'Đánh thức' tiềm năng kinh tế ban đêm trên 'nóc nhà' miền Tây

Phát triển kinh tế ban đêm là xu thế ở nhiều địa phương hiện nay. Đối với tỉnh An Giang, các hoạt động này cũng đang được từng bước triển khai xây dựng. Trong đó, núi Cấm (thị xã Tịnh Biên) - ngọn núi cao nhất miền Tây - là một trong những địa điểm có nhiều thế mạnh để khai thác kinh tế về đêm.

Homestay trên núi Cấm về đêm. Ảnh: Yên Lương

Homestay trên núi Cấm về đêm. Ảnh: Yên Lương

Những nỗ lực đầu tiên

Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam là một chủ trương lớn, được cụ thể hóa qua Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ở An Giang, phát triển kinh tế ban đêm là một trong những mục tiêu được đề cập trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Đồng thời, nhận thấy những điều kiện thích hợp của Khu du lịch Núi Cấm, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm đã triển khai những định hướng nhằm phát triển kinh tế ban đêm tại đây. Các hoạt động này sẽ mang đến một diện mạo mới cho núi Cấm, giữ chân du khách lưu trú trên núi, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Trước mắt, trọng tâm khai thác kinh tế ban đêm ở Khu du lịch Núi Cấm được xác định là khu vực hồ Thủy Liêm. Nơi đây có ba điểm tham quan nổi tiếng là tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, do đó, luôn thu hút đông đảo du khách cả ngày lẫn đêm. Xung quanh hồ có khoảng 200 hộ kinh doanh, cung cấp các dịch vụ ẩm thực, lưu trú, mua sắm, có khả năng đáp ứng những nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Để đặt nền tảng bước đầu cho kinh tế đêm, Khu du lịch Núi Cấm thời gian qua được chỉnh trang cảnh quan, trồng mới hoa kiểng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn hoa trang trí, camera an ninh. Trong đó, hoa kiểng trên các trục đường chính và xung quanh hồ Thủy Liêm được chăm sóc thường xuyên. Hệ thống đèn trải dài từ chân núi đến đỉnh núi, khu vực trung tâm hồ Thủy Liêm, các đường nhánh… giúp ngọn núi thêm lung linh khi đêm về và an toàn cho du khách. Hệ thống camera được lắp đặt dọc theo tuyến đường vào khu du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, giảm thiểu tình trạng móc túi, cướp giật, chèo kéo khách…

Nằm bên cạnh hồ Thủy Liêm, chợ Mây nhiều năm qua đã thu hút sự chú ý của giới báo chí và khách du lịch, bởi được ví von là ngôi chợ “độc nhất vô nhị” ở miền Tây. Đầu năm 2023, chợ Mây khoác lên mình diện mạo mới, khang trang, sạng sẽ, rộng rãi. Những hình ảnh đó mang đến sự phấn khởi cho người dân và du khách. Chợ Mây được chỉnh trang không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh hiện tại của người dân, mà còn dự kiến đi vào hoạt động kinh doanh về đêm trong thời gian tới.

Sự đồng thuận của người dân

Không chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, hoạt động kinh tế ban đêm còn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên núi. Từ cuối năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tổ chức họp mặt các hộ kinh doanh nhằm thông tin về định hướng phát triển kinh tế ban đêm ở khu vực hồ Thủy Liêm, được các hộ dân đồng thuận. Nhờ vậy, nhiều hàng quán xung quanh hồ không chỉ gia tăng về số lượng, mà còn chú trọng chỉnh trang về hình thức, nâng cao chất lượng phục vụ. Các khu nhà trọ, homestay cũng đầu tư trang trí cảnh quan, gia tăng các dịch vụ ẩm thực về đêm, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Đặc biệt, một số sự kiện như lễ cưới, họp mặt, sinh hoạt tập thể… đã được tổ chức vào ban đêm trên núi Cấm mà trước đó chưa từng có.

Đêm nhạc acoustic trên núi Cấm. Ảnh: Yên Lương

Ngày 2/5/2023 vừa qua, tại quảng trường trung tâm hồ Thủy Lâm, đêm nhạc acoustic đầu tiên trên núi Cấm được tổ chức thành công, thu hút đông đảo khán giả theo dõi. Đối với nhiều người, các đêm nhạc acoustic rất bình thường, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Song, đối với Núi Cấm, đây là hoạt động đầy tâm huyết mà những người làm du lịch đều mong đợi và cố gắng thực hiện, nhằm mang đến những hình ảnh mới mẻ về ngọn núi này đối với du khách.

Để đảm bảo môi trường du lịch an toàn - thân thiện - văn minh, Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, thái độ ứng xử, giá cả và chất lượng… Các hộ kinh doanh đã nghiêm túc chấp hành, chung tay xây dựng hình ảnh cho ngọn núi này. Nhìn chung, môi trường du lịch tại núi Cấm hiện nay được đông đảo du khách đánh giá tốt.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết: “Kinh tế đêm là một hành trình dài và gian nan, đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía. Đối với núi Cấm, kinh tế đêm đang được triển khai từng bước bằng nhiều hình thức, với hy vọng đa dạng hóa hoạt động du lịch, giữ chân du khách ở lại vào ban đêm. Mục tiêu của kinh tế đêm không chỉ là thúc đẩy du lịch địa phương, mà còn phát triển đời sống kinh tế của người dân”.

Trước nay, du khách gần xa luôn thích thú với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi Cấm. Nhưng giờ đây, chúng ta có cơ hội thưởng ngoạn ngọn núi này qua một lát cắt khác, đó là vẻ đẹp lung linh khi màn đêm buông xuống. Không chỉ vậy, các hoạt động du lịch về đêm trên núi Cấm rất đa dạng và hấp dẫn, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị. Với sự chung tay của cơ quan quản lý và nhân dân địa phương, có thể tin tưởng rằng, những tiềm năng kinh tế ban đêm của núi Cấm sẽ nhanh chóng được “đánh thức”.

Yên Lương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-thuc-tiem-nang-kinh-te-ban-dem-tren-noc-nha-mien-tay-post461263.html