Dành tỷ lệ lớn cho cán bộ có thể làm đủ 2 nhiệm kỳ

'Quy hoạch được làm nhiều vòng, nhiều cấp. Hội nghị Trung ương 9 bàn khung quan trọng nhất, định vị chất lượng để tiếp tục sàng lọc nhân sự', ông Nhị Lê chia sẻ với Zing.vn.

Trao đổi với Zing.vn nhân Hội nghị Trung ương 9, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê đánh giá cao việc chuẩn bị sớm phương án nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ tới cũng như việc đặt ra các khung khổ chặt chẽ để sàng lọc.

- Hội nghị Trung ương 9 với trọng tâm bàn thảo là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ tới. Ông đánh giá thế nào về việc sớm thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội khóa XIII cũng như sớm làm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược?

- Mục đích chính của nội dung này là nhằm tổng rà soát toàn bộ việc chuẩn bị quy hoạch cán bộ một cách chất lượng. Điểm đáng chú ý là so với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này chúng ta làm sớm 1 năm. Trước kia, chúng ta thường dùng cách thức giới thiệu trực tiếp, còn bây giờ có hội nghị quy hoạch cán bộ tầm chiến lược ở tầm vóc Trung ương.

Tôi đánh giá việc tiến hành sớm Hội nghị này thể hiện tầm nhìn và sự chủ động. Việc thành lập sớm tiểu ban nhân sự không chỉ thể hiện trọng trách mà còn tạo độ mở rộng rãi về thể chế, sự chặt chẽ và công bằng về quyết sách.

Nếu làm tốt lần này thì chắc chắn những hạn chế của nhiệm kỳ trước được khắc phục ở mức độ rất đáng kể. Chúng ta cũng bước đầu lựa chọn được những cá nhân ưu tú, có đạo đức, trình độ, là tấm gương mẫu mực để xây dựng đội ngũ và đảm bảo thế bố trí chiến lược cán bộ.

Đầu tháng 12, chúng ta đã chốt danh sách cán bộ lần đầu vào quy hoạch, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị lần này là một bước quan trọng để rà soát công tác rất quan trọng đó.

- Danh sách cán bộ lần đầu vào quy hoạch lên tới 200 người nghĩa là khá rộng so với các lần quy hoạch khóa trước. Thay đổi này có ý nghĩa gì?

- Con số 200 người lần đầu vào quy hoạch, không tính số đã nằm trong quy hoạch chứng tỏ khung rộng và lượng đủ độ mở, để sàng lọc và lựa chọn quy hoạch.

Trước kia, thường vào tháng 10 của năm trước khi đại hội mới tiến hành giới thiệu Trung ương, thậm chí có không đến 1 năm với khoảng 6-8 tháng là cùng. Nhiệm kỳ này làm chủ động ngay từ nửa nhiệm kỳ Đại hội nên sự lựa chọn càng được đặt trên phông rộng, đối tượng mở, nên có điều kiện sàng lọc và chủ động hơn. Việc lấy nguồn quy hoạch rộng như vậy lại càng giúp sự lựa chọn đủ tầm mức và khả tín hơn.

Tôi đánh giá như thế là chủ động, kỹ lưỡng và thiết thực.

Bây giờ là đang ở giai đoạn tiến cử để đưa cán bộ vào quy hoạch. Đến khoảng tháng 10 năm sau, Trung ương sẽ bắt tay vào lựa chọn và dựa theo quy trình 5 bước. Quy trình 5 bước cho chúng ta thấy tuy khung rộng hơn nhưng điều kiện lựa chọn đã chặt chẽ hơn.

Trước kia, tiến cử thì danh sách 250 người, lấy lại 200 người, thế nên mới hiểu tại sao là rất nhiều sự lựa chọn của chúng ta chưa như mong muốn, có trường hợp chưa chuẩn tắc. Bài học thể hiện ở ngay nhiệm kỳ này, chỉ một năm rưỡi sau Đại hội, đã phải kỷ luật nhiều Ủy viên Trung ương. Tất nhiên, nguyên nhân có phần tích tụ nhiều khóa trước nhưng chúng ta cũng chưa kiểm soát được như mong muốn. Đó là hạn chế.

Cách làm của lần này cũng giúp ta nhìn xa hơn, kể cả quá khứ lẫn dự báo tương lai của cán bộ. Trong quá khứ, ít chú ý điểm này. Nay, ai vi phạm mà được giới thiệu hoặc có dấu hiệu vi phạm các thể chế trước khi được giới thiệu, phải dừng và loại bỏ ngay, không mất thời gian nhiều cho việc hồi tố.

Rất nhiều nhân sự, theo tôi được biết, ở khóa trước, vào đến thềm đại hội rồi nhưng bao nhiêu thư từ, khuất khúc chưa được giải quyết, gây bức xúc, nghi ngại. Đợt này, chúng ta làm căn bản để rà soát trước đó cho đến khi đưa vào quy hoạch. Qua nhiều vòng bỏ phiếu thì sự lựa chọn là tốt hơn, thời gian cũng đủ để thẩm định những điều còn tồn nghi. Nhưng, rất cần lưu ý, không hiếm nơi đã và đang giới thiệu theo kiểu quy hoạch hóng hoặc hóng quy hoạch.

Lần này, chúng ta ưu tiên sự cân bằng giữa các độ tuổi để bảo đảm sự kế tiếp nhịp nhàng. Trung ương lựa chọn, coi trọng các lĩnh vực then chốt, vì Ban chấp hành là cơ quan hoạch định chiến lược, theo đó, các lĩnh vực, các phương diện được tính toán cẩn trọng, để chủ động hơn trong việc lựa chọn cán bộ xứng đáng là người lãnh đạo, thật sự là những hình ảnh của thể chế.

Tôi lấy ví dụ, chẳng hạn tại nhiệm kỳ XII, Trung ương không chọn được Ủy viên Trung ương phụ trách ngành y tế. Từ đó dẫn đến chúng ta lúng túng trong bố trí sắp xếp cán bộ ở thế chiến lược, sau Đại hội. Nguyên nhân của điều này một phần bắt nguồn từ việc quy hoạch cán bộ. Qua đây, bộc lộ những vấn đề mà ta cần rút kinh nghiệm để khóa này làm chủ động và rõ hơn.

Việc làm chủ động và toàn diện cũng thể hiện ở chỗ Tiểu ban nhân sự mới được thành lập có tính bao quát hơn. Sáu vị mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban, chắc chắn sẽ làm cho việc quy hoạch, chủ động chuẩn bị nhân sự Trung ương trong hệ thống chính trị sẽ toàn vẹn hơn, hài hòa hơn. Nó cũng thể hiện trách nhiệm của các thành viên minh bạch hơn chứ không chỉ là việc đơn thuần của Ban Tổ chức Trung ương; đồng thời, tất cả những tồn nghi về cán bộ sẽ phải được giải quyết thấu đáo, trước khi trình Đại hội quyết định.

- Ông có thể nói cụ thể về “điều kiện chặt chẽ hơn” đối với cán bộ được quy hoạch chiến lược?

- Trước hết dứt khoát phải là cán bộ được duyệt quy hoạch thì mới tiến cử nhân sự cho Trung ương, còn trước đây là có thể giới thiệu trực tiếp vào Trung ương.

Quy hoạch được làm nhiều vòng và nhiều cấp. Hội nghị Trung ương 9 sẽ bàn khung quan trọng nhất, rút kinh nghiệm cách làm, định vị tiêu chuẩn, chú trọng chất lượng, bước đi chắc chắn hơn, để tiếp tục sàng lọc nhân sự.

Về tiêu chuẩn cán bộ cũng được định lượng rõ hơn, ví dụ phải là chuyên viên chính mới được quy hoạch cấp thứ trưởng.

Về đối tượng, lần này quy hoạch chú trọng đối tượng 3, ngoài đối tượng 1 và 2 tương đồng như các nhiệm kỳ. Đối tượng 3 thì tất cả các lĩnh vực, phương diện, vùng miền, giới tính dân tộc… được định rõ hơn, rộng hơn, vừa mở vừa động. Tiêu chí giúp dễ lựa chọn hơn.

Khung tuổi cũng chặt chẽ hơn khi chia làm 3 độ tuổi một cách rõ ràng: cán bộ làm trọn 1 khóa Trung ương, 2 khóa Trung ương và loại để rèn luyện.

- Quy hoạch cán bộ ở 3 độ tuổi cho nhiệm kỳ khóa XIII có gì khác so với khóa trước?

- Công tác cán bộ lần này có trách nhiệm lựa chọn cho 1 khóa, nhưng xa hơn để làm tiền đề lựa chọn khóa sau, nếu không chúng ta cứ sai mãi. Nhưng, trách nhiệm được định vị trực tiếp cho nhiệm kỳ tới. Điều đó càng để chúng ta có điều kiện thẩm định, lường trước và khắc chế hiện tượng những “con lươn, con chạch”, người đi cửa sau, thậm chí “nhảy dù”, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khác, để chui, để lẻn vào đội ngũ quy hoạch nhân sự Trung ương.

Theo thống kê, độ tuổi có thể làm trọn vẹn một khóa nếu nhìn từ khóa XII là 40%, đây là con số khá lớn. Nhưng nếu thay toàn bộ 40% của Ban chấp hành Trung ương thì lại gây hụt hẫng. Theo tôi, đợt này quy hoạch cán bộ làm được 1 nhiệm kỳ chỉ khoảng 20 đến 25%. Nên dành tỷ lệ lớn cho người có thể làm đủ 2 nhiệm kỳ nên chiếm khoảng 55-60%.

Tỷ lệ này cho phép đào tạo một cách rất chủ động cho các chức vụ cao cấp của Đảng, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nếu chỉ ngay trong 1 khóa thì không thể rèn luyện chu toàn được, rất khó tạo ra thay đổi, đóng góp như kỳ vọng.

Độ tuổi thứ 3 là để rèn luyện, gồm có 2 khung là Ủy viên chính thức và dự khuyết. Ủy viên dự khuyết khóa vừa rồi là 20 người. Khi tính toán cụ thể, Ủy viên chính thức có độ tuổi 3 có khả năng làm được 3 khóa. Do đó, nó phải chiếm tương đương với diện 1 khóa, nghĩa là tỷ lệ trên dưới 20%, tức là khoảng 30 người ở độ tuổi này.

Khi đã bố trí các phương diện hài hòa trên cơ sở tiêu chuẩn chất lượng, thì cơ cấu cần được quan trọng. Nhưng xin nhấn mạnh, tiêu chuẩn phải là căn bản, làm nền tảng để kiến tạo đội ngũ cấp chiến lược trực tiếp, nếu không vừa rất dễ hụt hẫng vừa rất để chọn không đúng và trúng người cần được chọn.

Chúng ta cần đặc biệt coi trọng lựa chọn nhân sự cho bộ máy cấp cao, như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trên nền Ban chấp hành Trung ương tinh hoa - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa 2 kỳ đại hội.

Tất nhiên, đây là điều khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trước thềm Đại hội XIII, nếu chúng ta làm tốt công tác nhân sự ngay từ Hội nghị Trung ương 9 thì các Hội nghị Trung ương 13, thậm chí 14, vấn đề này sẽ không bị mất quá nhiều thời gian. Nếu làm muộn thì các hội nghị sau thay vì dành thời gian dốc tâm dốc sức vào hoạch định đường lối chính trị lại bị vấn đề nhân sự che lấp. Thời gian thảo luận văn kiện, báo cáo chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội… vô hình trở thành việc tượng trưng, trong khi chúng ta lại chú mục vào việc nhân sự thôi. Hệ quả là đại hội không xứng tầm.

Chỉ có bắt đầu từ đường lối chính trị để lựa chọn con người chứ không phải chọn con người trước khi “đẻ” ra đường lối chính trị. Chúng ta lựa chọn cán bộ để thực thi đường lối chứ không phải chọn ông này bà kia chỉ để minh họa, tô vẽ đường lối. Hội nghị lần này, cũng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Trung ương bầu, chính là một “hàn thử biểu”, một thước đo quan trọng, một động lực để làm tốt công tác quy hoạch mà Hội nghị bàn định.

- Ông nhắc nhiều tới việc giới thiệu, tiến cử cán bộ. Vậy trong tình huống người tiến cử sai thì trách nhiệm thế nào?

- Qua theo dõi cách thức làm, tôi thấy chưa có thể chế ràng buộc người được giới thiệu và người giới thiệu. Đây là vấn đề cần thiết, dù nhạy cảm. Nhưng, phải làm. Vì đó là trách nhiệm. Quyền mà không gắn với trách nhiệm, thì vô tình hạ thấp cả hai. Ví dụ, trường hợp ông Đinh La Thăng thì ai giới thiệu, trách nhiệm của người giới thiệu như thế nào khi nhân sự được giới thiệu để xảy ra vụ việc vừa qua? Các nhân sự khác nữa?

Lần này, các quy chế trong Đảng phải hoàn thiện ở chỗ gắn quyền lợi, trách nhiệm người giới thiệu với người được giới thiệu, không thể lợi dụng việc giới thiệu để mưu lợi riêng, bè nhóm, hoặc cứ giới thiệu xong là buông. Thế mới có tình trạng: giới thiệu hóng và quy hoạch hóng! Vô hình trung, làm hỏng cả hai: người giới thiệu và người được giới thiệu quy hoạch.

Thứ hai, rút kinh nghiệm từ nhiều đại hội, tôi cho rằng, đã đến lúc cần thể chế hóa quyền và trách nhiệm của đại biểu dự đại hội Đảng trong vấn đề lựa chọn cán bộ. Anh đến dự đại hội Đảng thì phải chịu trách nhiệm với lá phiếu trong lựa chọn cán bộ và quyết sách chính trị. Trung ương do Đại hội bầu ra thì phải được giám sát như thế nào trong Đảng? Chúng ta cũng cần một quy chế chặt chẽ chung quanh vấn đề này.

Ngay bản thân Ban chấp hành Trung ương, thừa ủy quyền của Đại hội, thì việc giới thiệu và lựa chọn vị trí cao trong Đảng, trong Bộ chính trị với quy trình chung và gắn với trách nhiệm cá nhân riêng, là như thế nào?

Tóm lại, có thể nói một câu rất ngắn: Nếu thất bại trong việc chuẩn bị thì nhất định phải chuẩn bị nhận lấy sự thất bại đã được báo trước và đợi sẵn. Do đó, nếu làm tốt sự chuẩn bị thì thành công là 51%. Chuẩn bị tốt công việc chính yếu quy hoạch, nó sẽ quyết định 51% thành công. Hội nghị lần này dù thời gian ngắn, bàn rất cụ thể, nhưng thiết thực, công việc mang tầm nhìn xa, có ý nghĩa thành bại sắp tới.

- Quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ tới có nhấn mạnh sẽ thu hút nhiều tầng lớp tri thức, khoa học, văn nghệ sĩ… Làm thế nào để đảng viên và người dân hiểu rõ chuyện này, đặc biệt người nào có mong muốn cống hiến được có cơ hội tham gia sâu?

- Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện văn bản quy định, làm minh bạch, chặt chẽ, thực chất mục tiêu này. Ngoài việc kiểm tra giám sát ở trong Đảng thì cũng vô cùng đề cao sự giám sát của nhân dân.

Trở lại Quy định số 76 của Bộ Chính trị khóa IX về đảng viên sinh hoạt 2 chiều, cần được tuân thủ chặt chẽ với việc quy hoạch nhân sự lần này, một cách trực tiếp và làm thực chất. Cần coi ý kiến của tổ dân phố, của chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt 2 chiều làm một điều kiện có tính chất đủ. Không thể có tình trạng, ông làm quan ở Trung ương nhưng chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm đảng viên ở chi bộ nơi cư trú, vai trò công dân ở phường?

Đồng thời, còn phải ủng hộ và đề cao việc ứng cử. Quy chế phải tiếp tục hoàn thiện để thấy việc của Đảng là việc chung của toàn Đảng chứ không riêng gì của cấp ủy. Quyền ứng cử phải được quy định cụ thể hơn nhưng mở rộng hơn, chứ không lại cứng nhắc thì không ai dám thực hiện quyền ứng cử.

Chúng ta tiếp tục định chế và mở rộng quyền ứng cử sẽ gồm những tiêu chí và điều kiện nào? Qua các nhiệm kỳ, càng cho thấy, nếu chuẩn bị tốt, kỹ và trách nhiệm của đại biểu được đề cao thì việc giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương càng dân chủ.

Tôi nhớ Đại hội IX có 2 nhân sự quan trọng là Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Y tế sau này, bằng con đường giới thiệu từ Đại hội thông qua đại biểu tham dự Đại hội, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Điều đó càng khẳng định, khi quyền đề cử, quyền ứng cử được đề cao thì cánh cửa sẽ mở rộng hơn để đón mọi tinh hoa, bổ sung thêm nhiều nguồn lực mới cho Trung ương. Công việc quy hoạch cũng càng nên như vậy!

Quy hoạch là căn bản nhưng động và mở. Nghĩa là tiếp tục mở những cánh cửa rất rộng để đón người ra ứng cử quy hoạch, làm phong phú nguồn quy hoạch. Như vậy, không khí dân chủ trong Đảng không chỉ càng được phát huy mà việc lựa chọn, quy hoạch và xây dựng thành công đội ngũ cấp chiến lược dẫn dắt công cuộc đổi mới phát triển như kỳ vọng càng được tấn tới theo chủ kiến đã hoạch định.

Nguyễn Hưng - Hiếu Công thực hiện
Ảnh: Việt Linh - Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/danh-ty-le-lon-cho-can-bo-co-the-lam-du-2-nhiem-ky-post902827.html