Danh sách các trận mưa sao băng năm 2019

Nếu bạn yêu thích các hiện tượng thiên văn thì có thể ghi nhớ ngày giờ cụ thể của 11 trận mưa sao băng 2019 dưới đây nhé. Đây là những trận mưa sao băng thường niên nên bạn có cơ hội chiêm ngưỡng rất cao.

Danh sách các trận mưa sao băng năm 2019

Danh sách các trận mưa sao băng năm 2019

1. Ngày 03, 04 tháng 01: Mưa sao băng Thước Phần Tư (Quadrantid)

Mưa sao băng Thước Phần Tư (Quadrantid) là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, với khoảng 40 sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này được cho là bắt nguồn từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi đã “tuyệt chủng” 2003 EH1, được phát hiện năm 2003.

Các sao băng Thước Phần Tư thường xuất hiện từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 01 hằng năm. Cực điểm năm nay của Thước Phần Tư rơi vào đêm ngày 03, rạng sáng ngày 04 tháng 01.

Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng, khiến cho đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời của cả năm.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Các sao băng sẽ bắt nguồn từ chòm sao Bootes, nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời.

2. Ngày 22, 23 tháng 4: Mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrid)

Mưa sao băng Thiên Cầm (Lyrid) là một trận mưa sao băng trung bình, với tần suất khoảng 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng hình thành từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được phát hiện năm 1861.

Các sao băng Thiên Cầm thường xuất hiện hằng năm từ 16 - 25 tháng 4. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm 22, rạng sáng 23 tháng 4.

Các sao băng Thiên Cầm đôi khi có những ngôi rất sáng với vệt đuôi dài xuất hiện trong vài giây. Trăng khuyết cuối tháng sẽ chặn mất nhiều sao băng mờ, nhưng nếu có đủ kiên nhẫn, bạn vẫn có thể nhìn thấy được một vài sao băng sáng nhất.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

3. Ngày 06, 07 tháng 5: Mưa sao băng Bảo Bình η (Eta Aquarid)

Mưa sao băng Bảo Bình η (Eta Aquarid) là một trận mưa sao băng trên trung bình, với khoảng 60 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Phần lớn sao băng được nhìn thấy ở bán cầu Nam. Tại bán cầu Bắc, tần suất chỉ ở khoảng 30 sao băng một giờ. Trận mưa sao băng này được cho là xuất phát từ tàn dư bụi để lại của sao chổi Halley, được phát hiện và quan sát từ thời cổ đại.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 28 tháng 5. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07 tháng 5.

Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng, khiến cho đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời của cả năm.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

4. Ngày 28, 29 tháng 7: Mưa sao băng Bảo Bình δ (Delta Aquarid)

Bảo Bình δ (Delta Aquarid) là một trận mưa sao băng trung bình, với khoảng 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Trận mưa sao băng này được cho là xuất phát từ tàn dư bụi để lại của sao chổi Marsden và Kracht.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 12 tháng 7 đến ngày 23 tháng 8. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29 tháng 7.

Mặt Trăng lưỡi liềm cuối tháng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng, khiến cho đây sẽ là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời của cả năm.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

5. Ngày 12, 13 tháng 8: Mưa sao băng Anh Tiên (Perseid)

Mưa sao băng Anh Tiên (Perseid) là một trong những trận mưa sao băng đáng để chờ đợi, với tần suất lên đến 60 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Anh Tiên có nguồn gốc từ tàn dư sao chổi Swift-Tutle, được phát hiện năm 1862. Anh Tiên nổi tiếng vì có nhiều sao băng sáng trên bầu trời.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 24 tháng 8. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 12 rạng sáng ngày 13 tháng 08.

Trăng lưỡi liềm mỏng đầu tháng sẽ lặn sớm trong đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho một buổi quan sát mưa sao băng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Perseus (Anh Tiên), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

6. Ngày 08 tháng 10: Mưa sao băng Thiên Long (Draconid)

Mưa sao băng Thiên Long (Draconid) là một trận mưa sao băng nhỏ với tần suất chỉ 10 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Thiên Long có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi 21P Giacobini-Zinner, được phát hiện năm 1900. Thiên Long là một trận mưa sao băng bất thường khi mà thời gian quan sát tốt nhất là vào đầu buổi tối thay vì vào buổi rạng sáng như những trận mưa sao băng khác.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 10 và cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 08 tháng 10.

Mặt Trăng thượng huyền sẽ lặn sớm sau nửa đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho việc quan sát mưa sao băng.

Thời gian quan sát tốt nhất là đầu buổi tối tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Draco (Thiên Long), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

7. Ngày 21, 22 tháng 10: Mưa sao băng Lạp Hộ (Orionid)

Mưa sao băng Lạp Hộ (Orionid) là một trận mưa sao băng trung bình với tần suất 20 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Lạp Hộ có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi Halley, được phát hiện từ thời cổ đại.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 02 tháng 10 đến ngày 07 tháng 11. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 21 rạng sáng ngày 22.

Mặt Trăng hạ huyền sẽ chặn mất một vài sao băng mờ. Nhưng Lạp Hộ là một trận mưa sao băng với nhiều sao băng sáng, do đó đây vẫn có thể là một bữa tiệc sao băng tốt.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Orion (Lạp Hộ, Thợ Săn), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

8. Ngày 05, 06 tháng 11: Mưa sao băng Kim Ngưu (Taurid)

Mưa sao băng Kim Ngưu (Taurid) là một trận mưa sao băng nhỏ kéo dài với tần suất chỉ khoảng 5 - 10 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Thường thì trận mưa sao băng này chia làm hai phần riêng biệt. Phần đầu là tàn dư bụi của tiểu hành tinh 2004 TG10. Phần thứ hai bắt nguồn từ các mảnh vụn để lại của sao chổi 2P Encke.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 07 tháng 9 đến ngày 10 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 05 rạng sáng ngày 06 tháng 11.

Trăng thượng huyền sẽ lặn sớm sau nửa đêm để lại bầu trời tối thuận lợi cho một buổi quan sát mưa sao băng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Taurus (Kim Ngưu), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

9. Ngày 17, 18 tháng 11: Mưa sao băng Sư Tử (Leonid)

Mưa sao băng Sư Tử (Leonid) là một trận mưa sao băng trung bình với tần suất 15 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Sư Tử đặc biệt bởi vì chu kỳ cao điểm của nó lặp lại sau mỗi 33 năm khi mà bầu trời xuất hiện đến hàng trăm sao băng mỗi giờ. Lần cao điểm gần nhất đã diễn ra năm 2001. Các sao băng Sư Tử có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi Tempel-Tuttle, được phát hiện năm 1865.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 06 đến ngày 30 tháng 11. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18.

Mặt Trăng hạ huyền sẽ chặn mất các sao băng mờ, nhưng nếu thực sự kiên nhẫn, bạn vẫn có thể nhìn thấy được một vài sao băng sáng nhất.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Leo (Sư Tử), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

10. Ngày 13, 14 tháng 12: Mưa sao băng Song Tử (Geminid)

Mưa sao băng Song Tử (Geminid) là vua của các trận mưa sao băng! Nhiều người cho rằng nó là trận mưa sao băng tốt nhất trên bầu trời, với tần suất lên đến 120 sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Song Tử có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 07 đến ngày 17 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14.

Thật không may, Mặt Trăng gần tròn sẽ chặn mất nhiều sao băng năm nay. Nhưng các sao băng Song Tử rất sáng và nhiều, nếu thực sự kiên nhẫn, bạn có thể có khả năng thấy được một vài sao băng sáng.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

11. Ngày 21, 22 tháng 12: Mưa sao băng Tiểu Hùng (Ursid)

Mưa sao băng Tiểu Hùng (Ursid) là một trận mưa sao băng nhỏ với tần suất chỉ khoảng 5 - 10 sao băng một giờ tại cực đỉnh. Các sao băng Tiểu Hùng có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi sao chổi Tutle, được phát hiện năm 1790.

Trận mưa sao băng diễn ra hằng năm từ ngày 17 đến ngày 25 tháng 12. Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 21 rạng sáng ngày 22.

Mặt Trăng lưỡi liềm cuối tháng sẽ không gây ảnh hưởng đến việc quan sát mưa sao băng. Bầu trời vẫn đủ tối mang lại một buổi quan sát mưa sao băng tốt..

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng. Sao băng xuất hiện từ phía chòm sao Ursa Minor (Gấu Nhỏ), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Theo vatlythienvan.com

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/danh-sach-cac-tran-mua-sao-bang-nam-2019-post306038.info