Danh y nổi tiếng Việt Nam

Kể từ khi giành được độc lập dân tộc từ tay bọn phong kiến phương Bắc, bên cạnh việc củng cố về an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn coi trọng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật… trong đó có y học. Đến thời Trần - Hồ đã xuất hiện nhiều thầy thuốc nổi tiếng, vững vàng về y lý lẫn điều trị lâm sàng, chữa trị được nhiều bệnh nan y, làm nền tảng cơ bản cho nền Y học Vệt Nam sau này.

- Phạm Công Bân - người thầy thuốc giỏi thời Trần: Ông là người Tứ Minh huyện Cẩm Giàng (nay là Cẩm Bình - Hải Dương), giữ chức Thái y lệnh thời Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông - chuyên chăm sóc sức khỏe cho nhà vua. Mặc dù vậy, với lương tâm người thầy thuốc, ông đã luôn dùng tiền của do nhà nước ban cấp để dựng nhà nuôi dưỡng người nghèo khổ, người tàn tật, trẻ mồ côi. Những năm khó khăn, ông mua thuốc, mua gạo chẩn cấp cho dân nghèo đói. Trong công việc ông luôn tận tụy phục vụ người bệnh, không quản ngại nhơ bẩn nguy hiểm. Có lần một phụ nữ bị băng huyết cho người đến mời ông, vừa lúc đó lại có lệnh của nhà vua đến mời ông khám cho một cung nhân bị cảm. Ông tạm hoãn việc vào cung, đi cứu người phụ nữ nghèo bị băng huyết xong mới quay trở lại nhận lời vua. Trần Nhân Tông đã gọi ông là thầy thuốc chân chính.

- Tuệ Tĩnh (Nguyễn Bá Tĩnh): Nhà y khoa kiêm dược nổi tiếng thời Trần. Ông hiệu là Hồng Nghĩa Đường quê ở Nghĩa Lư, Hồng Châu (nay là Nghĩa Phú, Cẩm Bình, Hải Dương). Mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi, ông được sư cụ chùa Hải Triều (Giám) nuôi, sau đó cho vào chùa Keo (Thái Bình) ăn học. Năm 22 tuổi ông đi thi hội ở kinh thành, đỗ nhưng không ở lại làm quan mà xin về quê làm thuốc, chữa bệnh.

Ông thường đi lại chữa bệnh ở 24 ngôi chùa thuộc địa phận Hồng Châu, gây dựng phong trào trồng cây thuốc nam với phương châm “thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Không những thế, ông còn dạy cho các sư cách chữa bệnh trong nhân dân, ghi lại thành sách như “Nam dược thần hiệu” (trong đó viết 3932 phương thuốc đơn giản chữa 183 loại bệnh và cấp cứu); “Nam dược quốc ngữ phú” (ghi công dụng của 214 vị thuốc Nam”… Ông được nhân dân gọi là vị thánh thuốc nam. Truyền rằng cuối thế kỷ XVII, Nguyễn Danh Nho sang sứ Trung Quốc, có đọc mộ chí của ông, mặt sau ghi rằng: “Về sau có sứ bên nước sang nhờ cho hài cốt tôi về với”. Hiện nay, ở xã Nghĩa Phú còn có đền thờ ông.

Tuệ Tĩnh không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong các xóm làng.
Tuệ Tĩnh còn tập hợp được những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. có thể nói, ông chính là người đặt cơ sở nề móng cho nền thú y Việt Nam

- Nguyễn Đại Năng - nhà châm cứu nổi tiếng thời Hồ: Ông ở Giáp Sơn, nổi tiếng chữa bệnh giỏi bằng châm cứu. Năm 1403, nhà Hồ thành lập Quảng tế thư (cơ quan Y tế Trung ương) và lấy ông làm người phụ trách. Ông đã viết tập “Châm cứu tiệp hiệu diễn ca” ghi lại cách chữa 130 loại bệnh chứng, 140 huyệt châm cứu, trong đó có 11 huyệt do tổ tiên chúng ta tìm ra. Ông là một trong những người có sức khỏe, giỏi bắn nỏ nên được nhà Hồ cử kiêm coi việc quân.

-Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791). Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nguyên quán thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

Lê Hữu Trác được nhân dân tôn vinh là Đại danh y. Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; Phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình không được mưu lợi kể công”. Cả cuộc đời, ông đã phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện tâm niệm của mình.

Thích Mẫn (Tổng hợp)

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/danh-y-noi-tieng-viet-nam-878/