Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 1/12

Trong phiên hôm nay, các cổ phiếu được công ty chứng khoán khuyến nghị giao dịch gồm: MWG và GAS.

Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 1/12 gồm: MWG và GAS. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Danh mục cổ phiếu cần quan tâm hôm nay 1/12 gồm: MWG và GAS. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Công ty Chứng khoán SSI đưa ra khuyến nghị trung lập đối với MWG, khi cho rằng kết quả kinh doanh không khả quan trong quý 4 năm 2022, tâm lý thị trường tiêu cực và sự lo ngại về việc tăng lãi suất và VND mất giá sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu MWG trong các quý tới.

Trong cuộc họp với chuyên viên phân tích gần đây, ban lãnh đạo MWG đã chỉ ra rằng kết quả kinh doanh trong quý 4 năm 2022 sẽ bị ảnh hưởng bởi mức tiêu thụ cho các mặt hàng không thiết yếu giảm đi, lãi suất tăng và lỗ tỷ giá.

Trong tháng 10 năm 2022, tổng doanh thu có thể đạt 10,9 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu mảng ICT & CE giảm 18% so với cùng kỳ xuống 8,3 nghìn tỷ đồng, doanh thu mảng BHX tăng 22% so với cùng kỳ lên 2,37 nghìn tỷ đồng. Ban lãnh đạo dự kiến lợi nhuận ròng năm 2022 sẽ giảm 10% so với cùng kỳ, tương đương với mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý 4 năm 2022 giảm 40% so với cùng kỳ.

Đối với năm 2023, công ty dự kiến lợi nhuận của mảng ICT & CE chỉ cải thiện từ nửa cuối năm. Trong khi đó, khả năng sinh lời của mảng BHX đang được cải thiện và mảng này đã ghi nhận EBITDA dương trong tháng 10. Việc huy động vốn cho BHX vẫn đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1 năm 2023. SSI điều chỉnh giảm lần lượt 15% và 19% đối với ước tính LNST năm 2022 và 2023, xuống 4,37 nghìn tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ) và 4,74 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4 so với cùng kỳ.

Mặc dù lợi nhuận của mảng ICT & CE có thể giảm trong năm 2023, nhưng sự cải thiện về khả năng sinh lời của mảng BHX, và việc không phát sinh chi phí tái cấu trúc ghi nhận một lần sẽ giúp MWG đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng dương vào năm 2023.

Mảng ICT & CE của MWG phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng không thiết yếu, do đó rất nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh mặc dù ban lãnh đạo đã nỗ lực cắt giảm chi phí và duy trì vị thế dòng tiền lành mạnh. Do đó, SSI khuyến nghị các nhà đầu tư xem xét lại cổ phiếu khi giá cổ phiếu ở mức định giá hấp dẫn hơn.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mua đối với cổ phiếu GAS. Giá mục tiêu là 134.000 đồng/cổ phiếu với tổng mức sinh lời là 21,6% so với giá tại ngày 30/11/2022, dựa trên định giá FCFF và P/E, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh.

Theo dự phóng của KBSV, doanh thu dự phóng quý IV/2022 của GASđạt 22.356 tỷ đồng (tăng 10,8% so với cùng kỳ). Doanh thu kỳ vọng vẫn tăng trường tích cực so với cùng kỳ 2021 nhờ sản lượng và giá đầu ra neo cao theo giá dầu. Biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 19% do giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ đầu quý IV/2022.

Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 2.988 tỷ đồng (tăng 47,3% so với cùng kỳ). Tổng hợp dự phóng kết quả kinh doanh năm 2022 của GAS đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 101 nghìn tỷ đồng (tăng 28%) và 14,7 nghìn tỷ (tăng 66%).

KBSV ước tính doanh thu năm 2023 của GAS đạt 106 nghìn tỷ đồng (tăng 5%), lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 14.174 tỷ đồng (giảm 3,7%).

Theo kịch bản giả định của KBSV, sản lượng khí khô năm 2023 đạt 8.920 triệu m3 (tăng 16,1% so với cùng kỳ). Nhiệt điện khí LNG sẽ được ưu tiên phát triển trong tương lai. GAS sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này khi đang là nhà đầu tư tiên phong khi sở hữu 9/14 kho LNG sẽ được xây dựng và khai thác trong giai đoạn tới.

Dự án LNG đầu tiên của GAS – kho LNG Thị Vải sẵn sàng chạy thử trong cuối năm 2022 và chính thức đi vào hoạt động trong năm 2023. Công suất giai đoạn 1 của kho LNG Thị Vải là 1 triệu tấn/năm, sau đó có thể mở rộng lên 3 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2024-2025. Bên cạnh đó, dự án Lô B – Ô Môn mà GAS là nhà đầu tư chính, kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Trước đó, quý III/2022, GAS tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 24.329 tỷ đồng (tăng 31,2% so với cùng kỳ) và 3.029 tỷ đồng (tăng 25,4% so với cùng kỳ).

Sản lượng khí ẩm của GAS phục hồi so với cùng kỳ 2021, đạt 1.8 tỷ m3 (tăng 13,6% so với cùng kỳ) và sản lượng LPG đạt 547 nghìn tấn (tăng 75,5% so với cùng kỳ). Theo các tổ chức khí tượng quốc tế, xác xuất thời tiết bước vào pha trung tính sẽ tăng lên ngưỡng 50% từ giai đoạn tháng 2-4, đồng nghĩa với việc lượng nước về hồ cho các nhà máy thủy điện sẽ giảm bớt so với giai đoạn 2021 – 2022.

Sản lượng điện ở các thủy điện giảm đi, nhiệt điện than gặp khó thì điện khí sẽ được ưu tiên huy động. Khách hàng nhà máy điện khí vốn là khách hàng chính của GAS nên nhu cầu khí khô trong năm 2023 kỳ vọng sẽ phục hồi./.

BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/danh-muc-co-phieu-can-quan-tam-hom-nay-1-12/270396.html