Đánh giá, nghiệm thu đề tài KHCN cấp quốc gia về mô hình và giải pháp tăng tự chủ ĐH

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục vừa chủ trì Hội đồng khoa học, họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trong đó có đề tài về tăng quyền tự chủ cho giáo dục ĐH.

Đề tài “Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2018 -2025, tầm nhìn 2030” do Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, GS.TSKH. Đào Trọng Thi làm chủ nhiệm.

Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký. Kết quả nghiên cứu được công bố qua 5 bài báo, trong đó 1 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Hệ thống Scopus và 3 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước (vượt 2 bài báo so với đăng ký); hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh.

Quang cảnh buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu KHCN cấp quốc gia vừa được tổ chức tại Bộ GD&ĐT (Ảnh: Moet.gov.vn)

Trong quá trình thực hiện, sản phẩm của đề tài đã cung cấp luận cứ khoa học, tham mưu cho các cơ quan hoạch định chính sách trong việc ban hành các chính sách về tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học (CS GDĐH) hướng tới việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục.

Một số sản phẩm đã được Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội tiếp nhận sử dụng.

GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh tình hình thực hiện chính sách về tự chủ và trách nhiệm giải trình của các CS GDĐH Việt Nam và đánh giá hiệu quả các chính sách hiện có. Trước đó, đề tài đã tự đánh giá nghiệm thu ngày 25-3-2020, kết quả xếp loại “Đạt”.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra mô hình tự chủ của CS GDĐH Việt Nam và đề xuất giải pháp tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình cho CS GDĐH Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030.

Theo nhóm nghiên cứu, mô hình tự chủ đòi hỏi tư duy mới trong quản trị và lãnh đạo cả ở cấp trường và cấp hệ thống; sự tham gia của các bên liên quan, khích lệ sự đa dạng và từng bước chuyển sang quản trị theo mô hình doanh nghiệp.

Về phía thành viên Hội đồng, các chuyên gia PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH; PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa; GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận đóng góp của đề tài, đồng thời, đề xuất những nội dung cần làm rõ, điều chỉnh, bổ sung.

Cho rằng đây là đề tài lớn, phức tạp, trong khi các CS GDĐH khá lúng túng trong quá trình tự xây dựng mô hình tự chủ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị, đề tài cần đưa ra được mô hình tự chủ nào tốt nhất cho GDĐH Việt Nam đến năm 2030 và đề xuất hành lang pháp lý cần những gì để sẵn sàng cho quá trình đó.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao kết quả và yêu cầu đề tài cần thống nhất cấu trúc các báo cáo thành phần; xác định khung lý thuyết để phân tích xuyên suốt, làm luận cứ về sự phù hợp trong bối cảnh thực tiễn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài (Ảnh: Moet.gov.vn)

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó, phức tạp, đề tài cần làm rõ nội hàm các khái niệm chính yếu; xác định rõ mô hình tự chủ, từ đó đánh giá Nghị định 77/NQ-CP; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống các nhóm giải pháp theo các nhóm đối tượng nghiên cứu.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/danh-gia-nghiem-thu-de-tai-khcn-cap-quoc-gia-ve-mo-hinh-va-giai-phap-tang-tu-chu-dh-209754.html