Đánh thức tiềm năng di sản kiến trúc Sài Gòn - TPHCM

Câu hỏi đặt ra là, cần có những giải pháp và cách làm nào để công tác bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan đô thị đạt hiệu quả; làm gì để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu đóng góp nguồn lực trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản?

Nguồn tài nguyên văn hóa bị bỏ quên

Trăn trở, hiến kế, tâm huyết với không gian di sản của các chuyên gia trong nước và quốc tế chính là những cảm xúc đọng lại từ hội thảo “Bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa TPHCM”, do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM và Công ty Minerva phối hợp tổ chức. Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là công việc cấp thiết trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, đặc biệt là TPHCM.

Từ năm 1993, thành phố đã xác định bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là công việc quan trọng cần được tiến hành một cách nghiêm túc, thận trọng và phải làm ngay. UBND TPHCM đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện công tác này từ năm 1996 và ban hành kèm theo danh mục 108 đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại TPHCM.

Tiếp đó, thành phố cũng ban hành Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM tại Quyết định 2751 ngày 29-5-2013.

Theo khảo sát, đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc, thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 1.227 biệt thự cũ (được xây dựng trước năm 1975) và trên 400 công trình ngoài biệt thự cần nghiên cứu bảo tồn.

Các biệt thự tập trung chủ yếu ở các quận 1, 3, 5, 10, Bình Thạnh và Thủ Đức. Đặc biệt, quận 3 là nơi tập trung nhiều nhất, với 808 biệt thự. Sự tồn tại của các biệt thự cổ ở Sài Gòn chính là một phần của không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị và cần được bảo tồn.

Biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 sắp được trùng tu

Trung tâm đã làm việc với các chuyên gia Pháp, để đề xuất các tiêu chí đánh giá giá trị di sản một cách khách quan, khoa học và phù hợp với thực tiễn thành phố. Chia sẻ với quan điểm này, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả của 2 tập sách khảo cứu về Sài Gòn, đưa ra khái niệm gọi là “Đặc khu di sản Sài Gòn xưa” bao gồm vườn Ông Thượng, chợ Đũi và các khu biệt thự quận 3. Theo ông, tuyến “đặc khu” này có nhiều biệt thự xây dựng trước năm 1955, không chỉ có giá trị về cảnh quan kiến trúc mà còn gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phát triển bền vững không chỉ bao gồm khía cạnh môi trường, kinh tế mà còn ở lĩnh vực xã hội, văn hóa. Nói cách khác, bảo tồn di sản văn hóa góp phần quan trọng vào chất lượng đời sống xã hội, tạo sự kết nối và là động lực phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, trước áp lực lớn về yêu cầu phát triển của thành phố, việc bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc cảnh quan hiện đang đứng trước nhiều thách thức, gặp khó về nhiều mặt: kinh tế - xã hội, pháp lý, phương pháp tiếp cận, sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng.

Giữ gìn không gian di sản liệu có ngăn trở sự phát triển hay không - câu hỏi được nhiều người đặt ra. TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan cho rằng, không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một thành phố, không gian di sản hoàn toàn có thể là một nguồn lực kinh tế mạnh mẽ, điều này nhiều nước đã làm rất tốt, nổi bật trong khu vực có thể kể đến Singapore, Malaysia.

Đồng tình với ý kiến này, TS Tô Kiên, chuyên gia cao cấp kiêm Quản lý dự án Tập đoàn Tư vấn phát triển hạ tầng Eight - Japan, khẳng định, từ kinh nghiệm quốc tế và Nhật Bản cho thấy, di sản văn hóa gắn với du lịch chính là “nồi cơm” cho nhiều quốc gia.

Giữa nhiều yếu tố như hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển du lịch, việc bảo tồn di sản văn hóa đồng nghĩa với lưu giữ giá trị truyền thống và mang bản sắc địa phương. Nhiều quốc gia đã thành công với cách làm này, có thể kể như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc…

Lợi ích kinh tế từ di sản

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, kể về hai trường hợp có một mẫu số chung. Đó là cung điện Palacyk - một trong những di tích lớn nhất trước chiến tranh, thuộc tài sản của chính quyền thành phố Wroclaw, Ba Lan (cung điện này đã được mua lại bởi một công ty của người Việt vào năm 2012, có lẽ đây là trường hợp đầu tiên người Việt sở hữu một công trình có giá trị cao và là một di tích lịch sử); và thứ hai là công trình biệt thự 110-112 Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM.

Các chi tiết tinh xảo trên nóc biệt thự 110-112 Võ Văn Tần. Ảnh: C.T.M

Chủ sở hữu của cả hai đều là tư nhân, đều có ý thức giữ gìn, bảo tồn công trình, có nguồn lực kinh tế đáp ứng việc trùng tu, bảo tồn. Có tâm với di sản văn hóa - lịch sử, có tầm tri thức nhìn nhận được giá trị di sản và có tiềm lực về tài chính để bảo tồn, khai thác phát triển, ba yếu tố này kết hợp sẽ mang lại hiệu quả, không chỉ gìn giữ được di sản, công trình mà còn là nguồn lực kinh tế lâu dài, một địa chỉ văn hóa của cộng đồng.

Một trong những câu chuyện tạo được sự quan tâm mạnh mẽ của giới di sản văn hóa chính là dự án trùng tu biệt thự 110-112 Võ Văn Tần (được bán với giá 35 triệu USD vào năm 2015), sẽ được thực hiện thời gian tới đây. Kiến trúc sư người Pháp Nicolas Viste, chuyên nghiên cứu các dự án về bảo tồn và văn hóa, được chỉ định là trưởng nhóm nghiên cứu trùng tu công trình này từ năm 2016.

Nicolas đến Việt Nam 6 năm qua, bắt đầu là hợp tác với tổ chức UNESCO trong trùng tu các ngôi đền thuộc khu di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam, làm việc cùng các tổ chức quốc tế bảo tồn di sản, tham gia vào dự án Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội. Với dự án trùng tu biệt thự ở 110-112 Võ Văn Tần, các nghiên cứu của ông Nicolas sẽ là tiền đề để phát huy các giá trị di sản độc đáo.

Đánh giá về công trình, ông nhận định: “Tòa nhà này là một biểu tượng của ngành xây dựng, là công trình hiện đại nhất của người Việt lúc bấy giờ. Nhìn bên ngoài cứ tưởng là biệt thự của Pháp nhưng thực ra nó là hồn cốt, là sản phẩm của người Việt Nam”.

Ông Nicolas Viste cũng nhận định, phong cách kiến trúc của tòa biệt thự được cho là ra đời cuối những năm 1920, rất đặc biệt, không theo quy luật chung nào, có phong cách của Art Deco và Art Nouveau, nhưng kết hợp cả phương Đông và phương Tây. Kiến trúc sư Trần Văn Khải cũng cho rằng, biệt thự 110-112 Võ Văn Tần mang phong cách tiếp biến tân cổ điển châu Âu có hòa trộn với kiến trúc Việt Nam…

Sau gần 3 năm tập trung nghiên cứu đánh giá với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và chuyên gia Pháp, Italy, Đức, một đề án phục dựng hoàn chỉnh trong đó cam kết hướng tới việc bảo tồn tôn tạo với chất lượng nguyên bản nhất, tốt nhất cho tòa nhà đã được đề xuất.

TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng, không chỉ các công trình thuộc sở hữu công mà các tư dinh, biệt thự cũng cần được quan tâm bảo tồn, hỗ trợ chính sách từ quản lý nhà nước, tất nhiên phải để người dân thấy được lợi ích của di sản.

“Nếu không nhanh chóng có biện pháp khuyến khích bảo tồn thì các công trình mang giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử dễ bị “khai tử” để xây dựng những dự án cao ốc mới, mang lại nhiều nguồn lợi tài chính hơn”, TS Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.

Các chuyên gia dẫn chứng, câu chuyện về biệt thự cổ trên đường Nơ Trang Long bị tháo dỡ là một bài học cần suy ngẫm.

MINH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/danh-thuc-tiem-nang-di-san-kien-truc-sai-gon-tphcm-562808.html