Danh vọng, tài sản đại gia Việt trong khói lửa Ukraina

Rất nhiều đại gia nổi tiếng Việt Nam có thời gian dài học tập và lập nghiệp ở Ukraina. Dấu ấn tên tuổi và cả tài sản của họ hiện vẫn còn rất nhiều ở nơi đang có nhiều biến cố này. Sức nóng chiến sự ở Ukraina và sự liên quan của nước Nga đang được nhiều đại gia quan tâm dù họ đã rút hết hay còn sản nghiệp ở nơi đây.&nbsp

Bảng xếp hạng của Forbes vừa cho thấy, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất và cũng là tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam đã tăng 100 triệu USD trong năm 2013, lên 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.092 trong danh sách.

Ông Vượng là một trong số các thanh niên xuất sắc được chọn gửi ra học tập, làm việc ở Đông Âu. Tốt nghiệp Kinh tế địa chất tại Moscow năm 1992, nhưng sau đó ông Vượng và vợ đã sang Kharkov, Ukraine sinh sống và khởi nghiệp cũng chính từ đây.

Với số tiền ban đầu khoảng 10.000 USD, ông Vượng mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên Thăng Long, sau đó mang dây chuyền mỳ ăn liền từ Việt Nam sang sản xuất tại Ukraine. DN Technocom của ông Vượng đã nhanh chóng thống trị thị trường thực phẩm ăn nhanh của Ukraine với doanh thu tính đến năm 2010 trước khi bán cho Nestle khoảng hơn 100 triệu USD/năm.

Rất nhiều đại gia học tập và lập nghiệp thành công ở Ukraina

Bạn bè của ông Vượng cũng có rất nhiều người học tập và lập nghiệp thành công ở Ukraina hay Nga như Nguyễn Đăng Quang (Masan), Hồ Hùng Anh (Techcombank), Lê Viết Lam (SunGroup), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Nguyễn Thanh Hùng (Sovico), Trịnh Thanh Huy (BĐS Bình Thiên An), Nguyễn Cảnh Sơn (Eurowindow Holding)... chắc hẳn rất quan tâm đến tình hình nơi họ đã gắn một thời tuổi trẻ, nơi ghi dấu khởi nghiệp thành công.

Ông chủ Tập đoàn SunGroup Lê Viết Lam hồi cuối 2013 cũng nổi tiếng khắp trong giới đầu tư với quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi Fansipan.

Trước đó, SunGroup cũng đã nổi tiếng với dự án Cáp treo Bà Nà; khách sạn cao nhất miền Trung Novotel Da Nang Priemier; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas...

Ông Lê Viết Lam (1969) đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng. Ông Lê Viết Lam đã cùng một số người bạn thành lập một nhà máy chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina và đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.

Dấu ấn tên tuổi và cả tài sản của họ hiện vẫn còn rất nhiều ở nơi đang có nhiều biến cố này

Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine. Đặc biệt, ông cùng với ông Đặng Khắc Vỹ là lãnh đạo Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Đặng Khắc Vỹ là một trong những thành viên sáng lập Ngân hàng VIB sau khi bảo về thành công luận án tiến sĩ kinh tế và có nhiều năm làm việc tại các nước trên thế giới như Nga, Singapore... Ông Đặng Khắc Vỹ đang là Chủ tịch Tập đoàn Future Generation, tập đoàn hoạt động tại các quốc gia Đông Âu, Tây Âu và một số quốc gia châu Á.

Một trong những công ty thuộc Tập đoàn Future Generation là Rolton của ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng (hiện là Chủ tịch HĐQT ngân hàng VPBank) đã chiếm lĩnh thị trường mì tôm Nga, khiến DN Masan của ông Nguyễn Đăng Quang phải chuyển hướng về nước. Rollton được biết đến là một DN tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người Việt sống và làm việc tại Nga, cũng như nhiều người Nga.

Gia đình ông Đặng Khắc Vỹ hiện đang nắm giữ hàng chục phần trăm cổ phần VIB và cũng đầu tư vào cả BĐS. Một phần tài sản khác vẫn đang đầu tư kinh doanh thực phẩm ở nước ngoài.

Làn sóng các doanh nhân thành đạt ở khu vực Đông Âu trở về nước đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều DN nổi tiếng, có quy mô lớn và những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế. Không ít người đã mang cả cơ nghiệp của mình về như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, ông Nguyễn Đăng Quang hay ông Ngô Chí Dũng (VPBank), nhưng cũng có nhiều người vẫn còn tài sản lớn ở nước ngoài mà chủ yếu ở Nga và Ukraina

Một đại gia trở về từ Đông Âu rất giàu nhưng không nằm trong bảng xếp hạng nào là ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967) - Chủ tịch Eurowindow Holding. Eurowindow Holding được thành lập năm 2007 và đang quản lý rất nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam của Tập đoàn T&M Trans trong các lĩnh vực như BĐS, tài chính, vật liệu xây dựng. Tập đoàn T&M Trans thành lập năm 1994, hoạt động tại CHLB Đức, Nga, Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới và có mặt tại Việt Nam từ tháng 10/1999.

Với một nơi họ đã ghi dấu học tập, khởi nghiệp tạo nên tên tuổi và thậm chí rất nhiều tài sản sang đang còn trên đất Nga và Ukraina thì diễn biến ở Ukraina và sự tham dự của Nga chắc chắn không nằm ngoài sự quan tâm của họ. Khói lửa cuộc chiến đang đến gần càng khiến cho nhiều người nóng ruột dù họ có còn liên quan trực tiếp hay không.

Nguồn VietnamNet: http://vef.vn/2014-03-04-danh-vong-tai-san-dai-gia-viet-trong-khoi-lua-ukraina