Danh hiệu gia đình văn hóa: Tốn ngân sách mua sự phản cảm

Theo ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hóa vì nó không còn giá trị gì nữa, thậm chí có trường hợp rất phản cảm.

Ông Nguyễn Túc, , nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội

Ông Nguyễn Túc, , nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội

Sáng 16/1, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, tiếp tục làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành để nghe giải trình các vấn đề liên quan. Tại đây, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hóa vì “quá hình thức và quá tốn kém lãng phí, phản cảm”.

Danh hiệu rất... phản cảm

- Quan điểm của ông thế nào về đề nghị của ông Nguyễn Mai Bộ?

- Tôi ủng hộ ý kiến này. Danh hiệu gia đình văn hóa ban đầu thì có tác dụng tích cực. Nhưng nó dần trở thành “hòa cả làng”, không có sự bình bầu, xét chọn, đấu tranh. Cha mẹ đánh chửi nhau, con cái thất học, nghiện ngập, thậm chí gia đình có người hút chích, xì ke, ma túy, trộm cắp, lêu lổng… vẫn cứ đón nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Danh hiệu gia đình văn hóa trở thành trò hề, rất phản cảm. Thế là có người từ chối nhận danh hiệu. Họ cho rằng, nhận danh hiệu gia đình văn hóa là sự xúc phạm.

- Nhưng ngay từ đầu, đây đâu phải là danh hiệu phản cảm?

- Tôi còn nhớ tháng 6/2001, khi đó tôi làm việc ở Thường trực Đoàn chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đó là thời điểm bắt đầu thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Danh hiệu gia đình văn hóa ra đời từ đó.

Lúc đầu triển khai, mỗi khu dân cư chỉ có từ 15 - 20% gia đình đạt danh hiệu văn hóa vì xem xét rất khắt khe. Gia đình phải gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải tích cực tham gia phong trào thi đua của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức. Vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, chủ động “Xóa đói giảm nghèo”, năng động làm giàu chính đáng… Số gia đình đáp ứng hết các tiêu chí đó rất thấp, nhà nào được nhận danh hiệu cũng rất tự hào.

- Vì đâu có sự suy giảm nghiêm trọng giá trị của danh hiệu như vậy?

- Tôi có nhiều năm phụ trách mảng này ở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên tôi hiểu rõ. Danh hiệu gia đình văn hóa được trao cho những gia đình kém văn hóa, khiến danh hiệu mất đi giá trị của chính nó. Tình trạng hòa cả làng diễn ra, không có bình bầu, không có đấu tranh phê bình và tự phê bình nữa. Nhà nào cũng là gia đình văn hóa thì không ai có ý kiến gì, “cá mè một lứa” thì ai hơi đâu mà đi đấu tranh. Thế là xuất hiện một, hai, rồi nhiều gia đình, từ chỗ tự hào với chứng nhận gia đình văn hóa, quay ra xin không nhận danh hiệu nữa. Không cần phải phấn đấu gì cả, cuối năm vẫn có bảng gia đình văn hóa treo chễm trệ trong nhà thì buồn cười quá còn gì!

Nên bỏ đi tránh lãng phí, điều tiếng

- Ý ông là với thực trạng này thì nên bỏ việc phong tặng gia đình văn hóa?

- Đúng thế. Tôi rất đồng tình với ý kiến bỏ việc xét chọn, phong tặng gia đình văn hóa. Nó giúp tránh phản cảm, lãng phí, điều tiếng không đáng. Nó cũng tránh làm xấu đi phong trào vốn rất được lòng người. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay đã mang nặng tính hình thức và bệnh thành tích. Nó làm hạn chế ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động ban đầu. Những tập thể và gia đình được tôn vinh đạt chuẩn văn hóa không thật sự tiêu biểu để cộng đồng dân cư học tập, noi theo, ít có tác dụng giáo dục.

- Theo ông nên thay đổi thế nào?

- Để khắc phục tình trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo gắn phong trào này với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nghiên cứu, bổ sung tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng loại hình dân cư (nông thôn, đô thị…).

- Nghĩa là điều chỉnh, lồng ghép phong trào để tạo ra tính thiết thực hơn?

- Thay vì toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thì phải chuyển đổi sang cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ. Điều này đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động triển khai. Đừng duy trì một phong trào mà danh hiệu bị đánh giá quá thấp, không đem lại giá trị tích cực. Cần có những việc làm cụ thể để chấn chỉnh tình trạng giá trị đạo đức bị đảo lộn chứ. Người dân không cần một phong trào xuề xòa, thiếu tính thi đua mà lại tốn kém như hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Ngành văn hóa cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất. Đó là yếu tố đạo đức lâu nay bỏ rơi, giá trị đạo đức bị đảo lộn. Ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế mà phải bằng công cụ quản lý”, ông Nguyễn Mai Bộ nói. Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, bên cạnh ban hành tiêu chí cũng rất cần đưa các tiêu chí vào đời sống gia đình và ứng xử đúng theo tiêu chuẩn thì là trách nhiệm của chúng ta. “Hiện nay khâu tổ chức thực hiện rất yếu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/danh-hieu-gia-dinh-van-hoa-ton-ngan-sach-mua-su-phan-cam-4060021-b.html