Danh tích danh thắng, mới chỉ thấy trong thơ

Tôi đã đi qua Vĩnh Phúc ít nhất cũng hàng chục lần. Và cũng đã ở trong ngôi NHÀ SÁNG TÁC TAM ĐẢO cũng vài ba lần, nhưng chưa hề biết dưới chân núi này có ngôi chùa TÍCH SƠN nổi tiếng. Hôm qua, viết bài cuối cùng cho tập sách thuộc loại GIẢI MÃ KHO BÁU VĂN CHƯƠNG, mới bất chợt biết đến TÍCH SƠN TỰ qua thơ của Lý Trần Quán. Chưa đặt chân tới Tích Sơn Tự, (rồi sẽ tới nay mai), nhưng chỉ cần qua thơ Lý Trần Quán, thì cũng xem như ít nhiều đã được thưởng lãm kỳ quan, danh tích, danh thắng chùa Tích Sơn rồi !

Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục tác giả bài viết.

LÝ TRẦN QUÁN

Lý Trần Quán (1735-1786) nguyên họ Đặng, quê làng Vân Canh, huyện Từ Liêm (hoặc Hoài Đức), nay thuộc Hà Nội. Vì là con cầu tự ở đền Chèm thờ Lý Ông Trọng, nên mang họ Lý Trần. Ông đỗ tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766), làm quan Hiệp trấn Sơn Tây, Thiêm sai phủ liêu. Tây Sơn ra Bắc “Phù Lê diệt Trịnh”, Lý Trần Quán muốn cứu chúa Đoan Vương Trịnh Khải, giả đón và giới thiệu là Tham tụng Bùi Huy Bích. Nhưng học trò là Nguyễn Khang phát hiện sự thật, liền báo cho quân Tây Sơn đến bắt. Trịnh Khải tự sát dọc đường. Lý Trần Quán trách mắng trò Nguyễn Khang, Khang nói: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”. Lý Trần Quán biết mình không cứu được chúa, lại không dạy dỗ được học trò, nên ông mua cỗ quan tài, mặc quan phục tuôm tất, tự nằm vào quan tài, rồi sai người nhà chôn sống. Đó chính là ngày 29-6-1786. Sau ông được truy phong Công bộ Thượng thư, tước Dực Quận công. Tác phẩm của Lý Trần Quán hiện thấy sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN chép 1 bài.

thực sự là rất khó hiểu, nếu chỉ đọc qua dăm bảy lần. Tôi phải nghiền ngẫm mất vài ba ngày, soi tìm chỗ này chỗ kia, mới có thể tạm thời giải mã bài thơ này của thi nhân Lý Trần Quán.
Phiên âm:
ĐĂNG TÍCH SƠN TỰ Thứ vận
Tam Đảo danh sơn bán lạc sơn,
Huỳnh hoàng vạn trạng tủng nhân quan.
Cửu Long bệ thượng phiên thân hóa,
Ngũ Phúc môn tiền phóng nhãn khoan.
Địa hiệp trường thương hùng tính thổ,
Thiên kình cổ thụ ngật trần gian.
Đăng lâm hữu hạnh y quan khách,
Ngẫu nhĩ mang trung bác nhất nhàn.

Dịch nghĩa:

LÊN CHÙA TÍCH SƠN Họa vầnTam Đảo núi cao nổi tiếng lăn xuống một hòn núi nhỏ,Rực rỡ muôn hình trạng, ghê mắt người xem.Trên bệ Cửu Long, như thể mình muốn hóa,Trước cửa Ngũ Phúc, phóng mắt nhìn xa rộng.Lưỡi gươm dài cắm đất, chỗ đất yên tĩnh thêm hùng khí,Cổ thụ chống trời, cõi trần gian khuất xa.Khách áo mũ được lên chơi đây thực là may mắn,Trong khi bận rộn, lại tìm ra được một thú nhàn.

Dịch thơTam Đảo cao buông xuống một chòm,Ghê mắt người, rực rỡ núi non.Cửu Long như giục mình muốn hóa,Ngũ Phúc nhìn xa mắt tưởng mòn.Gươm dài cắm đất, thêm hùng khí,Cổ thụ chống trời, khuất bụi son.Chơi đây mới biết mình may mắn,Thú nhàn tìm được giữa chon von.(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN (HVTT) chú thích là “chưa biết chùa Tích Sơn ở đâu”, nhưng nội dung bài thơ đã cho ta thấy thông tin rồi. Chùa Tích Sơn (còn có tên là chùa Ngũ Phúc) nằm dưới chân núi Tam Đảo cao vời. Nó ở khoảng thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Lý Trần Quán lên thăm chùa Tích Sơn, có thể là tác giả nhân việc quan, nghe danh tiếng của ngôi chùa Tích Sơn, nên ghé thăm. Mở đầu, thi nhân viết:

Tam Đảo danh sơn bán lạc sơn,Huỳnh hoàng vạn trạng tủng nhân quan.

Dãy núi Tam Đảo cao vời danh tiếng, lăn xuống đây, thả xuống đây, rơi xuống đây, buông xuống đây một hòn núi nhỏ, để rồi thấy đây rực rỡ muôn hình vạn trạng kỳ quan, có chỗ làm ghê mắt người xem. Hai câu thơ mở đầu, khái quát cảnh quan ngọn núi nhỏ nơi ngôi chùa Tích Sơn tọa lạc. Muôn hình vạn trạng cảnh quan, nhưng ở chỗ nào lại thấy “ghê mắt người xem” (tủng nhân quan) nhỉ? Phải chăng, đó chính là cái CHÙA ĐỊA NGỤC, cũng nằm trong khuôn viên thắng cảnh chùa chiền độc đáo này? Chắc là thế hay chăng? Ở đây, có con đường quanh co dẫn xuống CHÙA ĐỊA NGỤC, thấy có hai cái tháp đá cao vút, sừng sững như hai cái cột chống trời vậy. Cụ thể hơn, thi nhân tả tiếp:

Trên bệ Cửu Long (chín rồng), cảm giác như mình muốn hóa,Trước cửa Ngũ Phúc, phóng mắt nhìn xa rộng.

.
Ôi chà ! Quả là một cảm giác thơ rất độc đáo và tinh tế. Trên bệ Chín Rồng, thi nhân cảm thấy lòng mình xao xuyến đến kỳ lạ. Trước cảnh Thiền rực rỡ muôn vạn dáng hình, mà có cái cảm giác như mình muốn hóa thành Phật, hóa thành mây trắng, thành một “siêu nhân”, như thể là mình không còn là chính mình nữa. Cảnh đã hút hồn thi nhân đến nỗi như rơi vào trạng thái không làm chủ được mình. Thật tuyệt. Còn như đứng ở trước của chùa Ngũ Phúc, có thể phóng mắt nhìn xa tới vô tận vô cùng. Vẫn chưa là hết. Còn đây:
Lưỡi gươm dài cắm xuống đất, thì chỗ đất yên tĩnh (tĩnh thổ) này thêm hùng khí,

Cây cổ thụ chống trời, cõi trần gian khuất xa.

Thi nhân hình như đang ngước nhìn lên đỉnh núi Tam Đảo danh tiếng cao vời trên kia, thấy cái khe núi rất dài, như thể một cái lưỡi kiếm dài từ trên Tam Đảo cắm xuống đây. Hoặc giả là có một ngọn thác đang từ trên cao phóng xuống như một lưỡi gươm thần, thì cảm giác như thấy chỗ đất Phật yên tĩnh này như có thêm hùng khí vậy. Còn như “cây cổ thụ chống trời” ở đây, có lẽ là một cây lớn nhiều năm tuổi, cao vút vững chãi như cái cột chống trời. Hoặc giả là hai ngọn tháp đá cao vút, vững chãi như cây cổ thụ chống trời vậy. Cây cổ thụ chống trời, đội trời lên, thì nhìn xuống cõi trần gian dưới kia, khuất xa lắm. Phải chăng, cái “cõi trần gian” ấy, chính là những chòm xóm nhỏ xíu, lấm chấm dưới chân núi Tam Đảo mờ xa?..

.
Thi nhân kết luận:
Khách áo mũ được lên chơi đây thật là may mắn,
Trong khi bận rộn lại tìm ra được một thú nhàn.

Thi nhân, đồng thời là “khách áo mũ”, tức kẻ đang làm chức quan, có dịp lên chơi chùa Tích Sơn đây, thấy mình thật là may mắn. Việc quan bận rộn lắm, nhưng lại bất ngời tìm thấy cái thú nhàn của thi sĩ rong chơi thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh vô cùng độc đáo này!

Một bài thơ không hề dễ đọc. Nó có cảm quan vũ trụ rộng lớn, vừa hiện thực, lại vừa huyền ảo, trộn lẫn những suy tư thực ảo đắm say. Không thể không nói là một bài thơ rất hay vậy!

Nhà thơ, Nhà nghiên cứu: Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/danh-tich-danh-thang-moi-chi-thay-trong-tho-82364