Đánh thức không gian công cộng: Muộn còn hơn không

Thời gian qua, các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè.

Trên nhiều diễn đàn, hội thảo về văn hóa Hà Nội, câu chuyện về vỉa hè hay mở rộng hơn là không gian công cộng của Hà Nội được nhiều nhà quản lý, chuyên gia đô thị, kiến trúc sư, giới nghiên cứu văn hóa đề cập.

Trong thời điểm, sự phát triển còn lồng ghép với nhiều mục đích như đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị bền vững, cùng với đó là nhu cầu thực tiễn của người dân, cần tìm ra câu trả lời cho vấn đề Hà Nội có cần đến những không gian công cộng đủ sức sống; xây dựng khung cảnh TP đẹp đẽ, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.

Bài 1: Dấu ấn ký ức, mai một và xen cấy

Không gian công cộng (KGCC) từ xưa đến nay đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô. Là một trong hai TP lớn nhất của cả nước, Hà Nội đã và đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, hạ tầng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, trong khi KGCC ở Hà Nội chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn, nhiều KGCC truyền thống đang dần biến mất để nhường chỗ cho các dự án kinh tế, xã hội.

Không gian công cộng Hà Nội xưa và nay

Theo các kiến trúc sư (KTS), khái niệm về KGCC có thể được định nghĩa là một không gian mở, nơi tất cả mọi người có thể tiếp cận dễ dàng một cách miễn phí. KGCC không thuộc riêng tổ chức, cá nhân nào, dùng để phục vụ chung cho nhu cầu của cộng đồng dân cư.

Giới trẻ trải nghiệm không gian công cộng ở Hà Nội. Ảnh: Minh An

Giới trẻ trải nghiệm không gian công cộng ở Hà Nội. Ảnh: Minh An

Theo KTS Trần Huy Ánh: Nhìn lại lịch sử xa xưa, tại Hà Nội, ở các thôn làng, khoảng đất trống dưới gốc đa, bến nước, sân đình, chùa, ngõ xóm... đều là KGCC.

Mỗi khi tổ chức hội hè, người ta kéo nhau ra những bãi đất trống được dọn sạch, còn lễ trọng thì tổ chức ở đình, hay ở sân nhà mấy người mạnh thường quân giàu có.

Còn ở TP, ngoài các công trình lớn như nhà máy, trường học, chợ búa, rạp hát, bệnh viện thì ngay cả vỉa hè, đường phố liền trước cửa mỗi nhà, khoảng sân rộng giữa hai khối cao tầng tập thể, chung cư cũ cũng là KGCC.

Anh Lê Hữu Phong (tập thể Trung Tự) chia sẻ: Thấm sâu nhất vào mỗi cư dân tập thể là “chỉ giới đường đỏ”, ranh giới có sức nặng ghê gớm, phân định giữa cái riêng và cái chung, không ai dám vượt qua ranh giới ấy.

Trong một tầng của nhà tập thể cũ xây cách đây hàng chục năm cho khoảng 10 hộ chung sống cũng phân định rạch ròi lối đi chung, sân chung, chỗ phơi chung, vòi nước chung, bể nước chung, cái bếp chung và cả nhà vệ sinh dùng chung nữa.

Lùi xa hơn, khi Hà Nội chuyển mình từ thành thị phong kiến sang TP xây dựng theo lối Tây, KGCC là những con đường thênh thang, hàng cây xếp hàng thẳng tắp, vườn hoa, quảng trường.

Trải qua hàng chục năm, KGCC trở thành dấu ấn văn hóa, ký ức khó phai nhạt, mang tính “thương hiệu” mảnh đất ngàn năm văn hiến như Nhà hát lớn, Bưu điện Hà Nội, Hồ Gươm.

Không gian công cộng từ làng ra phố

Thời mở cửa kinh tế thị trường, các dự án đô thị nào trên giấy tờ cũng định ra khu vực KGCC, tô màu khác biệt.

Theo TS Đặng Hoài Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Từ đầu những năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận tầm quan trọng của KGCC trong việc phát triển một TP bền vững và thân thiện với người dân.

Điều này được phản ánh trong nỗ lực tạo ra KGCC mới của Hà Nội. Từ năm 2000 - 2010, TP đã tạo ra hơn 20 quảng trường công cộng (vườn hoa) và công viên.

Ở thế kỷ XX, Thủ đô có trên 200 hồ lớn nhỏ. Hiện nay, dù phần lớn hồ đã bị san lấp để lấy mặt bằng xây dựng, Hà Nội vẫn còn khoảng 100 hồ, phân bổ ở khắp xã phường.

Hệ thống sông, hồ góp phần điều hòa nhiệt độ tự nhiên, giúp vùng nội đô giảm bớt nhiệt độ. Vì thế, Hà Nội có biệt danh “thành phố sông hồ” hay “thành phố trong sông”. Nhiều hồ gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh không thể không kể đến như hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm, hồ Lục Thủy), hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Văn (hồ Giám).

Quá trình đô thị hóa cũng hòa quyện giữa yếu tố làng và đặc điểm đô thị mới đã củng cố “làng trong phố” và cũng tạo ra “phố trong làng”. Sự tồn tại của các công trình cốt lõi như đình, chùa, miếu mạo, cây đa, giếng nước, cổng làng… là biểu hiện tiêu biểu cho các giá trị vật chất KGCC của làng quê.

Những KGCC - thiết chế văn hóa lâu năm đó tiếp tục với nhiệm vụ kết nối và củng cố văn hóa làng xã, tín ngưỡng, quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, từ đó nâng cao hình ảnh, tinh thần “làng trong phố”.

Cùng với đó, Hà Nội có các “tiểu khu” theo cách của nhà văn Bình Ca viết trong cuốn “Quân khu Nam Đồng” như: Trung Tự, Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Xuân.

Với nguyên lý quy hoạch khá rõ rệt, các KGCC, các công trình công cộng như trường học, nhà trẻ, sân chơi, vườn hoa thường được bố trí ở trung tâm khu dân cư hoặc tâm của các nhóm nhà.

Mặc dù chất lượng các không gian này còn nhiều điều đáng bàn, nhưng về lượng và sự phân bố thì các sân chơi, vườn hoa này được quy hoạch khá hợp lý và vẫn phát huy cho đến tận bây giờ.

Ngoài ra khoảng trống giữa các tòa nhà cũng đã phát huy thành những KGCC đa năng và rất quý đối với đời sống cộng đồng người dân.

Hà Nội có thiếu không gian công cộng?

Theo các nghiên cứu, do tác động của đô thị hóa, tỷ lệ KGCC dành cho mỗi người dân Thủ đô có xu hướng giảm.

Trong tham luận gửi tới Hội thảo Khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, TS Đặng Hoài Giang cho biết: Theo thống kê gần đây, diện tích mảng xanh trung bình của Hà Nội rơi vào khoảng 2 - 3m2/người. Ở 5 quận trung tâm lịch, diện tích công viên/vườn hoa chuyển đổi đối với dân số hiện tại là 1,47m2/người.

Với 4 huyện mở rộng, tỷ lệ này tuy có cao hơn nhưng không có khác biệt lớn: 2,96m2/người. Trong bối cảnh như thế, hoàn toàn dễ hiểu khi có đến 79% số người được hỏi cho rằng Hà Nội đang thiếu KGCC (theo một cuộc điều tra của Liên minh vì sự tham gia của người dân vào năm 2020).

Giai đoạn 2010 - 2015, thống kê về ao, hồ trong sáu quận nội đô Hà Nội của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Hà Nội đã san lấp hoàn toàn thêm 17 hồ.

Để giữ gìn “lá phổi xanh”, TP Hà Nội đã bổ sung 7 hồ mới nhưng tổng diện tích mặt nước ao, hồ vẫn giảm 72.540m2 so năm 2010. Bên cạnh đó, hàng chục ngôi làng cũ từng bao quanh Thủ đô đang được hòa nhập vào kết cấu đô thị của TP.

Trong quá trình đó, nhiều ngôi làng trong số này đang chứng kiến sự biến mất của những cổng cổ, ao trung tâm, nhà cổ và các địa danh văn hóa và kiến trúc khác.
KTS Trần Huy Ánh chia sẻ: Trong mỗi khu dân cư đông đúc, tìm ra một chỗ đủ rộng cho người già chơi vài ván cờ không dễ.

Khoảng sân cho lũ trẻ đá cầu, đá bóng hay tập xe đạp thật hiếm. Các bà, các cô tìm nơi ngồi hóng mát, bàn tán đôi ba câu chuyện cũng lấy đâu ra.

Hay là lối sống đã thay đổi, nhu cầu không gian giao tiếp sinh hoạt chung với nhau trong cộng đồng dân cư đã không còn?

Trong bức tranh chung, Hà Nội có một điểm sáng, giải “cơn khát” KGCC của người dân đó là phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm năm 2004.

Sau những lần mở rộng vào năm 2014 và 2016, không gian Phố đi bộ Hồ Gươm đã tạo ra những hiệu ứng đặc biệt cho quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung trên mọi phương diện: Sức hút văn hóa, quảng bá hình ảnh và giá trị kinh tế.

Từ sự thành công của sáng kiến phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai những sáng kiến có tính đột phá khác là dự án phố nghệ thuật Phùng Hưng; con đường nghệ thuật Phúc Tân được cải tạo từ bãi rác bên bở vở sông Hồng.

Các chuyên gia cho rằng, KGCC là một trong những huyết mạch của các đô thị hiện đại trên thế giới.

Bản sắc Hà Nội đã được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa các loại hình KGCC. KGCC không chỉ phản ánh trình độ văn minh của Hà Nội, mà còn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng về kinh tế - văn hóa - xã hội của nó.

Do đó, việc cải thiện, nâng cấp và mở rộng hệ thống KGCC là một trong những nhiệm vụ tiên quyết của Thủ đô trong lộ trình quy hoạch sắp tới.
(Còn nữa)

Quang Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/danh-thuc-khong-gian-cong-cong-muon-con-hon-khong.html