Đánh thức nguồn lực trong dân

Làm thế nào để người dân yên tâm và mặn mà đưa phần tích lũy và tiết kiệm của gia đình mình vào các kênh như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng..., thay vì chuyển vốn vào các công ty ẩn chứa đầy rủi ro?

Nhiều câu chuyện về các vụ vỡ nợ tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng liên quan tới huy động vốn, lừa đảo đầu tư, cùng với đó là trăn trở làm sao để đánh thức nguồn lực tích lũy được ước tính lên tới 60 tỷ USD trong dân vào sản xuất - kinh doanh đã được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trên nghị trường.

Trong hoàn cảnh bội chi ngân sách lớn và nợ công cao, công cuộc đánh thức tiềm lực này càng được đặt ra cấp thiết.

Làm thế nào để người dân yên tâm và mặn mà đưa phần tích lũy và tiết kiệm của gia đình mình vào các kênh như bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, ngân hàng..., thay vì chuyển vốn vào các công ty ẩn chứa đầy rủi ro?

Khi huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng một cách hiệu quả và bền vững, nền kinh tế sẽ có thêm các nguồn vốn dài hạn. Nhưng để mong muốn biến thành hiện thực, nếu không mạnh mẽ bắt tay vào hành động, sẽ vẫn chỉ là mong ước và “hô khẩu hiệu”.

Chẳng nói đâu xa, ngay trên thị trường chứng khoán, để thu hút nhà đầu tư đang có rất nhiều việc cần làm.

Việc lồng ghép chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vào phát triển thị trường được làm khá tốt, rút ngắn thời hạn phải đăng ký giao dịch/niêm yết chứng khoán sau IPO (chào bán chứng khoán ra công chúng), tăng cường áp dụng niêm yết và đăng ký giao dịch với lưu ký tự động... đã giảm thiểu các khâu phát hành sổ/giấy chứng nhận sở hữu.

Quy mô vốn hóa thị trường đã tăng đáng kể, tạo ra niềm hy vọng lớn về việc nâng hạng Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi trong bảng xếp hạng của MSCI.

Trong khoảng 2 năm qua, đã có nhiều động thái tích cực trong kế hoạch nâng hạng thị trường Việt Nam, song những thay đổi là chưa đủ để các nhà đầu tư nước ngoài cũng như MSCI đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường có khả năng nâng hạng.

Trong khi nhiều hạn chế của thị trường trong nội dung đánh giá của MSCI cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ, ngành để tháo gỡ, đã có không ít nhà đầu tư cho rằng, những thay đổi tích cực của thị trường trong thời gian gần đây cần được Việt Nam cập nhật với MSCI để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu và đánh giá lại của tổ chức này.

Liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đứng ra đóng vai trò chủ đạo trong việc trao đổi thông tin, phối hợp với các bộ ngành khác, cũng như xây dựng một kế hoạch tổng thể cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam hay không?

Hay như việc nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, trước đây từng được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Nhưng hiện nay, các thông tin về doanh nghiệp thay đổi room được công bố rời rạc trên website của các Sở Giao dịch chứng khoán hoặc của bản thân công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài chưa tìm được nguồn thông tin tập trung, cập nhật, chính thống về room của tất cả các công ty niêm yết, công ty đại chúng, để từ đó có bức tranh tổng quát cho việc cân nhắc ra quyết định đầu tư.

Thị trường càng đại chúng, càng có nhiều nhà đầu tư lớn tham gia, khả năng bị kéo - xả theo những toan tính của “cá mập” sẽ càng giảm bớt. Khi ấy nhà đầu tư đại chúng mới mạnh dạn đưa những đồng vốn ngủ yên vào thị trường.

Năm 2017 đã gần trôi qua và thị trường chứng khoán Việt Nam tỏ ra khó khăn hơn dự liệu.

Từ mốc 1.020 điểm, VN-Index đã trải qua 2 nhịp giảm: về 933 điểm, rồi bật lên 974 điểm và lại giảm về 885 điểm. Một nhịp giảm nữa được dự báo sẽ kéo VN-Index tạo đáy mới trong năm nay.

Nếu không tìm cách giải những bài toán căn cơ và có tầm nhìn dài hạn, sự luẩn quẩn của chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn chưa thấy đường ra.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/danh-thuc-nguon-luc-trong-dan-247427.html