khởi đầu có kết thúc, chứ không phải không có kết thúc. Nếu kéo dài thì sẽ chi phí cho bộ máy, quản lý phí, sẽ không tiết kiệm.”- ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.

Về nguồn lực, nữ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đồng tình với phương án ngân sách trung ương dành hơn 39 nghìn tỷ đồng cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Theo ĐB, do dịch Covid-19 ảnh hưởng, còn nhiều khó khăn nên phương án “chốt” là hơn 39 nghìn tỷ đồng, “nếu trong quá trình thực hiện, tăng thu thì tăng thêm trên mức sàn thì hợp lý hơn”.

Cho ý kiến tại tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, chương trình giảm nghèo là giúp người nghèo cái cần câu chứ không phải là con cá, người ta ăn một vài ngày là hết.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị tập trung hướng dẫn cho người nghèo cách sản xuất, kinh doanh, làm ăn. Đồng thời, nâng cao trình độ học vấn, bởi theo ông: “nhà có con tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 là thoát nghèo”. Ông khẳng định, nâng cao dân trí, trình độ học vấn chính là mấu chốt của thoát nghèo.

“Ở Mường Tè, tôi hỏi tỷ lệ hộ nghèo bao nhiêu, thì được trả lời là 92,5%, tôi hỏi 7,5% còn lại ở đâu, thì nói là cán bộ công chức viên chức của xã. Như vậy là nghèo toàn xã rồi. Do đó, cần thiết phải thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, Quốc hội lần này rất ủng hộ.”- Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2021-07-23/danh-gia-ky-tac-dong-boi-covid-19-khien-nhieu-ho-tai-ngheo-107967.aspx