Đánh thức vùng đất giữa Đồng Tháp Mười

Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) là huyện nằm giữa vùng Đồng Tháp Mười. Trải qua công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười hơn ba mươi năm qua, Tam Nông đã có nhiều đổi thay. Đồng bưng hoang vắng năm nào nay là những cánh đồng lúa cao sản hai, ba vụ thẳng cánh cò bay. Làng quê trù phú, những cụm - tuyến dân cư với những ngôi nhà mới xây khang trang, xen giữa những vườn cây trái sum suê, trĩu quả…

Ảnh trên: Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp).

Ảnh trên: Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp).

Đồng đất đổi màu

Được thành lập từ năm 1969, lúc đó huyện Tam Nông thuộc tỉnh Long - Châu - Sa (bao gồm Long Xuyên, Châu Đốc của tỉnh An Giang và Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp hiện nay). Tam Nông là tên một huyện của tỉnh Phú Thọ đã kết nghĩa với tỉnh Long - Châu - Sa thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau năm 1975, Tam Nông sáp nhập với huyện Thanh Bình. Đến năm 1983 lại tách ra và huyện lỵ đặt tại thị trấn Tràm Chim cho đến ngày nay.

“Nhìn lại chặng đường hơn ba mươi năm qua, Tam Nông đã có một cuộc đổi thay và phát triển kỳ diệu”, nguyên Bí thư Huyện ủy Tam Nông Võ Hoàng Vũ kể. Năm 1983, Tam Nông có 50.000 dân, toàn huyện chỉ gieo trồng được hơn 15.000 ha lúa đông xuân và khoảng 1.100 ha lúa hè thu, còn lại là lúa mùa nổi năng suất rất thấp. Tổng sản lượng lúc đó mới hơn 32.000 tấn, bình quân lương thực đầu người chỉ được 650kg/năm. Do đó, việc triển khai các dự án kiên cố hóa kênh mương, công trình chống hạn, bờ bao tiểu vùng và cống đập… là nhu cầu bức xúc để bảo đảm sản xuất hiệu quả, bền vững.

Trên cơ sở mục tiêu đó, với sự quyết tâm của cả lãnh đạo và người dân, tình hình sản xuất của Tam Nông đã và đang ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, khấm khá. Đến nay, môi trường đất và nước ở Tam Nông đã được cải thiện đáng kể nhờ được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để tháo chua, rửa phèn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Năm 2016, toàn huyện Tam Nông xuống giống được gần 60 nghìn ha, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, tổng sản lượng gần 370 nghìn tấn; huyện cũng tổ chức sản xuất và bảo vệ ăn chắc vụ lúa thu đông 2016 (lúa vụ 3) với diện tích 11.700 ha, chuẩn bị thu hoạch trước Tết Nguyên đán.

Là huyện điểm trong triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn huyện Tam Nông có 27 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác tham gia cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 19.000 ha. Có sáu doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ với bảy HTX nông nghiệp với diện tích 7.480 ha và thu mua được sản lượng 16.854 tấn lúa. Đến vụ hè thu, các doanh nghiệp tiếp tục ký kết hợp đồng 3.568 ha, đã thu mua tổng số 992 ha với 5.654 tấn và sẽ triển khai thu mua vụ lúa thu đông 2016.

Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Nguyễn Văn Na cho biết, huyện đang tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích cánh đồng lớn gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật cùng với việc triển khai các quy hoạch, đề án phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; gắn sản xuất với thị trường; từng bước chuyên môn hóa trong sản xuất; tạo việc làm ổn định và gia tăng thu nhập cho người dân. “Và Tam Nông vẫn dựa vào hai thế mạnh hiện có là cây lúa và con cá để phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Văn Na cho biết thêm.

Tỷ phú ruộng đồng

Thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương tận dụng triệt để diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi thủy sản, đồng thời triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật và những ưu đãi về vốn, cộng với kinh nghiệm thực tế qua nhiều năm, hàng trăm hộ dân ở Tam Nông đã chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh. Nhờ vậy, diện tích nuôi trồng đều tăng hằng năm, tạo ra một nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao trên toàn huyện vốn từ lâu vẫn ở trong thế độc canh cây lúa.

Từ chỗ khai thác lợi thế của địa phương là cây lúa và con cá mà kinh tế của Tam Nông ngày một phát triển. Và trong dòng chảy “ăn nên làm ra” đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều “tỷ phú” giữa ruộng đồng.

Anh Bùi Văn Hoa, ngụ ấp Phú Thọ A, xã Phú Thọ thời gian gần đây nuôi thành công giống cá lóc đầu nhím. Từ một gia đình khó khăn, qua nhiều năm tích cóp nhờ làm ăn hiệu quả, hiện anh Hoa đang sở hữu sáu ao nuôi với tổng diện tích mặt nước hơn 10 ha. Một năm anh nuôi hai vụ, mỗi vụ anh xuất bán ra thị trường trên dưới 400 tấn cá thương phẩm, lãi ròng thấp nhất cũng hai tỷ đồng.Tại xã Phú Cường, ông Nguyễn Văn Khanh, ngụ ấp B trở thành tỷ phú nhờ tích tụ ruộng đất và trồng chuyên canh giống lúa Nhật Bản. Trong cuộc trò chuyện, ông Khanh bảo: “Mãi cho tới bây giờ, ai cũng bảo trồng lúa là muôn đời nghèo và không biết làm ăn gì nên mới đi trồng lúa, nhưng tui thì khác, làm gì cũng phải tính toán…Trong khi thị trường người ta đang cần lúa thơm, gạo dẻo mà mình cứ giữ hoài giống IR50404 chất lượng thấp thì chỉ có nước thua thôi, làm sao tính tới chuyện xuất khẩu…”. Hiện nay ông Khanh đang sở hữu 120 ha đất ruộng chuyên trồng giống lúa Nhật Bản cao sản, chất lượng cao. Ông dự tính sẽ huy động thêm 30 ha nữa để vừa sản xuất tập trung, vừa có điều kiện đầu tư, nâng cao lợi nhuận.

Cách nhà ông Khanh không xa cũng có một phú nông khác là anh Trần Đức Vĩnh. Tài sản không nhiều bằng ông Khanh và con đường làm giàu của anh Vĩnh cũng có phần gian nan hơn ông Khanh nhiều. Anh Vĩnh kể: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi lập gia đình rồi ra ở riêng với gia tài được cha mẹ cho chỉ vỏn vẹn ba công ruộng (3.000m2) cho nên cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn…”. Nhưng với “chiến lược khai thác lợi thế mùa lũ”, anh Vĩnh lấy con cá, con tôm đánh bắt hằng năm mỗi khi mùa lũ lên đổi lấy ruộng đất. Qua hơn mười năm tích cóp, đến nay gia đình anh Vĩnh đã sở hữu hơn 30 ha đất ruộng, mỗi năm đem về hàng tỷ đồng.

Còn nhiều, rất nhiều những tỷ phú trên vùng đất mới Tam Nông giữa Đồng Tháp Mười như ông Khanh, anh Vĩnh.

Theo UBND huyện Tam Nông, trong số ba xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016 thì Phú Cường đã hoàn thành cuối năm 2015, hai xã còn lại là An Hòa và Hòa Bình đã đạt 19/19 tiêu chí, đã hoàn thành xong hồ sơ đề nghị tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhờ xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển hợp lý; tập trung đầu tư với quyết tâm cao; trải qua chặng đường hơn ba mươi năm kiên trì phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và người dân Tam Nông đã góp phần làm thức dậy Đồng Tháp Mười, biến vùng đất hoang hóa ngày nào thành vùng sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống người dân ngày càng ấm no, sung túc.

Bài và ảnh: NHỰT TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31717702-danh-thuc-vung-dat-giua-dong-thap-muoi.html