Đánh thức Tây Nguyên

Đã nhiều năm rong ruổi khắp các vùng đất đỏ Tây Nguyên để viết những câu chuyện về sự thay đổi của vùng đất Bazan này...

Với lợi thế nằm trong vùng “Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia”, tài nguyên thiên nhiên phong phú tạo cho Tây Nguyên thế mạnh và điều kiện thuận lợi cơ bản để mở rộng liên kết kinh tế với các vùng trong nước, cũng như mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, nhằm thúc đẩy kinh tế vùng phát triển nhanh, bền vững.

Phóng viên Công Thái trong chuyến tác nghiệp tại Tây Nguyên

Những năm qua, với sự nỗ lực của các tỉnh Tây Nguyên cùng với sự quan tâm của nhà nước, bộ mặt kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã có sự phát triển đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Điều đó được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân chung của cả nước (giai đoạn 2011-2015 đạt mức bình quân 7,19%/năm, năm 2016 đạt mức 7,47%).

Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng ổn định. Doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Mặc dù, Tây Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực, song những gì khu vực này đạt được vẫn còn khá nhỏ so với tiềm năng thực tế. Nhiều năm qua, cả vùng đất Tây Nguyên rộng lớn vẫn chưa phát huy hết những lợi thế tiềm năng riêng có của vùng mình. Phát triển nông nghiệp vẫn còn manh mún, đầu tư theo phong trào. Các loại nông sản hàng hóa luôn rơi vào điệp khúc “trồng - chặt”.

Được giá thì phát triển rầm rộ, phá vỡ diện tích quy hoạch. Rớt giá thì chặt hạ không thương tiếc... Đơn cử, như trường hợp cây cao su, cà phê trong những năm vừa qua... Đó là những tồn tại cố hữu trong phát triển và quy hoạch kinh tế vùng đất đỏ bazan giàu năng lực này.

Về thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Tây Nguyên có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, nhưng phải làm thế nào để tận dụng cơ hội đó.

Hiện nay, nơi này vẫn chưa thu hút được các đối tác chiến lược, bởi chỉ chiếm 0,65% về dự án; 0,25% trong tổng số dự án và nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, thậm chí còn thấp hơn cả miền núi phía Bắc. Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở một số giải pháp, về nông nghiệp, như hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn.

Đặc biệt, phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện nghiêm công tác bảo vệ và phát triển rừng. Và lời giải cho bài toán này đối với Tây Nguyên chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Có người từng ví: Tây Nguyên như một cô gái đẹp đang ngủ quên, đã đến lúc cần phải đánh thức!

Bài và ảnh Công Thái

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/danh-thuc-tay-nguyen-69912.html