Đánh giá lại chương trình giáo dục thực nghiệm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhóm tác giả và ý kiến chuyên gia, dư luận về 'Chương trình thực nghiệm'.

Cụ thể, Bộ sẽ rà soát, thẩm định sách giáo khoa nói chung, đánh giá lại "Chương trình thực nghiệm" và tổ chức đối thoại, tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật. Trước đó, Hội đồng thẩm định Quốc gia về sách giáo khoa mới đã đánh giá "không đạt" đối với cả 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục gồm: Toán, Tiếng Việt và Đạo đức. Điều này dẫn đến khả năng chương trình Công nghệ giáo dục sẽ phải chấm dứt dạy trong nhà trường sau 40 năm được triển khai trong thực tiễn.

Trong bối cảnh đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, thẩm định chặt chẽ, công khai, khách quan, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa mới; báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, Điều 32, Luật Giáo dục năm 2019 từ ngày 1/1/2020 để hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa kịp triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội.

Sách giáo khoa giáo dục phổ thông liên quan đến mọi học sinh. Vì vậy, vấn đề quản lý sách giáo khoa cần bảo đảm hiệu quả. Thực hiện "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" là để huy động trí tuệ của xã hội, phát huy dân chủ trong giáo dục. Do đó, để chọn bộ sách giáo khoa tốt thì không nên tập trung quyền lựa chọn vào một vài người, bởi nếu tập trung quyền lực vào một vài cá nhân rất dễ bị lạm dụng, bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không phục vụ mục đích chung.

THANH MẠNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/danh-gia-lai-chuong-trinh-giao-duc-thuc-nghiem-20191121154242358.htm