Đánh thuế nhà trên 700 triệu: Vé vào nhà như vé chợ?

Đề xuất nhà trên 700 triệu sẽ bị đánh thuế tài sản đang khiến người dân lo lắng về nơi ở của mình.

Xung quanh thông tin nhà trên 700 triệu đồng có thể bị đánh thuế tài sản, ngày 14/4, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Văn Ngàn (56 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, không thể tin có chuyện như này được.

"Mới nghe thông tin tôi tưởng chỉ áp dụng với những căn nhà mặt phố hay những nhà kinh doanh thôi chứ không phải với mọi chủ sở hữu nhà.

Nhà chúng tôi ở quê quanh năm làm ruộng, giờ bảo mỗi năm lại mất 1 khoản tiền để đóng thuế căn nhà đang ở thì chúng tôi lấy đâu ra tiền mà đóng mà ai là người đóng.

Nhà nào có nghề thì mỗi năm để ra được vài chục triệu, còn nhà nào kiếm ăn qua ngày như nhà tôi thì trong nhà chẳng lúc nào có tiền đâu", ông Ngàn chia sẻ.

Nhà trên 700 triệu có thể bị đánh thuế ở mức 0,4%.

Không chỉ vậy, theo ông Ngàn, việc đánh thuế tài sản với nhà ở như vậy sẽ càng sinh ra tiêu cực nhiều hơn. Ví dụ, thực tế xây nhà hết 750 triệu đồng, người dân sẽ làm đủ mọi cách để báo hết 680 triệu đồng hoặc báo với chính quyền có nhiều thành viên trong gia đình cùng xây căn nhà đó, không phải một người.

"Vì miếng cơm manh áo hằng ngày, có lẽ chúng tôi không thể thật thà được nữa, bởi mất mấy triệu/năm cũng là mất 1 khoản thu nhập lớn đó.

Nhiều khi mấy triệu chúng tôi cũng không có, làm việc gì lớn hay những lúc phải đóng góp xây dựng những công trình sinh hoạt chung trong thôn, xóm còn phải đi vay mượn, đừng nói trong nhà lúc nào cũng sẵn mấy triệu", ông Ngàn nói thêm.

Có cùng suy nghĩ trên, bà Phạm Thị Lan (45 tuổi, Hà Nội) cho rằng, vợ chồng bà góp nhặt được 1 khoản tiền và định cuối năm sẽ xây 1 căn nhà để các con có chỗ học bài và mỗi lúc nhà có công việc có chỗ để làm cỗ bàn, tuy nhiên khi nghe thông tin này bà đã có suy nghĩ dừng việc xây nhà.

"Để xây căn nhà này, tôi đang tính đi vay mượn thêm anh em mỗi người một ít thì mới đủ tiền để xây, giờ bảo đóng thêm tiền thuế như này, làm sao tôi lo được.

Hằng ngày tôi đi bán rau ở chợ cũng mất tiền vé chợ, giờ về nơi chui ra chui vào hằng ngày cũng phải đóng thuế thì chúng tôi lấy đâu ra.

Không nhẽ bán gánh rau chỉ để lo tiền vé nhà, vé chợ hay sao. Sao lại sinh ra nhiều loại thuế thế, chỉ khổ người nông dân chúng tôi thôi", bà Lan lo lắng.

Cũng theo bà Lan, hiện tại bà đang ở trong căn nhà 3 gian nhỏ, mọi sinh hoạt, ăn uống hay cỗ bàn đều diễn ra ở đây. Con cái bà hằng ngày phải mang sách vở xuống bếp học cho yên tĩnh, vì ở trên nhà mọi người ra vào liên tục.

"Phải đóng thuế như này thì bao giờ chúng tôi mới có nhà mới để ở, con cái tôi bao giờ mới có chỗ ngồi học đàng hoàng đây.

Vài năm nữa, con gái tôi đến tuổi lấy chồng, cũng cần cho nó 1 căn phòng riêng chứ, làm sao để nó ngủ ngoài nhà cùng cả gia đình khi có người ra người vào như vậy được", bà Lan chia sẻ thêm.

Như đã đưa tin, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản.

Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.

Với đất sẽ có 2 phương án xác định giá để tính thuế. Một là theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng khá đơn giản và khả thi. Tuy nhiên, nhược điểm là mỗi m2 giá đất tính thuế chưa theo sát biến động thị trường.

Hai là tính theo giá một m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Tuy nhiên, cách tính này có nhược điểm theo Bộ Tài chính là chưa phù hợp với Việt Nam do chưa có hệ thống định giá tài sản đáp ứng yêu cầu. Với phân tích trên, cơ quan này cho rằng nên thực hiện phương án một.

Đánh thuế tài sản với nhà, đất ở: 'Thuế chồng thuế'

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đóng góp ý kiến về đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, trong đó, có đối tượng chịu thuế là tài sản nhà ở, đất ở.

Theo đó, HoREA cho rằng, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng.

Bên cạnh tác động làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch, Hiệp hội cũng bày tỏ quan ngại sẽ xảy ra tình trạng "thuế chồng thuế", do người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

Về thời điểm ban hành Luật Thuế tài sản, Hiệp hội kiến nghị xem xét, ban hành Luật Thuế tài sản sau thời điểm năm 2020 thì phù hợp hơn.

Theo Hiệp hội này, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản (đánh thuế đất ở, nhà ở) cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính "tiền sử dụng đất", theo hướng quy định "tiền sử dụng đất" là một sắc thuế đánh trên hoạt động "chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở", với thuế suất khoảng 10-15%, tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/danh-thue-nha-tren-700-trieu-ve-vao-nha-nhu-ve-cho-3356420/