Đánh thức tiềm năng du lịch vùng văn hóa phố Hiến

Hưng Yên vốn là vùng quê hưng thịnh với bề dày lịch sử lâu đời; có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhưng du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp.

Tài nguyên du lịch nhân văn phong phú

Hưng Yên là vùng đất văn hiến, có truyền thống yêu nước và cách mạng với bề dày lịch sử văn hóa lâu đời mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch, Di tích đền Phù Ủng, Cụm di tích Tống Trân, những đình, đền lưu dấu ấn về câu chuyện tình yêu lãng mạn của Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Cây đa và Đền thờ La Tiến... Những di tích lịch sử này vẫn được giữ nguyên trạng với kiến trúc bề thế, cùng hệ thống tượng cổ đẹp và quý giá.

Với 1.802 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thái Lạc), 3 bảo vật quốc gia, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích, cụm di tích cấp tỉnh, với những lợi thế này, Hưng Yên có tiềm năng lớn để xây dựng du lịch lễ hội tâm linh.

Hưng Yên có tiềm năng lớn để xây dựng du lịch lễ hội tâm linh. (Ảnh: HL)

Hưng Yên còn có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng với những làn điệu Chèo, Ca trù, Trống quân mượt mà đằm thắm; có nhiều làng nghề truyền thống để phát triển du lịch như: Làng đúc đồng Lộng Thượng, làng chạm bạc Huệ Lai, hương xạ Cao Thôn, nghề đan đó dọ Thủ Sỹ, nghề làm tương Bần… Nói đến Hưng Yên không thể quên được nhãn lồng Phố Hiến, cùng nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng khác như: Hạt sen, chè sen long nhãn, cam đường canh, tương bần, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, bánh cuốn…

Hiện tại, tỉnh Hưng Yên đã triển khai xây dựng và hoàn thiện quy hoạch các khu điểm du lịch. Đến nay tỉnh đã công nhận một khu du lịch cấp tỉnh là khu du lịch Phố Hiến; 3 khu, điểm du lịch là đền Đậu An, đền Đa Hòa, đền Phù Ủng. Bên cạnh đó, một số tour, tuyến du lịch được hình thành và đi vào khai thác phục vụ như tour du lịch sinh thái đường sông Hà Nội – Đa Hòa – Dạ Trạch – Phố Hiến – Cây đa và đền thờ La Tiến; tuyến du lịch Phố Hiến – chùa Hương – chùa Bái Đính; tuyến du lịch Phố Hiến – Tam Chúc – Ninh Bình và tuyến du lịch Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, lượng du khách đến Hưng Yên tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10% -15%/năm. Năm 2019, tổng lượt khách đến Hưng Yên ước khoảng 01 triệu lượt (tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 20.500 lượt, khách nội địa ước đạt 979.500 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 220 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hưng Yên.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thương mại và du lịch Tầm nhìn Việt cho rằng: Du lịch Hưng Yên dù có tiềm năng, nhưng còn thiếu chuyên nghiệp nên chưa tạo ra các sản phẩm du lịch để thu hút, hấp dẫn du khách. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư, chưa có các dịch vụ phụ trợ như nhà hàng ăn uống, khu giải trí. “Với lợi thế con người thân thiện, dễ mến, thật thà, chưa bị du lịch hóa, Hưng Yên nên khai thác sâu, cung cấp sản phẩm về nông nghiệp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng” - Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Sớm xây dựng phố Hiến trở thành khu du lịch quốc gia

Theo ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc công ty Du lịch Travelogy Việt Nam, điểm yếu nhất của du lịch Hưng Yên hiện nay là cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế, với vài khách sạn đáp ứng tiêu chuẩn 3-4 sao. Do vậy, khách chỉ đến rồi về, không có gì lưu giữ lại. Để thu hút lượng du khách, Hưng Yên cần quan tâm đến cơ sở lưu trú, bởi Hưng Yên có lợi thế khi rất gần thị trường nguồn Hà Nội, nằm trên tuyến đường từ Hà Nội đi vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà, việc các hãng lữ hành thiết kế tour nghỉ 1 đêm ở Hưng Yên trước tới những điểm còn lại là rất khả thi.

Cũng theo ông Tuyên, Hưng Yên là vùng đất nông nghiệp có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, cộng đồng nhưng địa phương chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch tốt. Cần tạo ra các sản phẩm phụ trợ đi kèm như các sản phẩm dinh dưỡng từ cam, mứt cam, hay các sản phẩm làm đẹp, massage da mặt từ cam… để hấp dẫn thêm du khách.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, CEO Luxury Travel cho rằng, Hưng Yên cần xác định điểm mạnh du lịch và tạo điểm nhấn để thu hút khách lưu trú trên địa bàn tỉnh. “Tỉnh cần đầu tư xây dựng cầu cảng xứng tầm, phục dựng lại một phần khung cảnh Phố Hiến xưa để hấp dẫn du khách” - ông Phạm Hà nêu quan điểm.

Đánh giá cao nỗ lực, sự chủ động, tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động của tỉnh Hưng Yên, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: Hưng Yên rất giàu tài nguyên du lịch nhưng chưa được khai thác nhiều. Tỉnh cần thu hút các nhà đầu tư, làm sao để có nhiều điểm đến, sản phẩm mới, đặc sản hấp dẫn; tạo chuỗi liên kết giữa các điểm đến trong vùng với nhau và với các tỉnh, thành khác, đặc biệt là với các hãng lữ hành. “Cần sớm xây dựng Phố Hiến trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành “Hội An thứ hai” Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá xúc tiến hơn nữa để thu hút cũng như hấp dẫn để du khách lưu lại lâu, sử dụng nhiều dịch vụ...” - ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh./.

Huy Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-vung-van-hoa-pho-hien-567568.html