Đánh giá phim The Commuter (2018) - Màn rượt đuổi cuối cùng của Liam Neeson

Nếu bạn từng có dịp xem series phim Taken (Cưỡng đoạt), The Grey (2011), Unknown (2011), Non-Stop (2014)... của nam tài tử Liam Neeson thì chắc hẳn The Commuter (Hành khách bí ẩn) là món khai vị đầu năm khó có thể bỏ qua.

Được coi là phim hành động mở màn cho năm 2018, The Commuter (Hành khách bí ẩn) là một trong những phim đáng chờ đợi nhất vào những ngày cuối tuần này, với sự pha trộn giữa thể loại giải đố, hình sự và hành động. Phim đánh dấu sự trở lại của diễn viên Liam Neeson sau một thời gian vắng bóng ở thể loại hành động giải trí, nhất là sau thành công của ba phần phim Taken (Cưỡng đoạt). Ngoài ra cũng không thể kể tới vai trò của đạo diễn Jaume Collet-Serra, người từng góp phần vào thành công của Liam trong một vài bộ phim trước đó.

"Phần cứng" ổn

Là diễn viên gạo cội tại Hollywood trong suốt ba thập niên qua và mới chỉ một lần nhận đề cử Oscar cho vai diễn Schindler trong phim Schindler's List của Steven Spielberg, nhưng tầm chục năm qua tài tử người Ireland Liam Neeson nổi lên như một diễn viên hành động sau bộ phim hành động ăn khách Taken (2008), và sau thành công đó ông tiếp tục tròn vai trong hai phần tiếp theo của Taken và loạt phim hành động có cùng 'style' Unknown (2011), The Grey (2011), A Walk Among the Tombstones (2014), Non-Stop (2014) và Run All Night (2015), những bộ phim hành động hạng B ăn khách.

Trong khi đó, đạo diễn người Tây Ban Nha Jaume Collet-Serra không trực tiếp tham gia nhiều phim nhưng những bộ phim dưới bàn tay đạo diễn của ông hầu hết đều được đánh giá tích cực. Trong đó có thể kể tới những tác phẩm kinh dị như Orphan (2009) hay The Shallows (2016) và đặc biệt là loạt phim có sự góp mặt của chính Liam Neeson như Unknown, Non-Stop, Run All Night...

Liam Neeson

Lần này, Jaume có dịp tái hợp với Liam Neeson trong The Commuter - mà Liam tuyên bố đây sẽ là bộ phim hành động cuối cùng trong sự nghiệp diễn xuất của ông, nên người xem cũng rất kỳ vọng bộ phim sẽ để lại ấn tượng đẹp về vai diễn của nam tài tử này.

Điều thú vị là trong The Commuter, khán giả cũng sẽ có dịp gặp lại cặp vợ chồng "bắt ma" Vera Farmiga và Patrick Wilson, hai diễn viên nổi tiếng trong các series phim kinh dị The ConjuringInsidious. Ngoài ra, Vera Farmiga cũng từng quen thuộc với khán giả trong Orphan của chính đạo diễn Jaume Clollet-Serra và trong Source Code. Trong lần góp mặt chung này ở The Commuter, hai vợ chồng sẽ không còn là những "ông đồng, bà đồng" nữa, họ sẽ vào vai người phụ nữ bí ẩn Joanna và anh cảnh sát mới lên lon Alex Murphy.

"Phần mềm" khá lỏng lẻo

Dàn diễn viên và đạo diễn khá ổn là vậy, nên yếu tố còn lại nằm ở "phần mềm" là kịch bản và diễn xuất của các diễn viên. Có thể nói kịch bản của The Commuter khá đơn giản vì hầu hết câu chuyện trong phim đều diễn ra ở bối cảnh trên tàu và trong các lời thoại. Kịch bản của The Commuter do Byron Willinger và Philip de Blasi - hai nhà biên kịch khá "vô danh" đảm nhận và có thể nói với những gì thể hiện trên màn ảnh là không tồi nhưng có thể nói là chưa đủ tầm, chưa xử lý hết những hạt sạn về logic trong kịch bản.

Câu chuyện trong phim kể về Michael MacCauley (Liam Neeson) - một nhân viên bán bảo hiểm sau khi rời khỏi ngành cảnh sát. Hằng ngày, anh đều cần mẫn bắt xe lửa tới chỗ làm để chăm chỉ hoàn thành công việc và vun vén nuôi vợ con. Cho tới một ngày công việc bán bảo hiểm 10 năm nay của anh đột ngột bị gián đoạn khi anh bị cho thôi việc với lý do "anh rất tốt nhưng chúng tôi rất tiếc"! Michael chả biết nói gì ngoài việc nhếch mép mỉm cười rồi thất thểu đi về, ở độ tuổi 60 và phía sau lưng anh là căn nhà đang bị thế chấp cùng đứa con đang cần tiền để đóng học phí nhập học đại học...

Người phụ nữ bí ẩn Joanna trong phim

Sau khi ngồi uống vài chai bia và gặp lại cậu bạn cũ Alex Murphy (Partrik Wilson), anh bần thần lên tàu để về nhà theo bản năng sau một ngày đáng quên... Nhưng như người ta thường nói, "điều tệ nhất thường xảy ra vào thời điểm tệ nhất". Trên tàu, Michael có cuộc gặp ngắn ngủi với một người phụ nữ lạ tự xưng là Joanna và cuộc trò chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt với người phụ nữ này đã dẫn dắt anh tham gia vào một trò chơi nguy hiểm: Tìm một người vô danh trên tàu dưới cái tên giả và phần thưởng cho anh là 100.000 USD, trong đó Joanna đã "ứng trước" 25.000 USD bỏ sẵn ngay trên tàu.

Liệu bạn có sẵn sàng tham gia trò chơi tìm người để lấy thưởng trong khi chưa hề biết mục đích của trò chơi này? Nhất là trong bối cảnh vợ con bạn đang cần một số tiền lớn và bạn vừa thất nghiệp như nhân vật Michael MacCauley, chưa kể Michael còn bị khống chế bằng chính tính mạng của vợ con anh. Nhưng để tìm được một người hành khách bí ẩn do Joanna chỉ định giữa đám hành khách đông đúc trên chuyến xe lửa này quả là một sứ mệnh không đơn giản, Michael buộc phải vận dụng hết mọi kỹ năng của một cựu điệp vụ và bản năng sinh tồn để vừa giải đố vừa giải cứu gia đình và chính đám hành khách trên chuyến tàu định mệnh này.

Màn rượt đuổi cuối cùng của Liam Nesson

Kịch bản loại trừ và khoanh vùng đối tượng dần dần trong The Commuter ít nhiều có nét giống với bộ phim Murder on The Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông) vừa ra mắt cách đây không lâu, nhưng nhờ có nhạc phim tốt cùng diễn xuất ổn của dàn diễn viên trong phim và đặc biệt là Liam đã khiến The Commuter ít nhiều có sự lôi cuốn hơn Murder on The Orient Express.

Liam Neeson vẫn gãy gọn, ít dư thừa trong các pha hành động, trong khi Partrik Wilsson chưa thực sự lột xác với vai diễn trong phim - vai diễn đòi hỏi anh có nhiều sự biến đổi trong các phân cảnh, còn vai "người phụ nữ bí ẩn" của Vera Farmiga có quá ít đất diễn nên không thể hiện được nhiều. Cụ thể, Liam Neeson tiếp tục giữ được phong độ trong các pha hành động không gian hẹp trên tàu, dù ngoài đời diễn viên này đã bước sang tuổi 65, một độ tuổi không còn là ưu tiên cho các vai diễn đòi hỏi nhiều mồ hôi như thế.

Bối cảnh chính trong phim diễn ra ở trên tàu

Một số người cho rằng các phim gần đây của Liam quá giống nhau, đều mang âm hưởng của series Taken (2008, 2012, 2014), nhất là Unknown (2011) và Non-Stop (2014), đó là kiểu kịch bản "một mình chấp hết thiên hạ", với các pha hành động giải cứu đơn độc, thiếu thực tế. Tuy nhiên, kịch bản hơi thiếu thực tế nhưng những pha hành động cận chiến gãy gọn của Liam Neeson và sự lầm lỳ của anh lại là chất xúc tác để mang lại thành công vượt qua tầm của những bộ phim hành động giải trí hạng B này. Trong The Commuter, không có nhiều pha hành động "đặc sản" của Liam nhưng các pha hành động trong phim đều được thể hiện chỉn chu và không quá phô, tiếp tục giữ được "thương hiệu" trong Taken mà anh từng tạo ra dù khán giả đã bắt đầu cảm nhận được sự già nua trên khuôn mặt cũng như ánh mắt của Liam. Vai diễn của Liam vẫn nặng về hành động nhưng được tiết chế ở mức vừa phải để dành chỗ cho phát triển diễn biến tâm lý.

Thử thách với Liam và đoàn làm phim là hầu hết các pha hành động và cảnh phim đều diễn ra trong các khoang tàu chật hẹp, do vậy vai trò của kỹ xảo cũng không quá nhiều và đòi hỏi sự tập trung của diễn xuất. Xuyên suốt phim, khán giả sẽ phải dồn sự theo dõi liên tục từ lúc mở màn tới lúc kết thúc, ít có khoảng trống cho bạn "ngáp dài". Cụ thể, cách thể hiện nhịp sống hằng ngày đều đặn của nhân vật Michael lúc mở đầu phim cho tới lúc anh gặp biến cố và diễn biến trên tàu đều ổn, với sự đóng góp không nhỏ của nhạc sĩ người Tây Ban Nha Roque Banõs cũng như diễn xuất và hình ảnh, bạn sẽ bị cuốn theo nhịp phim và hành trình đi tìm người hành khách bí ẩn của Michael.

Lỗ hổng trong phim nằm ở "tổ chức" thao túng Michael từ đầu tới cuối, những màn thao túng khiến khán giả lẫn Michael luôn bị ám ảnh bởi cảm giác bị theo dõi khắp nơi và khống chế cả gia đình Michael, nhưng càng về sau sự thao túng của "tổ chức" này càng có vẻ bị thu hẹp và từ một thế lực có thể "giết bất cứ ai" hay "có thể giết cả đoàn tàu" lại gần như vô hại ở những cảnh cuối phim khi chỉ dựa vào một nhân vật khá "ăn hại" bước lên tàu. Các nhà biên kịch của bộ phim đã cố gắng tạo ra một "người phụ nữ bí ẩn" rất nguy hiểm, nhưng cho đến cảnh cuối phim vẫn chưa đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho khán giả về nhân vật này.

Các trường đoạn hành động trong phim đều ổn, đúng "chất" Liam Neeson, các cảnh cháy nổ cũng vừa phải và không lạm dụng hiệu ứng nhiều để tập trung vào diễn biến của câu chuyện, nhưng đáng tiếc là đoạn cuối phim (sau khi đã giải quyết được vấn đề) hơi lê thê một cách không cần thiết, có thể lược bỏ hoặc đưa thêm tình tiết bất ngờ mới lồng vào phim thì sẽ trọn vẹn hơn.

Đáng để ra rạp

Trailer chính thức của The Commuter (2018)

Nửa cuối năm vừa qua có quá ít phim hành động thực sự hấp dẫn, chưa kể thể loại hành động hình sự gần như vắng bóng trên màn ảnh rộng. Khán giả đã phải chờ đợi những bộ phim hành động gay cấn quá lâu và The Commuter có thể coi là "bữa tiệc" khai vị đầu năm 2018 mà fan điện ảnh thể loại này đang mong đợi, nhất là những fan của Liam Neeson.

Phim không có cái kết quá bất ngờ khi các nhân vật phản diện dần lộ diện theo diễn biến của mạch phim, cũng không chứa quá nhiều pha hành động nghẹt thở nhưng với những tình tiết hành động đan xen diễn biến liên tục trên tàu với sự thao túng của thế lực phản diện, bạn sẽ không phải thất vọng với The Commuter khi coi đây là một phim hành động giải trí đơn thuần. Thành công lớn nhất của bộ phim không chỉ là giữ được phong độ của Liam Neeson mà còn nằm ở chỗ mạch phim lôi cuốn người xem từ đầu tới cuối, dù không quá xuất sắc.

Phim The Commuter (2018) có tựa Việt là "Hành khách bí ẩn" đã chính thức khởi chiếu trên các rạp toàn quốc từ hôm ngày 19/01/2018. Phim có thời lượng 105 phút và được dán mác C16 (dành cho độ tuổi từ 16 trở lên).

TM

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2384829/danh-gia-phim-the-commuter-2018-man-ruot-duoi-cuoi-cung-cua-liam-neeson