Đánh giá thực trạng phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương

Ngày 8-5, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp Văn phòng Viện KAS (Konrad Adenauer Stiftung – Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo 'Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương của Việt Nam hiện nay', nhằm đánh giá đúng thực trạng việc phân định thẩm quyền và những vướng mắc, hạn chế trong quy định của Luật tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tới dự hội thảo có: TS Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Nội vụ; TS Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; Ngài Peter Girke, đại diện Viện KAS tại Việt Nam; cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và đại diện lãnh đạo ngành nội vụ một số địa phương.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở địa phương luôn là vấn đề quan trọng trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Việc cụ thể hóa quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 tiếp tục khẳng định chính quyền địa phương ở nước ta gồm ba cấp (tỉnh, huyện, xã), có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Thời gian qua,việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN), bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.

Tuy nhiên, gần đây, có khá nhiều thông tin phản ánh về hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chuyện đùn đẩy mọi việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể thấy đó là sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quản lý.

Qua gần ba năm triển khai thực hiện Luật tổ chức Chính quyền địa phương, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải thể chế hóa cho được quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc "phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương”.

Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đúng thực trạng việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay, những vướng mắc, hạn chế trong quy định của Luật tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành, trên cơ sở đó làm căn cứ cho việc đề xuất, kiến nghị nhằm xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo.

Tại hội thảo, các báo cáo viên là các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng chia sẻ và bàn về những vấn đề cơ bản như: Làm rõ một số vấn đề lý luận về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay thông qua hoạt động phân cấp, phân quyền; Vấn đề tự quản của các cấp chính quyền địa phương; Chia sẻ kinh nghiệm một số nước về mô hình phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương; Thực trạng phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay.

Hội thảo cũng đã nghe một số ý kiến đề xuất như: Sửa đổi, hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương, các văn bản pháp luật về phân cấp QLNN giữa các cấp chính quyền địa phương; Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phân định thẩm quyền (phân cấp, ủy quyền) đối với chính quyền địa phương để tăng cường nguồn lực và tạo động lực phát triển mới cho các cấp chính quyền địa phương; Đề xuất cơ chế ủy quyền của các chủ thể có thẩm quyền được quy định Luật tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, góp phần đẩy mạnh việc phân cấp trong công tác QLNN ở các cấp chính quyền địa phương; Đề xuất, kiến nghị cụ thể về mô hình phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương;…

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, các ý kiến quý báu đóng góp tại hội thảo sẽ góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ Nội vụ lựa chọn sửa đổi dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương trong thời gian tới, cũng như đề xuất tham mưu các chủ trương, chính sách cho Chính phủ trong việc tổ chức Chính quyền địa phương bảo đảm bám sát yêu cầu thực tế hiện nay.

NGUYÊN MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40115402-danh-gia-thuc-trang-phan-dinh-tham-quyen-giua-cac-cap-chinh-quyen-dia-phuong.html