Danh sách 19 'ông lớn' Nhà nước bị giám sát tài chính

Theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ giám sát tài chính đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là một trong số những cái tên được CMSC giám sát tài chính. Ảnh minh họa.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vừa phê duyệt kế hoạch giám sát tài chính năm 2019 đối với 19 tập đoàn, tổng công ty do cơ quan này làm diện chủ sở hữu.

Theo "siêu ủy ban" CMSC, mục tiêu của kế hoạch này là nhằm đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (DN), kịp thời giúp DN khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của DN trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.

Đặc biệt, CMSC kỳ vọng có thể phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước.

Kế hoạch này được áp dụng đối với việc đánh giá tình hình tài chính 6 tháng năm 2019 và năm 2019 của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

SCIC cho biết 19 doanh nghiệp này bao gồm: VNPT, Mobifone, PVN, EVN, TKV, Vietnam Airline, ACV, VNR, VEC, Vinalines, Vinachem, Vinataba, VRG, Vinacafe, Vinafor, Vinafood 1, Vinafood 2, SCIC và Petrolimex.

"Siêu ủy ban" CMSC quản lý tổng số vốn Nhà nước trị giá hơn 1 triệu tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Về các nội dung giám sát cụ thể, CMSC sẽ thực hiện giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn; hoạt động đầu tư vốn đối với các dự án đầu tư, bao gồm: nguồn vốn huy động, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân.

Cùng với đó, CMSC sẽ giám sát hoạt động đầu tư vốn ra ngoài DN; tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu; tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ, khả năng thanh toán nợ của DN, hệ thống nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; giám sát tình hình lưu chuyển tiền tệ.

"Siêu ủy ban" cũng tiến hành giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, gồm: Giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; giám sát kết quả hoạt động kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, ROE, ROA); giám sát việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; giám sát việc phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

Ngoài ra, còn một số hoạt động giám sát, bao gồm: Giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại DN; việc ban hành và thực hiện các quy chế quản lý tài chính; giám sát việc cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại DN, cơ cấu lại vốn của DN đầu tư tại công ty con, công ty liên kết; giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của DN.

Đôi nét về "Siêu ủy ban" CMSC

Ngày 30/9/2018, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) chính thức được ra mắt, tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty có tổng nguồn vốn chủ sở hữu trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc thành lập CMSC là "con đường" nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước, từ đó cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mới đây, Phó chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng cho biết: Hiện đã hoàn tất việc tiếp nhận bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước từ 5 Bộ, nhưng việc tiếp nhận từ địa phương còn chậm. Theo quyết định của Thủ tướng, có 62 DN các Bộ và địa phương phải chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) nhưng mới có 29 DN được chuyển giao.

Hoàng Nam

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/danh-sach-19-ong-lon-nha-nuoc-bi-giam-sat-tai-chinh-78473.html