'Đánh thức' kinh tế đêm miền Trung: Bài 1: Kinh tế đêm- 'mỏ vàng' chưa được khai thác

Kinh tế đêm – hoạt động còn nhiều dư địa phát triển sẽ là một trong những hướng đột phá để miền Trung khôi phục du lịch – ngành công nghiệp không khói.

Phát triển kinh tế đêm miền Trung chưa "rút được tiền" của du khách

Khu vực miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với bãi biển đẹp trải dài, gắn với hành trình di sản Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), quần thể di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), danh thắng Ngũ Hành Sơn (thành phố Đà Nẵng), phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam)….

Phố đêm là hoạt động được hầu hết các tỉnh thành miền Trung đều triển khai để khai thác, phát triển kinh tế đêm

Phố đêm là hoạt động được hầu hết các tỉnh thành miền Trung đều triển khai để khai thác, phát triển kinh tế đêm

Để phục vụ phát triển du lịch, ngoài các hoạt động, sản phẩm du lịch ban ngày, các địa phương cũng bước đầu có những hoạt động du lịch về đêm để khuyến khích du khách tiêu tiền.

Trong đó, tiêu biểu là phố đêm, chương trình biểu diễn nhã nhạc cung đình trên du thuyền sông Hương tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và các chương trình về đêm tại phố cổ Hội An như hô hát bài chòi, hình thành phố ẩm thực, chương trình Kí ức Hội An….

Tuy nhiên, điểm rõ nhận thấy nhất tại các tỉnh thành miền Trung đó là các hoạt động về đêm còn lẻ tẻ, manh mún. Hoạt động về đêm chủ yếu mới hình thành được một số phố đi bộ nhỏ, ngắn; dịch vụ đi kèm chủ yếu là ăn uống; các chợ đêm chủ yếu cũng phục vụ ẩm thực, các sản phẩm chưa đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng tại địa phương. Nhìn chung, tiềm năng phát triển kinh tế đêm tại các tỉnh khu vực miền Trung còn "bỏ ngỏ".

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong nhiều năm qua, hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ ban đêm được hình thành trên địa bàn. Bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định trong việc tạo thêm sản phẩm, điểm vui chơi và tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các hoạt động ban đêm mới chỉ ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát riêng lẻ, chưa tạo đủ dấu ấn khác biệt…

Là một đơn vị thường xuyên đưa khách đến miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình, ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết, một “khoảng trống” dễ nhận thấy trong du lịch Quảng Bình đó là thiếu vắng các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, thiếu nơi để du khách có thể “dốc túi” trước khi kết thúc tour du lịch. Ông Hùng cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thời gian lưu trú trung bình tại Quảng Bình của du khách không lớn, mới chỉ vào khoảng 1 – 2 đêm/hành trình.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, các hoạt động kinh tế đêm ở các địa phương vốn đã ít còn ít hơn. Ông Lê Tấn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải & Du lịch Vitraco (Đà Nẵng) cho rằng, hiện các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ về đêm đang gặp khó khăn về nguồn khách hoặc loay hoay trong việc tái khởi động các sản phẩm, dịch vụ.

Các hoạt động kinh tế đêm miền Trung mới chủ yếu tập trung vào ẩm thực, quy mô nhỏ, manh mún và rất thiếu tính liên kết giữa các sản phẩm cũng như giữa các địa phương

Ít độc đáo, trùng lặp giữa các địa phương

Theo đại diện các địa phương khu vực miền Trung, hiện tính liên kết giữa các sản phẩm về đêm tại mỗi địa phương, tính liên kết các sản phẩm du lịch giữa các địa phương, nhất là liên kết sản phẩm du lịch về đêm nói riêng còn rất mờ nhạt, lỏng lẻo.

Qua theo dõi có thể thấy mô hình du lịch đêm của các tỉnh đều na ná giống nhau mà không có sự khác biệt. Điều này khiến các du khách không mặn mà.

Tại tỉnh Quảng Nam, mọi hoạt động du lịch về đêm, nhất là các hoạt động giải trí đêm tại Quảng Nam dường như chưa có các hoạt động sôi nổi, trừ một vài điểm tại vùng lõi của phố cổ Hội An.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, các sản phẩm du lịch tại Hội An phong phú nhưng vẫn chưa đặc sắc, các dịch vụ du lịch về đêm phát triển chưa tương xứng, còn rời rạc, chưa có chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu du lịch đêm của du khách. Ngoài ra, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch đêm và còn nhiều vướng mắc để khai thác và phát triển du lịch, nên cũng chưa tạo được hiệu ứng cao trong phát triển sản phẩm du lịch đêm theo hướng ổn định lâu dài. Bên cạnh đó các khu vui chơi giải trí, các điểm biểu diễn nghệ thuật, các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm vẫn còn thiếu nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách và chưa thực sự tạo ấn tượng đối với du khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay các tỉnh miền Trung đều xây dựng sản phẩm du lịch về đêm để tạo điểm đến thu hút du khách. Tuy nhiên các sản phẩm đều na ná nhau, chưa tạo sự khác biệt và các địa phương cũng đã có sự liên kết, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch về đêm nhưng chưa sâu rộng mà chỉ giới thiệu chung khi du khách tham quan du lịch miền Trung.

Tại buổi làm việc giữa Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam mới đây, lãnh đạo 2 địa phương thống nhất cho rằng để góp phần phục hồi du lịch, cần thiết có sự liên kết chuỗi các sản phẩm về đêm để tạo điểm đến cho du khách, đồng thời, tránh sự trùng lắp, khai thác thế mạnh của mỗi địa phương.

Nhóm phóng viên miền Trung

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thuc-kinh-te-dem-mien-trung-bai-1-kinh-te-dem-mo-vang-chua-duoc-khai-thac-178270.html