Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng ở huyện Bá Thước Bài 1: Du lịch cộng đồng - tiềm năng còn bỏ ngỏ

Không chỉ được ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đẹp, đa dạng, phong phú mà huyện Bá Thước còn sở hữu những bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, Kinh... là tiền đề để phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, tiềm năng dồi dào của mô hình du lịch này lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Những ruộng bậc thang bát ngát và cảnh núi rừng hùng vĩ trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là điểm nhấn đặc sắc của du lịch Bá Thước. Ảnh: M.C

Tiềm năng lớn...

Với diện tích 17.662 ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có hệ sinh thái rừng, hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm... Khu bảo tồn này là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, hươu sao, gấu ngựa, sơn dương, voọc quần đùi trắng. Hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp (hang Dơi Kho Mường). Pù Luông còn là một điểm tham quan, khám phá nổi tiếng, phượt tự túc, nghỉ dưỡng giá rẻ. Hầu hết du khách đến đây đều ấn tượng với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh. Đặc biệt, Pù Luông còn gần với các điểm du lịch nổi tiếng như làng Lác (Mai Châu), suối Cá (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy), Cúc Phương (Ninh Bình), Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ... cho nên đã có thể tạo thành một vòng du lịch khép kín. Với nhiều nét đẹp, cảnh quan hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao ở những vị trí khác nhau, như: Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông, Kho Mường, làng Đôn với khu nghỉ dưỡng Pu Luong Retreat, làng Ươi, làng Tiến Mới, khu thác Hiêu xã Cổ Lũng... đã và đang thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế yêu thích trekking (hình thức du lịch khám phá bằng cách đi bộ), phượt đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Thời điểm tham quan Pù Luông đẹp nhất là bắt đầu vụ lúa mới từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh sống nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu hoặc du khách có thể đến Pù Luông vào tháng 9 và tháng 10, hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng.

Nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông còn có vẻ đẹp kỳ vĩ mà hiền hòa của dòng thác Hiêu. Thác bắt nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông – Cúc Phương với chiều dài khoảng 800 mét, dòng thác quanh năm tuôn nước trắng xóa đem theo chất đá vôi màu trắng đi qua mọi nơi. Vì thế, cây cối, đồ vật, nền và ở hai bên thác đông kết lại như bị “hóa đá”. Đến với thác Hiêu, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hữu tình hiếm nơi nào có được, bởi vào mùa nào thác Hiêu cũng đẹp. Mỗi mùa rừng núi nơi đây lại khoác lên mình một màu áo mới và có thể “mê hoặc” bất cứ du khách nào khi mới đặt chân. Bạn cũng sẽ được thưởng thức nhiều món ngon, như: Vịt Cổ Lũng, măng đắng, rau đồ...; được ghé thăm phiên chợ vùng cao phố Đòn. Chợ chỉ họp vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần. Khách có thể ăn bát canh đắng, rồi dạo chợ, mua sản vật người dân tự trồng được hoặc thu lượm của núi rừng đến đây bán.

Ngoài ra, thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho Bá Thước nhiều danh thắng và thác nước đẹp có thể khai thác phát triển du lịch, như: Thác Muốn (xã Điền Quang), hang cá thần Mường Ký (xã Văn Nho); hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ), thác Dần Long (xã Lương Ngoại); hệ thống hang động (hang Dong - xã Điền Hạ, hang Anh Rồ - xã Hạ Trung, hang làng Tráng I, II, III - xã Lâm Xa, hang làng Cốc - xã Thiết Ống, hang làng Chuông - xã Văn Nho...) tất cả đều là những điểm đến yêu thích của dân phượt và các du khách trong và ngoài nước ưa hình thức du lịch khám phá cộng đồng.

Không chỉ có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, mà Bá Thước còn có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Kinh... Từ các di tích lịch sử, văn hóa nhà, đến văn hóa mặc, văn hóa ẩm thực, văn hóa trong tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội... đều toát lên những nét văn hóa độc đáo, riêng có. Điển hình như: Di tích khảo cổ Mái Đá Điều (xã Hạ Trung), lễ hội Mường Khô, lễ hội đua thuyền; nhà sàn người Mường, Thái; chợ phố Đòn; nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc Kinh, Mường, Thái; những đặc sản...

Nổi bật nhất phải kể đến lễ hội Mường Khô. Cứ đến ngày mùng 10 âm lịch hằng năm, người dân làng Muỗng Do, xã Điền Trung và các vùng lân cận huyện Bá Thước lại tổ chức lễ hội Mường Khô để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở. Tại lễ hội, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra, như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng... và các hoạt động văn hóa – thể thao thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia, như: Đánh mảng, tung còn, chọi gà... Lễ hội Mường Khô còn có những gian hàng của ngon, vật lạ, đặc sản, sản vật do chính người dân bản địa làm ra, cây trái trong vườn. Đối với những khách từ xa đến, bà con sẵn sàng biếu tặng các sản vật, thể hiện lòng hiếu khách cũng như cầu mong may mắn đến gia đình mình....

...nhưng còn bỏ ngỏ

Với những tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú như vậy, nhưng du lịch ở Bá Thước vẫn chưa thực sự phát triển thành một ngành kinh tế. Theo thống kê của huyện, nếu như những năm 2005 trở về trước, lượng khách du lịch đến với Bá Thước chỉ vài trăm lượt người/năm đến năm 2011 đã tăng lên đáng kể với 8.600 lượt khách; đến năm 2015 là 11.600 lượt khách; tốc độ tăng trưởng số lượng khách du lịch đạt trung bình 6,5%/năm cho giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2016, huyện Bá Thước đón 13.100 lượt khách, tăng 12,9%. Điều này đã khẳng định sức hút từ các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước ngày càng tăng, tuy nhiên tỷ trọng khách du lịch quốc tế, ngày lưu trú bình quân và giá trị gia tăng dịch vụ du lịch vẫn thấp.

Điều đó cũng phản ánh những tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch ở Bá Thước, như: Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch cộng đồng còn lỏng lẻo, bất cập. Tiến độ thu hút đầu tư, đầu tư cho các dự án du lịch sau quy hoạch còn chậm. Công tác kêu gọi đầu tư, đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu (Dự án Son Mười Bá chưa kêu gọi được đầu tư), chưa có các quy tắc ứng xử cho cộng đồng trong du lịch. Giao thông tiếp cận một số khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở khu vực vùng núi. Giao thông đường sông Mã phục vụ du lịch chưa phát triển. Chưa có bãi đỗ xe, bến thuyền, công trình xử lý rác thải, nước sạch, biển chỉ dẫn, trung tâm thông tin du khách... Nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc về việc tham gia du lịch cộng đồng còn hạn chế nên ít hộ gia đình làm du lịch. Do vậy, dịch vụ du lịch chưa phong phú, chất lượng thấp, thiếu nét đặc trưng riêng của khu vực, hình thành tự phát, chưa có kế hoạch và chương trình phát triển sản phẩm cụ thể, các dịch vụ chủ yếu dựa vào giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa hiện có, chưa khai thác mở rộng các dịch vụ trong cộng đồng. Một số dịch vụ đang được hình thành nhưng thiếu tính quy hoạch và phát triển tổng hợp. Hệ thống sản phẩm du lịch cộng đồng của Bá Thước còn đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn, bước đầu mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch di tích lịch sử nhưng còn chưa đạt hiệu quả xứng tầm. Tính liên kết và các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư đúng mức, hiệu quả và tính chuyên nghiệp còn thấp. Môi trường du lịch còn nhiều bất cập. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng... Từ những tồn tại, hạn chế trên đã phần nào cản trở sự phát triển du lịch cộng đồng của huyện Bá Thước, làm cho các tiềm năng du lịch của huyện còn bỏ ngỏ.

Bài 2: Để du lịch cộng đồng trở thành thế mạnh trong xóa đói, giảm nghèo.

.Nhóm PV Phòng Bạn đọc - Tư liệu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/van-hoa/n177928/bai-1:-du-lich-cong-dong---tiem-nang-con-bo-ngo