Danh thắng Ngũ Hành Sơn - Tuyệt tác cảnh quan thiên nhiên 'sơn kỳ thủy tú'

Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (Danh thắng) thuộc P. Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), trải dài trên phần diện tích khoảng gần 2km2, bao gồm 6 ngọn núi đá vôi, được vua Minh Mạng đặt tên theo thuyết âm dương ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Các ngọn núi mang trong mình những câu chuyện, những đặc điểm về cấu tạo địa chất, hình dáng cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử, phong thủy riêng biệt. Danh thắng là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng.

Vẻ đẹp huyền bí tại khu di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Vẻ đẹp huyền bí tại khu di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Hội tụ cảnh quan với vẻ đẹp hiếm có

Ngũ Hành Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời, vốn là một trung tâm cư trú, trung tâm giao thương, trung tâm tín ngưỡng của người Chăm trong lịch sử. Sau khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành một Trung tâm Phật giáo quan trọng của xứ Đàng Trong, với hệ thống chùa chiền, miếu mạo dày đặc, và hầu như ở ngọn núi nào, hang động nào cũng dựng chùa, đặt am, miếu thờ Phật, thờ thánh thần, thờ biểu tượng tâm linh của người Việt lẫn người Chăm. Trong đó có nhiều danh lam cổ tự được xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, Ngũ Hành Sơn là địa chỉ đỏ tự hào của quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và là địa chỉ “đen” kinh hoàng đối với quân xâm lược. Danh thắng chứa đựng trong mình một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ với nhiều giá trị đặc biệt, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo và tính duy nhất không thể thay thế, gồm: các công trình, biểu tượng tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, người Hoa và cả người Chăm bản địa; các hoành phi, liễn đối, bia ký, cổ vật khắc chữ ngự ban của vua chúa nhà Nguyễn; các di chỉ khảo cổ học; các lễ hội, tập tục và nghề thủ công truyền thống...

Ngày nay, Danh thắng không chỉ đơn thuần tồn tại dưới góc độ di sản văn hóa mà còn là động lực, nguồn lực rất lớn cho kinh tế địa phương… Năm 1980, danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích danh thắng cấp Quốc gia. Từ đó đến nay, UBND TP Đà Nẵng, UBND Q. Ngũ Hành Sơn đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đối với di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Phát huy bền vững các giá trị của danh thắng

Theo ông Nguyễn Văn Hiền–Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, về cơ bản đến nay Danh thắng đã có nhiều thay đổi tích cực như: động Huyền Vi được nâng cấp; bến Ngự-nơi vua Minh Mạng cập thuyền ngày trước ở chân ngọn Kim Sơn được phục chế; các bia ma nhai được quan tâm gìn giữ; vườn Lộc Uyển trên chùa Linh Ứng được cải tạo; đường lên đỉnh Thượng Thai được khai thông… Ngày nay, Ngũ Hành Sơn trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng, là điểm tham quan nổi tiếng đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2018, Danh thắng đã đón hơn 2 triệu lượt khách, thu ngân sách gần 84 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái). Ông Hiền cho rằng: “Bây giờ Danh thắng được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt thì chúng tôi càng nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo tồn theo đúng Luật Di sản và tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả di tích. Chúng tôi không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được mà xem đó là động lực để phấn đấu, hoàn thiện hơn trong tương lai…”.

Sở Văn hóa–Thể thao cho biết, thời gian đến, ngành VH-TT sẽ phối hợp với UBND Q. Ngũ Hành Sơn và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND TP triển khai lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích gắn với phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, các đơn vị hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, tham mưu xây dựng các quy định, quy chế, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng. Cũng như, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức kiểm tra, giám sát, giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật, và cảnh quan môi trường. Xây dựng phương án khai thác du lịch - văn hóa kết nối điểm di tích đặc biệt quan trọng này với các di tích, danh lam thắng cảnh khác của TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, để di tích trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng địa phương cũng như du khách để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của Danh thắng.

LÊ HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_201335_danh-thang-ngu-hanh-son-tuyet-tac-canh-quan-thie.aspx