Đánh thức khát vọng hoàn lương...

Phạm nhân Đỗ Văn Khiêm cho biết, cuộc thi 'Phạm nhân viết cảm nhận về sách' đã khơi gợi cho anh ta niềm đam mê đọc sách. Và hàng chục bài thơ về cuộc sống, lao động ở trại giam đã được Khiêm sáng tác từ nguồn cảm hứng ấy. Trong số này, có bài thơ được phổ nhạc, được các phạm nhân yêu thích.

Hai số phận một niềm đam mê

Gương mặt sáng bừng và chưa hết xúc động, Đỗ Văn Khiêm, SN 1987 ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) hào hứng khoe về những “chiến tích” của mình. Đó là gần 100 bài thơ được Khiêm sáng tác; là hai bài viết trên báo tường của phân trại, chuẩn bị cho cuộc thi tranh giải giữa các phân trại… Và trong cuộc thi, Khiêm lại có vinh dự được lên thuyết trình về bài viết của mình khi tham gia cuộc thi “viết cảm nhận về sách” do Tổng cục 8 (trước đây) phát động tới toàn thể các phạm nhân trong các trại giam.

“Văn hóa của em chỉ mới lớp 9, đang học thì bỏ ngang. Thế nên chuyện sách vở với em như một điều gì đó thật xa vời, huyễn hoặc. Đã rất lâu rồi em không động tới cuốn sách nào cả. Nhưng từ khi cuộc thi được phát động, những phổ biến về thể lệ cuộc thi cùng sự động viên, khuyến khích của cán bộ đã khiến em thay đổi. Giờ thì em mê đọc sách và thấy thích làm thơ nữa”, phạm nhân Đỗ Văn Khiêm tâm sự.

Khiêm là phạm nhân duy nhất ở phân trại số 1 có 2 bài dự thi nằm trong tổng số 25 bài thi lọt vào vòng chung kết. Anh ta hy vọng những cảm nhận của mình được nói ra trong bài dự thi sẽ là thông điệp gửi gắm tâm tư, tình cảm và cả những trăn trở của một con người lầm lỗi đang có quyết tâm hướng thiện.

Không học vấn dở dang như Khiêm, phạm nhân Nguyễn Huy Long, SN 1988 ở Thanh Xuân, Hà Nội lại là một người có trình độ, thông minh và rất am hiểu và sử dụng thành thạo các thiệt bị công nghệ thông tin. Cũng vì quá rành rẽ công nghệ số mà Long đã sử dụng ngay những kiến thức đã học được để giả danh là cán bộ CA, thậm chí còn giả danh con trai của một thứ trưởng CA để lừa tiền người nhẹ dạ cả tin thông qua hình thức chạy việc. Bị bắt về tội danh lừa đảo với mức án phạt 17 năm, Long về trại giam Tân Lập cải tạo từ đầu năm 2017. Mặc dù khoác áo phạm nhân nhưng vì vốn có niềm đam mê đọc sách từ nhỏ nên những ngày rảnh rỗi, ngày nghỉ cuối tuần, Long lại lên thư viện tìm những cuốn sách hay để đọc.

Tham gia cuộc thi, Long viết: “Tôi rất mê đọc sách như cuốn “Thư gửi lời xin lỗi” là cuốn sách lần đầu tiên tôi cầm đọc. Đó là tuyển tập những lá thư của phạm nhân, học viên trong các trại giam, trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục,… Họ là những con người lầm lỡ đang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật do hành vi của mình gây ra… Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi thấy như hòa mình vào dòng cảm xúc của các tác giả. Ai có thể ngờ trong tâm tưởng của những con người một thời được gọi là kẻ thủ ác ấy lại sâu sắc và chân thành đến vậy. Qua những lá thư mà tôi đọc được, diễn biến nội tâm của họ được phác họa một cách rõ nét và vô cùng chân thực…”.

“Đọc cuốn sách “thư gửi lời xin lỗi”, tôi nhận ra được chân lý của cuộc đời từ sự sám hối thành tâm của những con người từng một thời lầm lỗi. Tôi hiểu được rằng tôi chỉ có thể thay đổi khi tôi dám nhìn thẳng vào những lầm lỗi của bản thân, đối mặt với sự thật để phấn đấu vươn lên trên con đường tìm về nẻo thiện”, Long viết.

Các phạm nhân trong phân trại số 2, trại giam Tân Lập trong 1 tiểu cảnh về cuộc thi.

Cuộc thi của toàn phạm nhân

Khiêm và Long chỉ là hai trong số 25 phạm nhân có bài viết lọt vào vòng chung khảo cuộc thi phát động Ngày hội đọc sách và cuộc thi viết cảm nhận về sách cho phạm nhân được tổ chức ngày 29-8 ở trại giam Tân Lập. Đây là cuộc thi do Tổng cục 8 phát động, nằm trong chương trình công tác giáo dục phạm nhân năm 2018 và trại giam Tân Lập là đơn vị đầu tiên tổ chức vòng chung khảo sau 4 tháng phát động cuộc thi.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Khắc Chính, Giám thị trại giam Tân Lập cho biết, đây là cuộc thi do Tổng cục 8 (Bộ Công an) phát động mà thành phần tham gia là dành cho tất cả các phạm nhân đang cải tạo, chấp hành án phạt tù ở các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục trên toàn quốc. “Ngay sau khi Tổng cục lấy ngày 21-4 là Ngày sách Việt Nam chọn để phát động cuộc thi, chúng tôi lên kế hoạch triển khai đến các phân trại.

Theo đó, các phạm nhân của trại giam Tân Lập đều được nghe phổ biến thể lệ cuộc thi để khuyến khích mọi người cùng tham gia. Sách, báo, truyện được luân chuyển về các buồng giam để mọi phạm nhân đều có thể tiếp cận, từ đó tạo cảm hứng tham gia dự thi. Những bài viết hay, biểu cảm sẽ được Ban tổ chức lựa chọn để thi tranh giải giữa các phân trại sau đó là tham gia dự thi vòng sơ khảo, chung khảo nên tạo được khí thế thi đua trong toàn trại”.

Theo người đứng đầu trại giam Tân Lập, chỉ sau 4 tháng phát động cuộc thi, đã có hơn ngàn bài viết của các phạm nhân tham gia dự thi. Trong số này, Ban tổ chức lựa chọn được 25 bài viết súc tích, thiết thực và hay nhất để tham gia vòng chung khảo. “Phạm nhân lọt vào vòng chung khảo phải tự diễn thuyết về bài viết của mình hoặc chuyển thể thành hoạt cảnh được biểu diễn trên sân khấu, thành hành động cụ thể. Cảm nhận của họ về một cuốn sách nào đó, có thể được trình bày dưới dạng một bài viết, cũng có thể là một bài thơ, một dạng kịch nói, hò vè,… rất đa dạng, phong phú và chứng tỏ đó là tác phẩm do chính phạm nhân tạo nên”, Giám thị trại giam Nguyễn Khắc Chính cho biết.

Đánh giá về cuộc thi, Đại tá Nguyễn Khắc Chính cho rằng, cuộc thi không chỉ góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng mà còn giúp phạm nhân thông qua việc đọc sách định hướng tư tưởng, tình cảm, nâng cao hiểu biết về pháp luật, đạo đức, lối sống từ đó khuyến khích họ tích cực học tập , lao động tiến bộ , sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Trung tá Nguyễn Ngọc Thiệp, Phó giám thị trại giam phụ trách mảng giáo dục đồng thời cũng là phó ban chỉ đạo cuộc thi cho biết cuộc thi là một phần của chương trình công tác giáo dục phạm nhân năm 2018 của trại giam Tân Lập, đã tạo được sự hưởng ứng cho toàn thể các phạm nhân ở các phân trại. Cuộc thi không chỉ tạo cảm hứng cho những người tham gia viết mà còn góp phần hình thành, phát triển và duy trì văn hóa đọc trong phạm nhân, giúp họ thấy được giá trị của văn hóa và tác dụng của việc đọc sách, từ đó khuyến khích họ nâng cao đạo đức, lối sống trong môi trường cải tạo.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/danh-thuc-khat-vong-hoan-luong-121399.html