Đào ao gây ảnh hưởng đến ruộng lúa

Khi chưa có ao vừa, hộ ông Giờ canh tác cây lúa trên phần đất của gia đình, ruộng lúa phát triển bình thường. Thế nhưng, từ khi ao được đào sâu, có đoạn bị sạt lở, nước phèn từ ao chảy tràn qua ruộng của ông Giờ làm chết lúa non, ảnh hưởng đến năng suất.

Đất ruộng của ông Giờ (bên trái) và ao cá (bên phải) đang bị ngập nước (ảnh chụp ngày 20.9.2023)

Theo đơn và lời trình bày của ông Trình Văn Giờ (ngụ tổ 7, ấp Bưng Rò, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành), từ năm 2019, giáp ranh đất của ông Giờ có ao nước khá sâu, rộng, thuộc một dự án nạo vét ao nuôi trồng thủy sản. Khi chưa có ao vừa nêu, hộ ông Giờ canh tác cây lúa trên phần đất của gia đình, ruộng lúa phát triển bình thường. Thế nhưng, từ khi ao được đào sâu, có đoạn bị sạt lở, nước phèn từ ao chảy tràn qua ruộng của ông Giờ làm chết lúa non, ảnh hưởng đến năng suất.

Vụ Hè Thu, nắng hạn làm mực nước trong ao thấp hơn đất ruộng nên khi bơm nước vào ruộng để tưới lúa thì nước theo mạch ngầm xuống ao, cây lúa khô héo. Đến mùa mưa, việc tháo nước cho ruộng lúa gặp nhiều khó khăn, do nước mưa trên diện rộng đổ dồn xuống ao nằm ở vị trí cao hơn ruộng nên nước từ ao cứ chảy qua ruộng, ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp của ông Giờ.

Ông Giờ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết sự việc trên, yêu cầu chủ ao cá phải khắc phục độ sâu của ao theo đúng chủ trương của cơ quan có thẩm quyền cho phép (theo ông Giờ thì độ sâu của ao hiện trạng đã quá mức cho phép, có chỗ sâu khoảng 20m), đắp bờ gia cố chỗ sạt lở, có giải pháp không cho nguồn nước nhiễm phèn từ ao chảy qua ruộng của ông Giờ. Đồng thời, chủ ao nuôi trồng thủy sản cũng phải có hướng bồi thường thiệt hại cho ông Giờ do nguồn nước phèn từ ao gây ảnh hưởng đến vụ mùa trồng lúa.

Ngày 20.9.2023, ông Phạm Đình Lâm- Chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết, liên quan đến nội dung đơn kiến nghị của ông Giờ, UBND huyện Châu Thành đã có công văn chỉ đạo UBND xã chủ trì, phối hợp các phòng chức năng liên quan đến vị trí đất của ông Giờ kiểm tra hiện trạng, căn cứ theo quy định pháp luật để giải quyết đơn và trả lời cho ông Giờ, đồng thời báo cáo kết quả về UBND huyện. Sau đó, UBND xã Hòa Hội phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cùng ông Giờ đến kiểm tra, lập biên bản ghi nhận hiện trạng đất và đã báo cáo kết quả về UBND huyện.

Theo Báo cáo số 298/BC-UBND ngày 11.9.2023 của UBND xã Hòa Hội (đề nơi nhận là gửi đến UBND huyện Châu Thành và ông Trình Văn Giờ; tuy nhiên, ông Giờ cho biết vẫn chưa nhận được văn bản này), tại thời điểm tổ công tác nêu trên đến kiểm tra hiện trạng đất vào ngày 8.9.2023 thì đất của ông Giờ là đất trống, lúa đã được thu hoạch. Có đoạn bờ bị sạt lở khoảng từ 3m đến 4m chỗ giáp với ao cá. Ao này do bà Nguyễn Thị Hoàn Châu đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ, trước đó, bà Châu nhận chuyển nhượng QSDĐ từ ông Nguyễn Thái Bình.

Cũng theo báo cáo trên, đối với kết quả thực hiện dự án nạo vét ao nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Thái Bình, ngày 15.11.2018, UBND huyện Châu Thành đã có Công văn số 1394/UBND với nội dung nghiệm thu một phần ao số 02, riêng ao số 01 chưa thực hiện. Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra vào ngày 8.9.2023, tổ công tác còn ghi nhận thêm một số nội dung khác liên quan. Cụ thể, về nội dung nước phèn tràn xuống ruộng gây chết lúa là chưa thể đánh giá được, do tại thời điểm kiểm tra hiện trạng đất trống và lúa đã được thu hoạch.

Về độ sâu của ao, tại thời điểm kiểm tra ao cá bị ngập nước, tổ công tác chưa xác định được độ sâu để làm cơ sở giải quyết đơn của ông Giờ. Đối với nội dung ông Giờ yêu cầu bồi thường thiệt hại về lúa, do lúa đã được thu hoạch trước đó nên tổ công tác cũng không thể lập biên bản ghi nhận hiện trạng nhằm làm cơ sở xác định việc có hay không nguồn nước từ ao gây ảnh hưởng đến ruộng lúa liền kề, để từ đó có hướng giải quyết theo quy định.

Cùng ngày 20.9.2023, đại diện UBND xã cùng phóng viên đến ghi nhận tình hình thực tế vị trí khu đất đang đề cập. Qua quan sát, ruộng của ông Giờ đang là đất trống, nhiều nước. Mực nước trong ao cá liền kề khá cao, tại vị trí đoạn bờ ao bị sạt lở trước đó có ngọn nước nhỏ chảy qua ruộng của ông Giờ, một số trụ rào giăng dây kẽm gai bị gãy đổ; nước ao tương đối trong.

Với tình hình như vậy, việc đo đạc và đánh giá độ sâu của ao sẽ gặp khó khăn, kể cả việc lấy mẫu nước đưa đi thử nghiệm mức độ nhiễm phèn từ ao chảy qua ruộng cũng thiếu phần khách quan do đang là mùa mưa.

Hơn nữa, ruộng của ông Giờ hiện là đất trống bị bao phủ toàn nước, nên cơ quan chức năng không thể đánh giá việc có hay không nguồn nước từ ao chảy qua ruộng và “gây chết lúa non”, hoặc về quy mô bị ảnh hưởng nếu có. Do đó, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả đối với các nội dung theo đơn kiến nghị của ông Giờ, tốt nhất nên thực hiện vào thời điểm mà các điều kiện liên quan thuận lợi hơn và có thể thực hiện được.

Riêng vấn đề xác định độ sâu của ao, nếu ông Giờ có nhu cầu nhanh chóng làm rõ ngay tại thời điểm này thì liên hệ đơn vị chức năng đo đạc để thực hiện, từ đó làm cơ sở yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết các nội dung trong đơn kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Quốc Sơn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dao-ao-gay-anh-huong-den-ruong-lua-a163799.html